Nơi hạnh phúc bắt đầu

16:53 24/12/2014

 

 

Cuộc sống bình dị nhưng luôn ngập tràn niềm vui của các cụ nơi đây
Cuộc sống bình dị nhưng luôn ngập tràn niềm vui của các cụ nơi đây

Giữa cái lạnh “cắt da cắt thịt” của chiều đông mưa phùn, chúng tôi có dịp theo chân một gia đình người Hải Phòng đến thăm người thân đang được Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Ninh chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy chỉ có chút thời gian ít ỏi để tìm hiểu cuộc sống của những cụ già neo đơn nơi đây nhưng chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được tình yêu thương, đùm bọc của những phận đời “không gia đình” dành cho nhau, cảm nhận hơi ấm tình người lan tỏa, xua tan đi cái giá lạnh khắc nghiệt mùa đông…

Ngôi nhà chung của tuổi xế chiều

Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Ninh, tại phường Nam Khê, TP Uông Bí, là không gian xanh được bố trí gọn gàng, khoa học, mái nhà chung cho hơn 80 cụ già không nơi nương tựa.

Với diện tích rộng gần 15 nghìn m2, toàn bộ trung tâm được thiết kế theo không gian mở, gần gũi với thiên nhiên nhưng lại tiện dụng, phù hợp với sự di chuyển, làm việc, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật. Ngoài 5 dãy nhà cao tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các cụ: nhà ở, phòng bếp, khu sinh hoạt chung, phòng y tế, phòng, khu vực tập phục hồi chức năng…, trung tâm còn mở rộng diện tích khu chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình trang trại, giúp các cụ được thỏa cái thú vui điền viên lúc tuổi già. Được thành lập từ năm 1959, đến nay trung tâm đã nhận chăm sóc hàng trăm cụ già neo đơn. Có cụ khi qua đời lại được chính tay cán bộ nhân viên an táng và thanh thản an nghỉ tại khu nghĩa trang của trung tâm.

Khi chúng tôi đến thăm, mọi người đang chuẩn bị bữa chiều. Trong cái lạnh cuối ngày mà không khí vẫn rộn ràng, đông vui như thể đây là một gia đình. Mỗi người một việc: người sắp bát, người dọn đồ, vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Chị Nguyễn Thị Cúc, nhân viên trung tâm nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng. Mỗi nơi trong trung tâm, từ cái cây tới tấm bảng đều quen thuộc với chị như góc nhỏ trong ngôi nhà riêng.

Tình yêu tuổi xế chiều bắt đầu từ những chăm sóc nhỏ nhặt hàng ngày
Tình yêu tuổi xế chiều bắt đầu từ những chăm sóc nhỏ nhặt hàng ngày

Chị tâm sự: Đã gắn bó với trung tâm hơn 20 năm nay, bản thân chị cũng là một người côi cút, “không gia đình”. Bởi vậy tâm nguyện lớn nhất của chị là khi về hưu sẽ được ở lại trung tâm, khi còn làm việc gắn bó với “nhà” thì khi hưu trí cũng được ở luôn trong ngôi nhà ấy.

Cô gái Câm (biệt danh mà cán bộ nhân viên trung tâm trìu mến đặt cho cô) đang cẩn thận tắm cho đàn lợn gần 50 con. Cô ở đây đã lâu nhưng không ai rõ tên thật, cũng chẳng biết gốc gác quê quán bởi cô không thể nói cũng chẳng biết viết. Ngày ngày, cô cặm cụi chăm sóc con lợn, con gà, vườn rau, ao cá. Mọi người thường chủ động đến chơi với cô, giúp đỡ cô đôi việc. Tuy không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ nhưng qua ánh mắt, nét mặt và những cái lắc đầu, khua tay “loạn xạ” hỏi thăm mọi người, tôi biết, giữa họ có sự đồng điệu trong tâm hồn. Họ giao tiếp với nhau, chia sẻ với nhau bằng tình người, vượt qua cả rào cản ngôn ngữ.

“Chúng ta là một gia đình…”

Đó là “khẩu hiệu” mà mọi người thường nói với nhau, đặc biệt là những nhân viên đang công tác tại trung tâm. Ở đây có hơn 80 cụ nhưng chỉ có 25 cán bộ nhân viên, trong đó có 15 người chuyên trách, chăm lo sinh hoạt cho các cụ. Chị Nguyễn Thị Đông chia sẻ về công việc của mình: “Hầu hết anh chị em gắn bó với trung tâm hàng chục năm trời, có những người đã làm mấy chục năm. Các cụ ở đây đều có hoàn cảnh đáng thương lắm, vì thế anh chị em bảo nhau chăm lo các cụ chu đáo để các cụ được hưởng chút an nhàn tuổi già khi đã “gần đất xa trời”. Chúng tôi hay gọi đùa các cụ là bố, mẹ, xưng con thân mật. Mọi người cũng coi chúng tôi như con cái, bởi trong số họ, nhiều người ao ước một lần được làm bố, làm mẹ thực sự.

Cô gái câm chăm sóc đàn lợn rừng hơn 50 con của mình
Cô gái câm chăm sóc đàn lợn rừng hơn 50 con của mình

Đối tượng chính của trung tâm là những người già, tàn tật, mù lòa, thần kinh nhẹ…, vì thế công việc của nhân viên cũng rất vất vả. Chị Đông cho biết, trung bình mỗi ngày, 2 người sẽ có trách nhiệm chăm sóc mọi sinh hoạt cho 17 - 20 cụ, tùy theo tình trạng sức khỏe.

Bà Phạm Thị Tới, 69 tuổi, ở trung tâm từ năm 2009, luôn nhắc đến những cán bộ nhân viên ở đây với thái độ trìu mến. Bà bị ung thư 2-3 năm nay. Thời gian đầu đi điều trị hóa chất, sức khỏe yếu, bà hầu như nằm liệt một chỗ khiến cho các nhân viên thêm tất bật. Họ vừa thay phiên chăm sóc bà vừa đảm bảo sinh hoạt cho các cụ khác. “Mấy đứa nó nhiệt tình lắm, coi mình như bố mẹ, chẳng nề hà việc gì. Lúc nằm ở bệnh viện, vợ chồng hai đứa Hải - Tâm chăm sóc bà cẩn thận lắm. Thằng Hải chẳng ngại việc tắm rửa hay vệ sinh. Cả thằng Điệp, cái Hoa cũng thế. Sống ở đây thoải mái, đi đâu cũng thấy nhớ”.

Không chỉ có các anh chị Hải, Tâm, Điệp, Hoa mà hầu hết những người công tác ở đây đều coi các cụ già neo đơn ấy như “máu mủ ruột già” của mình. Đâu chỉ vì “miếng cơm manh áo”, họ làm vì cái tâm, vì sự đồng cảm với những phận đời bất hạnh tuổi xế chiều. “Tiếp thêm cho họ niềm vui sống, sự thanh thản trước cuộc đời là tâm nguyện của mỗi người chúng tôi khi làm việc ở đây”, chị Đông tâm sự.

Tình yêu từ những điều giản dị

Hàng ngày, các cụ được phục vụ bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng theo giờ quy định và tham gia các hoạt động giải trí, rèn luyện sức khỏe: tập dưỡng sinh, đọc báo, tập văn nghệ, chăm sóc vườn thuốc Nam… Các cụ thường xuyên được giao lưu, sinh hoạt tại các câu lạc bộ trên địa bàn: Người cao tuổi, CLB thơ, văn nghệ… Từ những hoạt động sinh hoạt thường ngày ấy, không ít cụ ông, cụ bà đã “nên duyên” với nhau.

Nụ cười hạnh phúc của cặp đôi “cô Lùn – chú mù”
Nụ cười hạnh phúc của cặp đôi “cô Lùn – chú mù”

Cô Đào Thị Lành với ông Lê Văn Phấn nổi tiếng ở trung tâm vì mối tình “cô Lùn - chú mù” đặc biệt của mình. Cô Lành năm nay đã ngoài 40 tuổi nhưng thân hình lại nhỏ bé như một đứa trẻ con. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc đời cô gái khuyết tật người Hưng Yên là những ngày ảm đảm với thân phận “ăn bám”. Năm 2001, cô được trung tâm đón về nuôi dưỡng. Ở đây, cô mới bắt đầu một cuộc sống thực sự, được quan tâm, yêu thương như một gia đình, đặc biệt hơn là từ khi cô gặp ông Phấn - người đàn ông mù hiền lành hay cười. “Tôi với ông ấy vào đây cùng một ngày. Qua những sinh hoạt đời thường, chúng tôi dần mến nhau nhưng phải 1 năm sau, hai người mới thực sự bên nhau.

Ông Phấn không con cái, vợ mất sớm. Cuộc đời ông buồn nhưng lúc nào ông cũng luôn tươi cười. Có lẽ vì thế nên mình mới dành tình cảm cho ông ấy”, cô Lành cười bẽn lẽn kể về chuyện tình của hai người. Tuy mù nhưng ông vẫn tự lo sinh hoạt của mình được. Có những hôm cô Lành ốm, ông giặt quần áo, lấy cơm, chăm sóc, lo lắng cho cô từng chút một, cô bỏ bữa là ông cũng bỏ theo… Chuyện tình của họ cứ đẹp mãi với thời gian, đến nay họ đã bên nhau được hơn 10 năm. Ở trung tâm cũng có vài đôi cụ ông cụ bà tình nguyện bên nhau như cặp đôi “cô Lùn - chú mù”. Mỗi câu chuyện đều bắt đầu từ sự sẻ chia, đồng điệu của những tâm hồn khao khát yêu thương.

Tình cảm tuổi xế chiều của họ đẹp giản dị, sâu sắc và hạnh phúc không kém bất cứ đôi tình nhân nào. Mỗi một ngày trôi qua là một ngày họ cùng nhau vun đắp trung tâm trở thành “nơi hạnh phúc bắt đầu” - đúng với thông điệp của trung tâm gửi tới các đối tượng xã hội đến lưu trú tại đây: “Điều quý giá nhất của mọi hạnh phúc là có một tình bạn vững bền và ấm áp. Tình bạn xoa dịu mọi lo lắng, xua mọi buồn phiền, khuyên nhủ khi bất hạnh... Tình bạn không cần lời nói... Hãy cảm nhận điều đó tại nơi đây - nơi hạnh phúc bắt đầu”.

Minh Hương - Thủy Chung 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông