NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc

08:48 07/11/2018

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Luật quy định đối tượng này sẽ thực hiện tham gia BHXH từ ngày 1-1-2018, nhưng do chờ Nghị định hướng dẫn chi tiết nên quy định này chưa được áp dụng. Ngày 15-10-2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã có những quy định cụ thể để cơ quan BHXH và các đơn vị có NLĐ là người nước ngoài triển khai thực hiện. Hải Phòng là thành phố thu hút được nhiều NLĐ nước ngoài đến làm việc nên đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm. Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc phụ trách BHXH thành phố Nguyễn Thị Lộc xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa bà, xin bà cho biết cụ thể đối tượng áp dụng trong Nghị định 143/2018/NĐ-CP về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Lộc: Theo Nghị định 143, đối tượng áp dụng gồm: 

Thứ nhất, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đối tượng NLĐ này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong hai trường hợp sau:

- Di chuyển trong nội bộ DN theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

- NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.

Thứ hai, người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Thứ ba, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài.

NLĐ và người sử dụng lao động quy định tại Nghị định này có đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động.

NLĐ thuộc đối tượng được quy định tại Nghị định này thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau đây: Ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất. Các chế độ này tính trên thời gian NLĐ tham gia BHXH.

Phó Giám đốc phụ trách BHXH thành phố Nguyễn Thị Lộc trả lời phỏng vấn Báo An ninh Hải Phòng

Phóng viên: Thưa bà, đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam,việc thực hiện chuyển đổi chế độ BHXH sẽ như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Lộc: Việc thực hiện chuyển đổi chế độ BHXH đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khi không tiếp tục cư trú tại Việt Nam được quy định như sau: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khi không tiếp tục cư trú tại Việt Nam có thể ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH; trường hợp có nguyện vọng thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần đối với NLĐ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 65 của Luật BHXH.

Phóng viên: Đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì mức đóng và phương thức đóng BHXH cụ thể như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Lộc: Về mức đóng và phương thức đóng BHXH, nghị định quy định, từ ngày 1-1-2022, hàng tháng:

- NLĐ đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Nếu NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

- Người sử dụng lao động, đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

NLĐ mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc thì NLĐ và người sử dụng lao động chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.

Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2018. Riêng các chế độ về hưu trí và tử tuất quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

BÙI HẠNH thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông