“Nóng” mặt hàng giải nóng

10:22 18/05/2021

Đợt nắng nóng kéo dài những ngày qua đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt thường nhật của người dân thành phố. Tuy nhiên nhìn từ góc độ thị trường, thời tiết này đã mang lại một số hiệu ứng tích cực, tạo kích cầu cho nhiều mặt hàng tiêu thụ tốt.

          Thực phẩm “giải háo” bán chạy

          Theo một tiểu thương tên là Tiến – người chuyên đem hàng từ Kiến Thụy ra bán ở chợ đầu mối cầu Rào, trong mấy ngày qua lượng rau xanh tại chợ này tiêu thụ tăng đột biến, nhất là những loại rau dùng để nấu canh như mồng tơi, đay, dền… và các loại quả như bầu, mướp, bí đao, mùng, rút…

Rau xanh bán chạy nhưng nguồn cung khá ổn định

Ông Tiến cho biết thêm, bình thường vợ chồng ông phải bán đến khoảng 10h sáng mới hết hàng, nhưng mấy ngày qua hàng đều bị vét sạch từ trước 9h, lượng bán lên tới gần hai tạ hàng/ngày.

Mặc dù vậy, cùng theo ông Tiến thì giá rau đầu mối không tăng nhưng giá bán lẻ tăng đáng kể, vì nguồn cung cấp cho khu vực nội thành chủ yếu qua các sạp bán lẻ chuyên nghiệp, vì do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều vị trí bán hàng lấn chiếm vỉa hè lòng đường được kiểm soát chặt, nên giảm nhiều sự cạnh tranh của những tiểu thương lưu động vừa bán buôn vừa bán lẻ như thường ngày.

Tương tự như vậy, bà Hằng - một tiểu thương buôn rau củ quả ở chợ An Đà than vãn: “Vừa đổ hàng ra chanh quả, chanh trà và sấu đã được người ta mua hết, nhiều khách quen ra muộn không có hàng mắng bọn em xơi xơi…”.

Bà Hằng than, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều nhà hàng và dịch vụ ăn uống hè phố ngừng hoạt động, nên trong số hàng chục mặt hàng bà đem đến chợ, chỉ có mấy thứ quả trên bán chạy, còn lại những loại khác vẫn bán rất chậm.

Bà Hằng nói thêm: “Vì mùa này củ quả phải nhập ở nơi khác chứ Hải Phòng không có, giá trên chợ đầu mối đang tăng khiến bọn tôi cũng phải tăng theo, chẳng hạn như chanh tăng 5 nghìn đồng/kg, bán chạy mấy ngày nay nhưng lại lo mấy ngày tới ế hàng…”.

Liên quan đến thị trường thực phẩm những ngày qua, bên cạnh rau củ, những mặt hàng thủy sản tiêu thụ tốt còn phải kể đến cua, cáy, trai, hến… là nguyên liệu để chế biến canh cho bữa ăn “giải háo”.

Đơn cử như cua đồng từ 120 nghìn đồng/kg tăng lên 150 nghìn đồng/kg, hến từ 14 nghìn đồng/kg tăng lên 20 nghìn đồng/kg, ngao từ 20 nghìn đồng tăng lên 25 nghìn đồng/kg...

Chưa hết, trong khi cá nước mặn ế ẩm thì cá nước ngọt lại tiêu thụ rất tốt, nhất là các loại như trắm, chép, mè… vì dễ chế biến và hợp hơn với những món canh chua.

Đáng chú ý, dù tiêu thụ tốt nhưng các tiểu thương cũng lực bất tòng tâm, vì hầu hết nguồn hàng kể trên phải vận chuyển từ ngoại thành, thời tiết nắng nóng, hàng tươi sống chủ yếu vẫn chuyển bằng xe máy nên khả năng có hạn, một người khó có thể đi nhiều chuyến trong ngày.

“Vả lại, chỗ ngồi đã quy ước với nhau, sáng người này, chiều người khác, có đem thêm hàng ra cũng chẳng có chỗ ngồi…”, một tiểu thương chia sẻ.

Cua cáy tiêu thụ tốt trong những ngày nắng nóng

Thiết bị làm mát cũng “nóng”

Ở một diễn biến khác, không chỉ thực phẩm, mà thời tiết còn giúp cho các cửa hàng điện máy trở nên sôi động, khi khách hàng đến mua thiết bị làm mát nhiều hơn.

Ông Thành – chủ một  cửa hàng điện máy trên đường Lương Khánh Thiên vui vẻ cho biết, những ngày qua cửa hàng ông bán ra hàng trăm chiếc máy điều hòa. Tuy nhiên,  máy điều hòa được tiêu thụ tốt chủ yếu thuộc loại rẻ tiền, phổ biến dưới mức 7 triệu đồng/bộ, hơn nữa vì đội ngũ thợ có hạn, nên cửa hàng phải huy động hết cả những người thân quen có nghề mà không đủ phục vụ khách hàng.

Cùng với máy điều hòa, các mặt hàng khác như tủ lạnh, tủ cấp đông, quạt điện cũng tăng doanh số đáng kể.

Đánh giá từ phía người tiêu dùng, ông Phú ở ngõ đường Hàng Kênh bộc bạch: “Biết là tốn kém nhưng vẫn phải lắp điều hòa…”. Ông Phú vừa mua một bộ điều hòa 6 triệu đồng, thêm tiền lắp đặt khung nhôm kính quây phòng ngủ, tổng cộng đầu tư cho vụ “điều hòa” ngót nghét ba chục triệu đồng.

Nhưng theo ông Phú, sức khỏe trên hết, với sức nóng của mùa hè nếu chỉ dùng quạt thì không thể chịu được, “Ngộ nhỡ lăn ra ốm, nếu sống thì tiền viện phí có khi bằng cả hàng chục, hàng trăm chiếc máy điều hòa…”. Với suy tính này, mặc dù vẫn biết khi dùng thì tiền điện sẽ tăng lên hàng triệu đồng/tháng, nhưng ông Phú cũng đành “nghiến răng” vì không còn cách nào tốt hơn.

Tại khu vực nông thôn, một trong những mặt hàng điện máy bán chạy nhất trong những ngày này là quạt điều hòa. Theo ông Toàn – chủ một cửa hàng đại lý tại huyện An Lão, đây là sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường mấy năm nay, gióa từ khí tự nhiên quạt ra có thể giảm hàng chục độ C so với nhiệt độ bên ngoài.

Ưu thế lớn nhất của loại quạt này là dùng được ở mọi địa hình, không phải thiết kế phòng kín, không phải nhờ thợ lắp đặt và  tiết kiệm điện hơn rất nhiều so với máy điều hòa. Ông Toàn chia sẻ: “Người ở nông thôn hiện nay làm công nhân nhiều, họ cũng có tiền, dù mức bình quân loạt quạt này cũng  tiền triệu nhưng nhập về vẫn không đủ bán”.  

Điều tích cực là, khác hẳn với những đợt biến động thị trường trước kia, dịp nóng này các nhà cung cấp chỉ gặp khó về nguồn hàng đầu mối và nguồn thợ vận chuyển, lắp đặt, chứ giá bán cơ bản không tăng.

Thậm chí nhiều siêu thị còn nhân dịp này để quảng bá hình ảnh, áp dụng các chiêu khuyến mại thu hút khách hàng cho chiến lược dài hạn. Đây cũng là tín hiệu khả quan của thị trường, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 chưa có hồi kết thúc.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích