Nối dài sức sống dân ca

10:32 29/07/2018

Làn điệu dân ca cổ truyền cùng các loại hình sân khấu từ lâu trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc, vùng miền. Dù Hải Phòng không phải là nơi bắt nguồn của những làn điệu dân ca, nhưng trong đời sống hiện đại, phong trào hát dân ca của người Hải Phòng vẫn được duy trì sôi nổi.

Trong đời sống hiện đại, phong trào hát dân ca tại Hải Phòng vẫn được duy trì sôi nổi

 

Lan tỏa tình yêu từ các CLB

Đến với một buổi sinh hoạt của CLB Nguồn Việt (xã An Đồng, huyện An Dương), mỗi người như thấy tâm hồn mình lắng lại khi nghe những điệu hát dân ca thân thương. Kể từ khi thành lập (tháng 10-2003) đến nay, CLB với hơn 50 thành viên, góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị loại hình ca nhạc này trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Qua mỗi buổi sinh hoạt định kỳ, CLB dân ca, văn hóa nghệ thuật Nguồn Việt quy tụ những hạt nhân văn nghệ tham gia dạy chơi nhạc cụ, biểu diễn múa, hát các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Hà Nam, ví, dặm Nghệ Tĩnh, hát văn, hát ru và cả những làn điệu chèo bay bổng, mượt mà. Chị Nguyễn Thanh Hương, thành viên CLB cho biết: Tham gia sinh hoạt tại CLB là niềm vui của các hội viên. Dân ca là một kho tàng vô giá về văn chương, nhất là về âm nhạc đối với bất cứ người Việt Nam nào yêu thích và mong muốn phát triển năng khiếu, thú vui với nghệ thuật truyền thống.

Vượt ra khuôn khổ của một CLB, ở Hải Phòng có có Hội những người yêu dân ca và chèo thành phố, ra đời cách đây 3 năm. Ngoài những buổi sinh hoạt thường xuyên, các thành viên của hội còn thành lập trang facebook chung để là nơi giao lưu, đăng tải những bài hát, làn điệu mới sưu tầm để cùng tập luyện. Thành viên của hội ngoài một số nghệ nhân nòng cốt như nghệ nhân hát xẩm Đào Bạch Linh, nghệ nhân hát ca trù Nguyễn Thị Thu Hằng, là những học sinh, sinh viên hay cả doanh nhân yêu dân ca, nhạc cổ truyền trong thành phố. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thúc đẩy phong trào hát dân ca ngày càng phát triển. Đến nay, hội được biết đến với những chương trình biểu diễn dân ca tại sân khấu không chuyên, như một cách quảng bá hiệu quả giá trị của dân ca đến với đông đảo công chúng.

Phong trào sôi nổi

Còn nhớ, năm 2014, Liên hoan hát ru và hát dân ca do các cấp Hội phụ nữ tổ chức không chỉ là nơi giao lưu sinh hoạt, mà còn là món ăn tinh thần đầy ý nghĩa đối với chị em, cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần khẳng định sức sống trường tổn cho những lời ru, điệu lý, câu hò, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Được tổ chức 2 năm một lần, Liên hoan dân ca Việt Nam là nơi để các nghệ sĩ giao lưu, tìm hiểu nét tinh hoa trong văn hóa dân ca, dân vũ các vùng miền, đồng thời giúp góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Qua mỗi năm tổ chức, Liên hoan dân ca Việt Nam lại duy trì được những nét hấp dẫn riêng với sự góp mặt của nhiều loại hình dân ca truyền thống như xẩm, quan họ cổ, then, bài chòi, chầu văn...

Hải Phòng hưởng ứng tích cực những cuộc thi được phát rộng sâu rộng trong thời gian qua cho thấy phong trào hát dân ca vẫn luôn được quan tâm trong cuộc sống đương đại. Đúng như lời Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Nguyễn Đức Giang nhận xét: Vượt qua thách thức của thời gian, người Hải Phòng vẫn chung dòng chảy văn hóa của dân tộc, say sưa với những làn điệu hát dân ca. Mới đây, Liên hoan ca múa nhạc dân tộc và dòng âm nhạc dân gian đương đại xã, phường, thị trấn thành phố Hải Phòng năm 2018 được tổ chức thành công tiếp tục là minh chứng cho điều đó.

11 quận, huyện tham dự đã mang đến Liên hoan những tiết mục đa sắc màu, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghệ thuật quần chúng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng với sự nhiệt tình, tâm hồn yêu ca hát, yêu nghệ thuật từ các quận huyện đã hội tụ trong những đêm diễn giàu cảm xúc. Sân khấu trung tâm Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng trong những ngày diễn ra Liên hoan đều đông nghịt khán giả đến xem và cổ vũ. Chị Nguyễn Thùy Trang, giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ chất dân ca đã “ngấm” trong chị từ thuở bé, là giáo viên âm nhạc, chị càng yêu mến dòng âm nhạc này và vẫn thường truyền dạy cho các em học sinh. Tham dự liên hoan, chị Trang cùng các em học sinh của mình biểu diễn bài hát “Mưa rơi” – dân ca Xá – nhận được nhiều lời khen ngợi. Đó chính là niềm động viên to lớn với một người giáo viên như chị trong công việc truyền lửa âm nhạc dân gian đến các em học sinh thân yêu.

Những người giữ lửa

Duy trì hoạt động CLB dân ca, văn hóa nghệ thuật như CLB Nguồn Việt và nhiều CLB khác của thành phố, công đầu phải kể đến vai trò của những người sáng lập đầy tâm huyết. Ở CLB Nguồn Việt chính là nhà thơ, nghệ sĩ không chuyên Nguyễn Thị Minh Hoàn, chủ nhiệm CLB. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật dân gian ở thôn Cựu Điện, xã Nhân Hòa (huyện Vĩnh Bảo), bà Minh Hoàn được đắm mình trong những làn điệu dân ca, chèo cổ qua lời ru ngọt ngào của mẹ. Sau này khi nghỉ hưu, bà Minh Hoàn tập hợp chị em trong xóm thành lập đội văn nghệ, và CLB dân ca, văn hóa nghệ thuật Nguồn Việt ra đời.

Bà Minh Hoàn vừa là người biên soạn các bài hát dân ca dựa theo các làn điệu gốc, vừa là người hướng dẫn các thành viên hát sao cho đúng. Ngọn lửa tình yêu với dân ca cứ thế được bà Hoàn truyền từ người này sang người khác, lứa tuổi này qua lứa tuổi khác. Từ đây, mỗi thành viên lại càng thêm gắn bó với CLB Nguồn Việt hơn.

Khơi dậy sức sống của dân ca, các CLB tích cực tìm kiếm và bồi dưỡng thêm nhiều nhân tố mới. Trong đó có sự phối hợp với các trường học, tổ chức Đoàn, Đội đưa dân ca vào trường học. Chính các em học sinh khi yêu thích các bài hát dân cả của dân tộc mình sẽ tiếp tục góp công vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc của những làn điệu ấy, văn hóa truyền thống trong học đường được nhân rộng. Dư âm của những giai điệu quê hương, những câu ca dao trong những làn điệu dân ca mượt mà chính là mạch nguồn của sự sống, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ.

          Trong hoạt động truyền dạy nghề văn hóa văn nghệ dân gian, thời gian qua, các nghệ nhân, hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng cũng rất tích cực và tâm huyết giữ gìn vốn văn hóa cộ. Những nghệ nhân như Đỗ Quyên, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Văn Chính, Hoàng Văn Khoa… vẫn từng ngày miệt mài truyền dạy những làn điệu dân ca cổ, điệu hát văn, ca trù đến thế hệ trẻ. Giữ gìn các làn điệu dân ca để những câu dân ca mãi được ngân dài, lan tỏa theo thời gian rất cần sự nối tiếp của những gương mặt trẻ. Tâm niệm đó đã theo những người thầy, những nghệ nhân đi suốt dọc hành trình gìn giữ vốn quý của văn hóa dân tộc.

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông