10:41 26/05/2018 Hè đến mang đến niềm hạnh phúc, sung sướng của trẻ thơ vì có một khoảng thời gian dài rảnh rỗi để tận hưởng đủ các trò chơi sau một năm học đánh vật với con chữ. Tuy nhiên, trái với tâm trạng háo hức của con trẻ, hè đến cũng là lúc nhiều bậc làm cha mẹ có con nhỏ, nhất là các cháu đang độ tuổi mầm non, tiểu học phải “đau đầu” tìm chỗ “quản lý” con cái trong khi bản thân vẫn phải “công tác đều”…
Nỗi lo khi hè về
Mặc dù còn vài ngày nữa hai đứa con đang học lớp mẫu giáo 4 tuổi và lớp 2 mới nghỉ hè chính thức nhưng chị Phạm Thị Hoa, ở phố Điện Biên Phủ, cả tuần nay đã phải đôn đáo tìm chỗ gửi con. Hai vợ chồng chị đều là viên chức nhà nước, ông bà nội ngoại ở quê xa, vì thế mỗi khi hè về tìm chỗ “tá túc” cho con là vấn đề đau đầu của cả hai vợ chồng. Sau nhiều cân nhắc, tính toán, cuối cùng chị Hoa đành chọn phương án cho con trai lớn về bà ngoại, còn đứa nhỏ gửi nhờ hàng xóm.
Để trẻ nhỏ thực sự có một mùa hè thư giãn là nỗi đau đầu của nhiều phụ huynh (ảnh minh họa)
Chị Hoa tâm sự: "Năm ngoái, vì muốn các cháu được tận hưởng 1 kỳ nghỉ hè thực sự nên gia đình gửi cả hai con về quê ngoại ở Thái Bình. Hai cháu còn nhỏ, lại đang ở tuổi ăn tuổi chơi, nghịch ngợm, vòi vĩnh ông bà đủ kiểu khiến bà ngoại bị cao huyết áp.
Năm nay rút kinh nghiệm, tôi đăng ký lớp học hè cho cháu tuổi mẫu giáo. Tuy nhiên quy định của trường chỉ nhận trông dịp hè từ 15-6. Vì vậy tôi đành đưa cháu lớn về quê, còn cháu nhỏ gửi tạm hàng xóm hai tuần để sau cháu đi học tiếp.
Các con không còn ở độ tuổi trứng gà trứng vịt cần chăm sóc kỹ lưỡng như trẻ mầm non nhưng chị Hoàng Thúy Hằng, ở ngõ 193 Văn Cao, lại có nỗi lo khác. Hai cậu con trai chị, một cháu học lớp 7, một cháu học lớp 4 đều rất nghịch ngợm.
Vợ chồng chị đi làm cả ngày, ông bà hai bên đều già yếu nên anh chị đành để hai đứa ở nhà trông nhau cùng chùm chìa khóa dự phòng và chiếc điện thoại bố mẹ thỉnh thoảng gọi về kiểm tra. Vậy mà có lần chị phát hoảng khi cậu em buột mồm kể, tuần trước anh Đức (cậu lớn) xé vở cũ cuộn lại châm lửa đốt kiến ở góc tủ quần áo!
Nghe chuyện hai vợ chồng chị rụng rời tay chân vội đi kiểm tra thì đúng là góc tủ có tàn giấy thật. Nếu nhỡ có hỏa hoạn xảy ra, với căn nhà ống ở xóm ban ngày toàn người đi làm thì không biết hậu quả tai hại đến mức nào. Vậy là ngay sáng hôm sau, anh chồng “được lệnh” vợ phải xin nghỉ ở nhà nửa buổi để thuê thợ lắp camera tiện việc hàng ngày giám sát 2 quý tử.
Và nỗi niềm trăn trở của phụ huynh
Thông thường, vào mùa hè, các trường công lập đều nghỉ hè 2 tháng. Con nghỉ trong khi bố mẹ vẫn phải vận hành đều đặn trong guồng quay công việc khiến áp lực tìm chỗ giữ trẻ trở thành nỗi trăn trở của rất nhiều phụ huynh.
