10:36 01/08/2022 Theo Âm lịch, thời gian đã bước sang tháng Bảy, tháng mưa Ngâu, tháng “Vu Lan”, tháng “xá tội vong nhân”… Nhưng đối với những người buôn bán và một số tập quán kiêng kỵ thì tháng Bảy thường được gọi một cách dân dã là “tháng cô hồn”. Mà theo truyền thống, vào tháng này thị trường lại chìm sâu trong sự ảm đạm, bởi nhiều người vẫn quan niệm rằng không nên mua sắm hay làm điều gì quan trọng trong khoảng thời gian này.
Dấu ấn tháng 7
Theo truyền thuyết, Ngưu Lang (Ngâu) là vị thần chăn trâu ở thượng giới, mang lòng yêu tiên nữ phụ trách dệt vải tên là Chức Nữ, say đắm đến nỗi quên cả công việc được giao. Ngọc Hoàng cả giận, đày hai người ở hai bờ sông Ngân Hà, chỉ cho gặp nhau mỗi năm một lần.
Khi ấy, Ngọc Hoàng gọi một phường thợ bắc cầu cho Ngưu – Chức gặp nhau, thợ toàn người giỏi nhưng cứ mải cãi cọ đến tháng Bảy mà cầu chưa xong. Ngọc Hoàng bực tức biến cả phường thợ thành đàn quạ đen, bắt phải kết lại làm cầu, nên cầu ấy có tên là Ô Thước (quạ đen). Từ ấy, tháng Bảy là dịp định kỳ cho Ngưu – Chức hội tình, vợ chồng nhung nhớ khóc mãi không thôi, nước mắt chảy thành những cơn mưa dài lê thê, nên gọi là mưa Ngâu.
Chuyện về cuộc tình Ngưu – Chức đã thấm sâu vào dân gian, nhưng sự kiêng kỵ trong tháng Bảy còn được suy diễn từ nhiều nguồn tín ngưỡng khác nhau. Chẳng hạn theo thuyết Vu Lan, ở Ấn Độ xưa có người tên Mục Kiền Liên tu luyện được nhiều phép thần thông. Khi mẹ ông qua đời, ông dùng phép tìm khắp trời đất, thấy bà mẹ phải đày là ngạ quỷ, bị hành hạ đói khát khổ sở.
Mục Kiền Liên thương mẹ đã gửi cơm xuống tận cõi quỷ, nhưng cơm tới nơi không ăn được vì hóa thành lửa đỏ. Ông tìm thỉnh Phật, Phật nói: “Lúc sinh thời mẹ ngươi không sợ luật nhân quả, dối gạt nhiều người, tội ấy không thể dùng sức của một ngươi mà cứu được. Ngươi hãy nương oai chư tăng, rằm tháng Bảy tổ chức chú nguyện, hộ niệm cho cửu huyền thất tổ và mẹ người”. Mục Kiền Liên theo lời, quả nhiên mẹ ông thoát nạn, từ ấy ngày tháng Bảy được coi là tháng báo hiếu tổ tiên.
Cũng theo tín ngưỡng dân gian, tháng Bảy cõi âm mở cửa ngục, ân xá cho cô hồn (hồn đơn độc không nơi nương tựa). Quan niệm xưa cho rằng, khi cô hồn tìm về trần gian, dù muốn làm việc tốt nhưng vì âm dương ngược nhau nên càng làm nhiều việc muốn tốt thì hậu quả ngược lại càng lớn.
Lại thêm “đội ngũ chúng sinh” vốn là những cô hồn chết đường, chết chợ, không xác định được cõi nhập, không hàng ngũ trong tam giới, vất vưởng từ đời này sang đời khác. Cả hai “nhóm” kết hợp với nhau quấy nhiễu nhân gian, tạo ra nhiều điều bất ổn. Vì vậy mà trong tháng Bảy người ta kiêng mua sắm vật dụng, xây cất nhà cửa, tổ chức cưới hỏi… mà chỉ chăm lo phủ độ cô hồn.
Nhìn chung, cả 3 tập tục nêu trên trong tháng Bảy đều ảnh hưởng sâu đậm đến hoạt động thị trường. Bởi theo thuần phong, đã “báo hiếu” thì con cháu phải trai giới, liêm kiệm, hạn chế vui chơi liên hoan, thể hiện lòng thành, khiến phân khúc thị trường liên quan cũng thành ra ảm đạm.
Còn chuyện mua sắm, xây cất nhà cửa, tổ chức cưới hỏi thì lo hồn ám xúi quẩy, nên cơ bản người ta cũng né tránh dịp này. Trong khi tháng Ngâu luôn có mưa to, dai dẳng, làm khó cho việc lưu thông hàng hóa cũng như nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.
Tác động thị trường
Nói về tháng Bảy, ông Phạm Văn Doanh – người điều hành một trung tâm tổ chức tiệc cưới ở quận Ngô Quyền chia sẻ, tập tục tháng Bảy khiến cho dịch vụ cưới hỏi ảnh hưởng tiêu cực bậc nhất, bởi người ta cho rằng hôn nhân trong tháng này dễ chung số phận như vợ chồng Ngâu, gia đình bất ổn, ly tán...
Nên năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Bảy là dịch vụ cưới tê liệt, các hội trường tuyệt nhiên vắng khách, nhân viên phục vụ phải cho nghỉ. Kéo theo đó là các dạng hình kinh doanh dịch vụ liên quan như cho thuê áo cưới, chụp ảnh, nấu cỗ, bia rượu và nước ngọt, xe thuê hợp đồng…
“May mà hai năm qua dịch bệnh nhiều đôi không tổ chức cưới được nên thành hôn trước, thời gian qua mới tổ chức tiệc báo hỉ, nên chúng tôi cũng đã kịp có doanh thu kha khá…” – ông Doanh tâm sự.
Trên thực tế như đã nói ở trên, thời tiết tháng Bảy thường mưa kéo dài, dù không vướng về lệ tục thì cũng rất khó cho việc thi công các công trình, lưu thông hàng hóa và cả việc sinh hoạt thường ngày. Chị Nguyễn Thị Hằng - một tiểu thương ở Tiên Lãng, chuyên buôn gà đem bán ở chợ Cầu Rào tâm sự: “Trời mưa ngại lắm anh ạ, dậy từ nửa đêm đóng hàng, đi mấy chục cây số mà gặp mưa thì không có gì khổ bằng…”.
Còn ông Vũ Văn Tùng. – chủ thầu xây dựng ở quận Hải An cho biết, mấy năm nay nghề thợ xây chủ yếu trông vào các công trình dân sinh, tháng Ngâu hầu như không nhà nào động thổ hay cất nóc. Ngay cả những công trình đã thi công từ trước, nếu gặp mưa thì thợ chỉ có nghỉ dài ngày. “Đặc thù nghề này là thế, đã gặp mưa thì cả việc xây, trát, sơn hay lắp đặt điện nước đều khó…” – ông Tùng nói. Nghề xây bê trễ khiến việc tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng khổ theo, nhiều cửa hàng sắt, thép, xi măng, sơn… thường chỉ mở cửa lấy lệ.
Liên quan đến bất động sản, theo ông Trần Văn Dũng – người chuyên môi giới, kinh doanh nhà đất, thì kinh nghiệm đúc kết bao nhiêu năm nay cho thấy, vào tháng Bảy chưa bao giờ giao dịch thành công vụ mu bán nào.
Hiện ông Dũng còn dãy 5 căn nhà cao tầng ở quận Hải An chưa có khách, hôm vừa rồi có một đôi vợ chồng chuẩn bị cưới vợ cho con, đã mặc cả giá 2,1 tỷ đồng, nhưng vì sắp sang tháng ngâu, bà vợ nhất định không dám giao tiền cọc. Ông Dũng than vãn: “Họ hẹn đầu tháng 8 mới quay lại, nhưng đêm dài lắm mộng, biết đâu được…”.
Không riêng gì việc cưới hỏi, mà dấu ấn tháng Bảy khiến nhiều người kiêng cả việc mua sắm đồ dùng gia đình. Về điều này, chị Nga ở ngõ Nam Pháp (Ngô Quyền) dè dặt nói: “Định mua cho cháu chiếc xe đạp điện để vào cấp học mới, nhưng phải đợi qua tháng Ngâu này đã…”.
Chị Nga kể rằng, năm trước đúng tháng Ngâu chồng chị đi sắm bếp gas, nhưng chỉ dùng vài ngày thì bị rò gas bùng lửa tí nữa thì thiêu trụi cả nhà, rồi sau đó đến lượt nồi cơm điện cũng hỏng… Khổ thế, rủi ro có thể là ngẫu nhiên, nhưng gặp điều gì tổn hại người ta cũng đổ cho tháng Ngâu như vậy đấy.
Tại thời điểm này, các siêu thị bán đồ gia dụng vẫn tiếp tục mở các đợt khuyến mại mạnh mẽ, hy vọng dùng tác động này để phá vỡ lệ tục cũ. Nhất là các siêu thị điện máy đua nhau giảm giá hoặc tặng kèm quà cho một loạt các loại hàng, thậm chí có cửa hàng điện thoại còn treo biển “mưa rơi- vẫn chơi” để kích cầu, nhưng có vẻ như tập tục còn đè nặng vào tâm lý tiêu dùng, nên thị trường cũng khó được cải thiện.
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể thì thị trường tháng Bảy âm lịch không phải tất cả đều là tiêu cực. Chỉ tính riêng mấy ngày đầu tháng, dù cũng là tập quán nhưng các mặt hàng liên quan đến cúng lễ thường là luôn nhộn nhịp.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão