15:14 24/05/2020 Trong đợt tổng kiểm tra, kiểm soát phương tiện giao thông đang được triển khai trên địa bàn toàn quốc, thị trường “Giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy” (BHXM) sôi động chưa từng có. Phần lớn do chủ phương tiện mua để đối phó, nhằm tránh phạt khi bị cơ quan chức năng phát hiện…
Thị trường bảo hiểm xe máy “loạn” cả phí và đại lý
Vài nét về Bảo hiểm xe máy bắt buộc
Trước hết, cần phải khẳng định rằng BHXM bắt buộc là một trong những thủ tục chủ phương tiện buộc phải thực hiện theo quy định của Pháp luật, việc người chưa có do cố ý không mua, chưa kịp mua hoặc vì lý do khác đều là vi phạm.
Chính vì vậy, gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội, có một số bài viết mang tính chất chỉ trích cơ quan thực thi pháp luật, khi tiến hành xử lý hành vi vi phạm này là một động thái khó chấp nhận, đi ngược lại tinh thần thượng tôn pháp luật của một xã hội văn minh.
BHXM bắt buộc có tên gọi đầy đủ là “Bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự của chủ xe môtô - xe máy”, được quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đây là dạng hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba (bên bị gây tai nạn), nhằm mục đích khắc phục hậu quả tai nạn cho nạn nhân và đảm bảo trách nhiệm của người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông đường bộ.
Trong các trường hợp xảy ra rủi ro, người điều khiển phương tiện hợp pháp sẽ không phải đền bù cho người bị va chạm hoặc cho người khác ngồi trực tiếp trên xe. Thay vào đó, đơn vị bảo hiểm sẽ thay cho chủ xe tiến hành việc chi trả phần trách nhiệm dân sự này.
Với BHXM bắt buộc, tất cả thiệt hại về thân thể của bên thứ ba đều được công ty bảo hiểm bồi thường dù nạn nhân có lỗi hay không. Về phương tiện, bên bảo hiểm cần phải căn cứ vào tính chất của tai nạn để xem xét bồi thường cho bên thứ ba.
Xe đi đúng luật sẽ nhận được chi trả và ngược lại, sai luật sẽ không được bồi thường, nếu là lỗi hỗn hợp, việc bồi thường sẽ dựa theo kết luận của cảnh sát giao thông. Mức phí BHXM theo Thông tư 22 quy định đối với xe dưới 50cc là 55.000 đồng, xe trên 50cc là 60.000 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Tình trạng “loạn” phí bảo hiểm xe máy
Không phải hiện tại, mà từ lâu thị trường BHXM đã bộc lộ bất cập. Dù doanh nghiệp tham gia cung cấp bảo hiểm có những điều kiện cho đại lý, nhưng do phương thức quá đơn giản, nên từ đại lý điều kiện, việc cung cấp được phân bổ thành nhiều chi, nhánh…
Đến nỗi bất cứ ai cũng có thể trở thành đại lý, từ người bán xăng dầu, tạp hóa, xổ số… đến bán hàng rong, khi người có nhu cầu chỉ cần đưa giấy đăng ký phương tiện, chỉ một phút sau giao dịch đã hoàn thành.
Vấn đề ở chỗ, phí BHXM theo Thông tư 22 nêu trên tối thiểu ở 2 mức 55.000 đồng và 60.000 đồng, nhưng tại sao ở nhiều đại lý vẫn treo biển quảng cáo chỉ bán 25.000 đồng, 30.000 đồng, thậm chí có chỗ chỉ ghi 20.000 đồng/năm? Về điều này, ông Nguyễn Sỹ C. – một đại lý cung cấp BHXM ở quận Kiến An cho biết, đó chỉ là chiêu quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của chủ phương tiện.
Thực tế, 20.000 đồng/năm là dạng hình bảo hiểm tự nguyện, bổ sung quyền được bảo hiểm cho 2 người ngồi trên xe máy với mức thụ hưởng tối đa 10 triệu đồng/người; nếu cộng thêm 20.000 đồng nữa, mức thụ hưởng tối đa sẽ là 20 triệu đồng/người. Như vậy, nếu chủ phương tiện chỉ sở hữu dạng hình bảo hiểm này mà không có BHXM bắt buộc, sẽ vẫn vi phạm và bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Sỹ C., quy đinh như vậy nhưng hiện thị trường BHXM bắt buộc cũng rất “loạn” giá, hầu hết đều bán thấp hơn từ 20% đến 30% mức quy định của Thông tư 22. Nghĩa là, chỉ cần bỏ ra 40.000 đồng, chủ phương tiện đã sở hữu một giấy chứng nhận BHXM hiệu lực 1 năm.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Sỹ C. cho rằng, rất có thể cơ chế thông thoáng, trong khi hầu như không chủ phương tiện nào mua BHXM bắt buộc đòi hỏi hóa đơn thuế, nên vô tình đã tạo ra kẽ hở để các nhà cung cấp dễ bề “hợp thức hóa”. Có lẽ vì thế, mà các doanh nghiệp cung cấp BHXM sẵn sàng trả chiết khấu rất cao cho đại lý, với mức bình quân trên 20% tổng mức phí ghi trên giấy chứng nhận.
Nếu đúng như vậy thì một đại lý bán được BHXM với giá 40.000 đồng/năm, sẽ được nhận hoa lợi khoảng 10.000 đồng? Và cũng vì chiết khấu cao, nên không ít đại lý sẵn sàng giảm giá thấp hơn để cạnh tranh. Nhưng cũng từ điều này, đã xuất hiện hiện tượng chiếm đoạt tiền của khách hàng, mà người viết bài đã chứng kiến tại một đại lý.
Cụ thể, tại đại lý của chị Y. trên địa bàn quận Hồng Bàng, một khách hàng yêu cầu mua BHXM ghi sẵn hiệu lực 2 năm liền, để rẻ hơn được 10.000 đồng. Khi chị Y. giải thích theo quy định, không thể ghi hiệu lực 2 năm trên một giấy chứng nhận, khách hàng này đưa ra một giấy cũ “2 năm” đã mua trước đó, nay đã hết hạn.
Chị Y. bèn gọi trực tiếp vào đường dây nóng in trên giấy cũ của khách hàng nọ, thì được doanh nghiệp cung cấp trả lời, họ chưa bao giờ thực hiện ghi thời hạn bảo hiểm 2 năm trên 1 giấy. Theo đại diện doanh nghiệp, có thể đại lý lợi dụng khách hàng không để ý, ghi bừa để chiếm dụng tiền của khách hàng, còn thực tế cuống hóa đơn gửi về doanh nghiệp lại ghi theo quy định? Nghĩa là dù trả tiền cho 2 năm, nhưng thực tế khách hàng chỉ được hưởng quyền lợi 1 năm.
Cần chấn chỉnh kịp thời
Như vậy, việc thị trường BHXM nóng lên cũng như có dấu hiệu “loạn” giá hoàn toàn không phải do nguyên nhân tổng kiểm soát phương tiện của cơ quan chức năng, mà phát sinh từ lâu, trong đó ý thức pháp luật của chủ phương tiện là chủ yếu. Theo một cán bộ ngành giao thông, yếu tố tâm lý này mang tính tiêu cực rất cao, hầu hết chỉ nghĩ đến lợi ích các nhân mà đổ lỗi cho cơ quan thực thi pháp luật. Tiếc rằng không ít người có vị thế trong xã hội, chỉ nhìn theo một chiều, suy diễn cảm tính mà tạo ra dư luận không tích cực.
Hãy khoan nói đến ý nghĩa nhân văn của các dạng hình bảo hiểm nói chung và BHXM nói riêng, mà đơn cử như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, dù rất thiết thực và nhân văn, nhưng cũng có không ít người chưa chấp hành nghiêm chỉnh, khi chỉ mua loại mũ phi tiêu chuẩn để đối phó với lực lượng chức năng. Mặt khác, đã là phòng ngừa rủi ro thì đương nhiên xác suất xảy ra rất hy hữu, nên người tham gia có tâm lý chủ quan cũng là điều dễ hiểu.
Ở một góc độ khác, hiện thủ tục để được nhận bảo hiểm nếu phát sinh tai nạn cũng còn rất phiền hà, dẫn đến nhiều người bỏ cuộc vì cảm giác “đòi được vạ thì má đã sưng”, hoặc do mức bồi thường thiệt hại không thỏa đáng so với công sức đi “đòi” bảo hiểm. Trong khi đó, phải nhìn nhận một thực tế là thời gian qua, công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dạng hình BHXM bắt buộc chưa thực sự tốt, dẫn đến người dân lơ là thiếu quan tâm
Thiết nghĩ, bên cạnh việc đòi hỏi người dân nêu cao trách nhiệm theo quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cũng cần phải chấn chỉnh, đổi mới phương thức. Trước mắt cần tập trung cho công tác tuyên truyền, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi hơn cho người gặp rủi ro khi làm thủ tục thụ hưởng bảo hiểm. Nếu được như vậy, tình trạng thị trường BHXM sẽ được cải thiện rất nhiều.
Hoàng Minh