Nhiều gia đình có con đang học mầm non, tiểu học buộc phải chọn phương án cho con học hè với chi phí cao hơn trong năm; tham gia các lớp năng khiếu, học kỳ quân đội, trại hè, hoặc gửi con về quê với ông bà. Để quản lý, bảo vệ con tránh đi chơi lạc đường, bị bắt cóc hay bị kẻ xấu rủ rê lôi kéo, dù canh cánh nỗi lo nhưng nhiều nhà trong thành phố, nhất là những gia đình công nhân viên chức không có cách nào khác đành chọn cách khóa cửa nhốt con trong nhà.
Những trẻ đi học thêm hay về nhà người thân ở... thì bố mẹ còn có thể yên tâm. Những trẻ bị nhốt ở nhà tự quản nhau ở độ tuổi nghịch ngợm, hiếu động thì bố mẹ lúc nào cũng nơm nớp lo lắng về sự an toàn mà trường hợp nhà chị Hoàng Thúy Hằng là một điển hình.
Để trẻ nhỏ thực sự có một mùa hè thư giãn là nỗi đau đầu của nhiều phụ huynh (ảnh minh họa)
Bởi để trẻ nhỏ tự chơi, tự quản trong thời đại công nghệ hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ chính ngôi nhà tưởng như an toàn. Không có người quản lý, nhắc nhở, nhiều cháu bé thoải mái xem tivi liên tục nhiều tiếng đồng hồ; lên mạng chơi trò chơi online đến đờ đẫn cả người. Rồi nguy cơ điện giật, bỏng nước sôi, trượt ngã hoặc tai nạn bất ngờ.
Vết sẹo trên môi cháu Nguyễn Văn Dương, học lớp 3 Trường tiểu học Quang Trung, là hậu quả của một lần trượt ngã ở nhà tắm khi hai chị em rủ nhau lấy xà phòng pha nước thổi bong bóng. Không giống như trẻ em ở thành phố, trẻ sống ở vùng nông thôn được đi chơi thoải mái hơn, nhưng lại đối mặt với những nguy cơ mất an toàn khác như đuối nước khi đi tắm sông hay bị thương tích khi chơi những trò nguy hiểm.
Để tránh nguy cơ trẻ phải đối mặt khi tự ở nhà, nhiều phụ huynh đành lựa chọn cho trẻ đi học. Học trước kiến thức năm sau, học tiếng Anh, học múa, học hát, học vẽ, học bơi… Học gì cũng được miễn sao bọn trẻ được quản lý trong vài tiếng buổi sáng và vài tiếng buổi chiều. Để lấp chỗ trống đủ 6 ngày/tuần, nhiều trẻ được bố mẹ đăng ký 2, thậm chí 3, 4 môn trở lên dù chẳng phải năng khiếu hay sở thích. Miễn sao trẻ được quản lý trong thời gian bố mẹ đi làm.
Nhiều em chưa được nghỉ hè ngày nào đã phải đi học thêm. Vậy là nhiều khi vô tình các bậc cha mẹ lại đẩy trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn dù các môn học đó không quá gây áp lực cho các cháu, khiến trẻ mất đi những ngày hè thư giãn thực sự trước khi năm học mới bắt đầu. Mặc dù nhiều phụ huynh nhận thức được điều đó nhưng lâm vào tình thế chẳng đặng đừng nên đành bấm bụng chấp nhận như vậy.
Nhu cầu vui chơi của trẻ em trong ngày hè là rất lớn, nhưng cuộc sống công nghiệp với vòng quay hối hả khiến cho nhiều ông bố, bà mẹ không có điều kiện cho con vui chơi thực sự đúng nghĩa trong suốt kỳ nghỉ. Xem ra trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tiểu học, trường mầm non tổ chức những lớp học hè, học ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các cháu không có điều kiện nghỉ hè ở nhà thì nhiều phụ huynh vẫn phải tiếp tục trăn trở với nỗi lo giữ trẻ an toàn khi mùa hè đến…
Bùi Hạnh
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết