Nỗi lòng của cặp vợ chồng có ba con phơi nhiễm chất độc da cam

17:41 04/10/2014

 

 

Vợ chồng ông Giảng đau đáu nỗi lo bên cậu con trai 41 tuổi
Vợ chồng ông Giảng đau đáu nỗi lo bên cậu con trai 41 tuổi

Vừa bước chân tới tầng 2, khu tập thể số 1 Minh Khai, Hồng Bàng, đập vào tai chúng tôi là tiếng la hét, cãi vã om sòm hệt như những đứa trẻ ngang ngạnh, khó bảo của 2 anh em: trai 41 tuổi, gái 36 tuổi. Tiếp đó là hình ảnh cậu em út năm nay đã tròn 30 tuổi hung hăng sừng cồ, giằng co cây gậy sắt toan đánh mẹ không được rồi lăn ra gào khóc nức nở... Cả 3 đều to lớn, có phần lực lưỡng nhưng lại thiểu năng trí tuệ, thần kinh bất ổn do bị phơi nhiễm CĐDC từ người bố thương binh. Khuôn mặt héo hon, rầu rĩ của cặp vợ chồng thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa lộ rõ sự bất lực...

Nỗi đau dai dẳng...

Cặp vợ chồng ấy là ông Trần Đình Giảng và bà Phạm Thị Thái ở phường Minh Khai, Hồng Bàng. 2 vợ chồng ông Giảng vốn là TNXP thời chống Mỹ.

Năm 1965, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai trẻ Trần Đình Giảng, ở xã Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, “xếp bút nghiên” theo tiếng gọi non sông xung phong đi TNXP. Nhiệm vụ chính của ông Giảng là cùng đồng đội phá bom, mở đường trên các tuyến đường giao liên như: đường 15, đường 22, đường 20 tháng 7... và vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược bằng đường bộ, thuỷ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Năm 1968, khi Mỹ điên cuồng cho máy bay ném bom, bắn phá hòng chặn đứng các tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường, ông Giảng đã dũng cảm ra nhập “Đội cảm tử phá bom” ở Quảng Trị. Giữa năm 1968, khi đang làm nhiệm vụ mở đường, đơn vị ông bị máy bay Mỹ tập kích, oanh tạc ác liệt. Ông Giảng bị sức ép của bom, mìn đã bị thương ở đầu, mạn sườn..., trở thành thương binh 4/4.

Máy bay rải chất độc da cam
Máy bay rải chất độc da cam

Bà Thái kém ông 4 tuổi, là người huyện Thuỷ Nguyên, đi TNXP cùng đợt với ông Giảng. Tuy không cùng đơn vị nhưng thuộc cùng 1 tổng đội, lại đi TNXP cùng đợt với nhau nên 2 người có điều kiện gặp gỡ, quen biết, bén duyên, rồi nên nghĩa vợ chồng. Bốn người con: 2 trai, 2 gái là kết quả tình yêu của ông bà.

Nhưng bất hạnh thay, do chịu ảnh hưởng từ người cha nên 3 người con thứ (người con gái đầu lòng không bị nhiễm CĐDC) của vợ chồng ông Giảng đều bị phơi nhiễm CĐDC. Cả 3 tuy không bị dị tật, dị dạng bẩm sinh, không teo tóp, nằm liệt giường như những nạn nhân khác nhưng đều bị thiểu năng trí tuệ, thần kinh không bình thường. Lớn đã ngoài 40 tuổi, út cũng 30 tuổi đầu nhưng ngoài việc tự biết ăn cơm ra thì từ việc tắm giặt, thay quần áo đến việc ăn, ngủ nghỉ, đi lại đều do một tay vợ chồng ông Giảng thay phiên nhau quán xuyến, trông nom...

Nếu như chỉ dừng lại ở việc chăm sóc, lo cho miếng cơm, manh áo, chạy chữa thuốc thang cho các con như ngày họ còn nhỏ thì vợ chồng ông Giảng đã chẳng khổ tâm, chua xót, ngậm ngùi bất lực đến thế. 3 người con của ông bà, người nào người nấy đều to lớn, tính khí thì thất thường, ngang ngạnh, khó bảo. 2 người con thứ 2, 3 suốt ngày ở nhà cãi vã, đánh lộn nhau; người con trai út cứ xểnh cửa ra là đi lang thang, vật vờ khắp phố.

Hễ cha mẹ động đến là vùng vằng đập phá, lăn ra ăn vạ như trẻ con. Khổ nhất là lúc họ trái tính “điên lên” là sẵn sằng sừng cồ, sấn lại cha mẹ “hoa chân, múa tay” khiến cho cặp vợ chồng TNXP đã gần đến cái tuổi “xưa nay hiếm” mà trên người đầy những nốt bầm dập.

Nhắm mắt không yên...

 Bà Thái tủi phận chia sẻ: Lúc mới sinh ra, cả 3 người con của bà tuy đều quặt quẹo, đau ốm liên miên nhưng người nào người ấy đều có khả năng nhận thức. “Ngày các con tôi được 2, 3 tháng tuổi, cho ra nhà trẻ đứa nào cũng biết lạ, biết sợ nên ôm, túm chặt lấy mẹ không chịu rời. Lên 3, 4 tuổi, mẹ hát trước là con hát theo sau, chỉ 2, 3 lượt là các con tôi đã thuộc lòng bài hát.

Những lúc như thế, dù vất vả, đói rách đến đâu, nhìn các con là vợ chồng chúng tôi thấy ấm lòng mà tự nhủ phải nỗ lực cố gắng, chăm chỉ làm lụng lo cho các con có miếng ăn, áo mặc, bớt đi nỗi thiệt thòi. Nhưng khốn khổ thay, càng lớn chúng càng không nói được!...”, bà Thái xót xa.

Hoà bình lập lại, ông Giảng xuất ngũ về quê làm ăn tự do với đủ thứ nghề, lúc làm ruộng, khi lại đi buôn mớ rau, củ khoai, cuối tuần mới ra xum họp với vợ con ngoài phố... Sau đó, khó khăn quá, ông bỏ lại vợ con ở nhà ra Móng Cái làm công nhân thuỷ lợi suốt 10 năm. Đến năm 1989 ông về Hải Phòng sống cùng vợ con, bắt đầu nghề đạp xích lô, xe ôm. Bà Thái được đơn vị cử đi học, rồi về công tác tại Cty Vật tư giao thông 402 đến năm 1993 thì về nghỉ hưu.

Những năm tháng khốn khó ấy, với đồng lương cán bộ, công nhân thời bao cấp tuy ít ỏi, cuộc sống rau cháo qua ngày, thiếu trước, hụt sau; các con thì đau ốm triền miên nhưng cuộc sống của vợ chồng ông Giảng cũng không nặng nề, khổ tâm như bây giờ.

Sau khi chạy ra can ngăn người con trai út vùng vằng, định cầm gậy đánh vợ, ông Giảng trở vào trong nhà than thở: “Chúng không nhận thức được, tính khí lại thất thường, chẳng biết gì cả, cứ “điên lên” là sừng cồ với bố mẹ. Chỉ có việc tắm cho con hay đưa con đi khám bệnh, vợ chồng tôi đã không ít lần bị chúng xô ngã, cắn cho tím tái tay, chân. Hễ đi ra đường, có muốn bảo con cái gì cũng phải nhịn không dám động đến, chỉ sợ nó điên lên vùng vằng rồi đâm vào xe cộ...”.

Từ năm 2007, 4 bố con ông Giảng đã được hưởng chế độ phụ cấp nạn nhân CĐDC, được các cấp chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm 2012, căn hộ xập xệ rộng 18m2 do cơ quan cấp cho gia đình ông bà đã được Hội nạn nhân CĐDC/Đioxin thành phố hỗ trợ kinh phí sửa sang, nâng cấp. Hiện với lương hưu của bà Thái, thêm khoảng thu nhập từ việc bán hàng nước vỉa hè và khoản kiếm từ việc chạy xe ôm của ông Giảng, cộng với số tiền trợ cấp của nhà nước, cuộc sống tuy còn túng thiếu nhưng gia đình ông bà Giảng đã có đủ cái ăn.

 Vậy nhưng nỗi lo âu, buồn tủi thì chưa lúc nào nguôi ngoai, nó luôn đeo bám, dằn vặt trong tâm trí cặp vợ chồng xấu số cho đến khi nhắm mắt: “Số phận đã an bài, các con như thế, chúng tôi không biết làm sao khác được, cũng chẳng biết than với ai. Chế độ thì nhà nước đã cấp cho rồi, chẳng mong gì hơn. Ông trời cho sống ngày nào thì cố lo cho các con no đủ ngày ấy. Vợ chồng chúng tôi đã làm sẵn ảnh thờ, phòng khi không may qua đời, người thân, họ hàng cứ thế mà lo liệu giúp. Nhưng chả biết khi vợ chồng chúng tôi khuất đi rồi thì các con tôi sẽ sống sao?!...”, bà Thái chua xót nói.

Khánh Chi


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích