Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

04:50 25/10/2015

 

 

Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt...

Đó là từ cột mốc 92, ở thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), điểm đầu tiên của đất Việt tiếp nhận nguồn nước từ dòng sông Hồng. Không chỉ là ấn tượng và thú vị do chuyến du ngoạn, khám phá mang lại, hành trình đến nơi địa đầu tổ quốc của chúng tôi còn đặc biệt bởi tình cảm dân tộc thiêng liêng trong lòng những người con đất Việt…

Ngược dòng sông Hồng…

Từ Việt Trì, sông Hồng có thêm hai phụ lưu là sông Đà và sông Lô với hàng ngàn lạch khe, suối nhỏ, suối to, ngòi nhỏ, ngòi to với chiều dài 609km, bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn cao 1.776 mét, thuộc huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam, trên cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc). Khi đi vào Việt Nam, với chiều dài trên 500km nữa, sông Hồng vẫn là nguồn chủ công qua những vùng đất, hòa trong 122 tỷ m3 nước/năm một khối lượng phù sa khổng lồ là 120 triệu tấn/năm.

Cứ thế, dòng sông Hồng cần mẫn bồi đắp nên một vùng châu thổ có bề dày từ 180m đến 60m ở trung tâm đồng bằng. Tổng diện tích đất tự nhiên nhờ nó mà có ở vùng châu thổ cả sông Hồng và sông Thái Bình này là hơn 1,4 triệu ha, gồm 8 tỉnh và 4 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Không chỉ bồi đắp cho đầy mãi lên sự màu mỡ, mỗi năm sông Hồng còn mở mang bờ cõi cho đất nước nhờ lấn ra biển, trung bình 300m qua 11 cửa sông là: Lạch Huyện, Nam Triệu, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Diêm Điền, Trà Lá, Ba Lạt, Lạch Giang và Đáy...

Chả phải ngẫu nhiên mà dân Việt đã gọi sông Hồng là sông Cái, sông Mẹ. Gọi thế là đã mặc định tầm vóc to lớn và xác nhận vị thế số một của con sông này. Dọc dòng sông Hồng, đặt chân lên bất cứ nơi nào ta đều bắt gặp những dấu tích đánh giặc ngàn năm của cha ông thuở trước. Vẫn còn đây Hàm Tử Quan, Chương Dương, Vạn Kiếp… Và vẫn còn vọng đâu đây tiếng súng chiến thắng sông Thao. Từ Lũng Pô xuôi về Trịnh Tường có một cái thác, người dân gọi là Thác Tây. Chuyện rằng trong kháng chiến chống Pháp quân dân ta đã phục kích đánh đắm một đoàn tàu chiến của giặc, giết chết tên quan hai chỉ huy đoàn tàu vận chuyển lương thực, khí tài lên đồn Lũng Pô.

Ngược dòng sông Hồng hôm nay là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mỗi bản làng bảng lảng khói sương, những cánh đồng ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp dưới thung lũng xanh thẳm. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa có biết bao nhà máy mọc lên dọc 2 bên bờ sông Hồng. Tuyến vận tải đường thủy trên sông Hồng vẫn có một vị trí quan trọng, nhất là với tuyến Hà Nội đi Sơn La. Nhưng điều quan trọng hơn cả là hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình vẫn tiếp tục là nguồn thủy lợi cho nền nông nghiệp và cuộc sống của 11 tỉnh thuộc châu thổ sông Hồng.

Thiêng liêng nơi đầu nguồn

Lũng Pô, tiếng địa phương là Đồi con rồng lớn, cũng có nghĩa là đầu rồng. Nơi đây có cột mốc 92 là điểm ngã ba giữa sông Hồng và suối Lũng Pô. Dòng suối Lũng Pô uốn khúc quanh một mỏm đồi tựa đầu rồng hướng ra dòng sông Hồng, hướng về cội nguồn đất Tổ, hướng về biển Đông. Đứng bên cột mốc thiêng liêng nhìn dòng sông Hồng bên trong bên đục mải miết chảy về xuôi, chúng tôi đều cảm thấy tự hào.

Sau chiến tranh biên giới tháng 2-1979, dọc biên giới từ thị xã Lào Cai lên tận Lũng Pô một thời gian khá dài chìm ngập trong bom mìn, mảnh đất trở nên hoang tàn, cây rừng rậm rạp. Năm 1988, người dân chạy tứ tán khắp nơi mới trở về quê cũ làm ăn sinh sống. Sau khi tỉnh Lào Cai được tái lập vào tháng 10-1991, dân cư ra biên giới làm ăn nhiều hơn nhưng mảnh đất Lũng Pô vẫn còn thưa vắng bóng người.

 Trong ký ức của những người lính gắn bó với đồn biên phòng A Mú Sung, những gian nan của miền đất này khó có thể hình dung nổi. Đường sá đi lại khó khăn, đã vào tới đồn thì không muốn ra nữa vì không có tuyến ô tô từ Lào Cai. Phương tiện đi lại, nếu ngày nắng còn đi được xe máy, chứ ngày mưa chỉ còn cách duy nhất là đi bộ.

Nhưng đến giờ thì khác rồi. Đường đã thông tuyến lên Lũng Pô, ô tô có thể chạy đến tận chân cột mốc 92. Những năm qua, thực hiện chủ trương đưa dân đến định cư ở những vùng đất biên giới còn thưa thớt, xây dựng bản làng mới để hình thành “thế trận lòng dân”, những người lính ở A Mú Sung đã lập một kỳ tích khi giúp bà con người Mông xây dựng lên bản Lũng Pô 2 ngay sát bên đường biên giới, tạo dựng cuộc sống ấm no hơn, đàng hoàng hơn. Vừa khẩn trương giúp dân dựng tạm những ngôi nhà che nắng, che mưa xong, những người lính lại bắt tay vào việc tìm cây giống mới để bà con thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu. Thật bất ngờ khi mảnh đất “mờ sương” lại có thủy thổ thích hợp với các cây trồng mới.

Đến nay xã A Mú Sung đã có 11 thôn bản với gần 3 nghìn nhân khẩu. Trong các thôn bản của xã nhiều nơi đã phát triển kinh tế giúp đồng bào trở nên khá giả như  thôn Ngải Chồ, Lũng Pô 2 và Tùng Sán. Người dân Ngải Chồ ngoài việc mở mang ruộng nước để ổn định cuộc sống còn trồng chè và thảo quả. Thôn Lũng Pô 2 mới chuyển từ xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, xuống gần chục năm nay, người dân ở đây chủ yếu trồng chuối, dứa và sắn. Chuối thì bán sang Trung Quốc, dứa thì bán cho các thương lái trong nước, còn sắn thì người Lào Cai lên mua xuất khẩu. Mùa thu hoạch dứa và sắn xe từ khắp nơi đến ăn hàng chật kín các ngả đường.

Từ mảnh đất Lũng Pô trên ngọn nguồn, dòng sông Hồng rực đỏ phù sa đang cuồn cuộn chảy về xuôi, mang sức sống của vùng núi cao đến những mùa màng dưới đồng bằng thêm nặng hạt. Những người đang sống trên khắp vùng biên giới, mặc dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn ngày đêm kiên cường giữ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc, giữ bình yên cho đất nước…

TRẦN VĂN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông