NSƯT Đức Hoài: Muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật

09:48 09/09/2019

Gặp anh trong một sáng mùa thu, được anh chia sẻ về chuyện đời - chuyện nghề, những câu chuyện đời thường, gần gụi, nhẹ nhàng như vạt nắng đầu thu nhưng thấm thía, tôi mới thấy hiểu phần nào những tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ dành cho quê hương. Anh là NSƯT Đức Hoài. 44 năm tuổi đời, 25 tuổi nghề - NSƯT Đức Hoài chưa khi nào ngừng những trăn trở làm thế nào để cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật Hải Phòng.

NSƯT Đức Hoài biểu diễn tại Liveshow kỷ niệm 25 năm ca hát

NSƯT Đức Hoài đảm nhận vị trí Phó Đoàn Ca múa Hải Phòng từ 3 năm nay. Ở cương vị người quản lý, ngoài chuyên môn, anh cùng ban lãnh đạo Đoàn Ca múa thành phố phải lo chuyện tài chính, đời sống cho các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn.

 NSƯT Đức Hoài biểu diễn cùng các nghệ sĩ khách mời

Anh trải lòng trước kia chỉ lo cho mình cũng thấy khó, nay phải góp sức lo cho nhiều người nữa là điều vô cùng khó khăn. Anh không giấu diếm đây là giai đoạn thử thách của anh cũng như của cả Đoàn.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chúc mừng NSƯT Đức Hoài

Áp lực, ôm đồm là vậy nhưng với NSƯT Đức Hoài, đó là đam mê.  Anh thích làm việc, được cống hiến, được lăn lộn với nghề.

So với nhiều nghệ sĩ, con đường nghệ thuật của NSƯT Đức Hoài không thẳng tắp. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, bố mẹ anh là diễn viên hát của Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn trước đây, giờ là Đoàn Văn công quân khu III.

Ngày còn bé, anh hay theo bố mẹ đi biểu diễn ở nhiều nơi. Kỷ niệm thơ bé vẫn còn in đậm trong trái tim Đức Hoài là lần đầu tiên – mới là cậu bé 4 tuổi anh đã mạnh dạn lên sân khấu hát bài Cachiusa.

Một người đàn ông người Nga đã tỏ ra vô cùng thích thú, muốn tặng cậu bé Đức Hoài một món quà, nhưng xoay sở mãi ông chỉ tìm thấy trên người có một cái bút bi để làm quà kỷ niệm tặng “nghệ sĩ nhí”.

Nhưng lớn hơn chút nữa, Đức Hoài lại yêu thích và theo học nghệ thuật kịch câm. Ở tuổi thanh niên, chàng trai Đức Hoài lại không theo đuổi một loại hình nghệ thuật nào mà lại chọn học nghề kim hoàn với mong muốn theo nghề truyền thống của ông nội.

Nhưng có lẽ, nghiệp ca hát đã là mối duyên tiền kiếp với Đức Hoài, khi anh đã rất ngẫu nhiên quay trở lại với con đường nghệ thuật.

Anh tâm sự: Năm 1994 trong một lần đi chơi với Ban nhạc “Bồ câu trắng” của Đoàn Ca múa thành phố ngày ấy, trưởng đoàn đề nghị anh thử hát một bài. Không ngần ngại anh hát bài “Hotell California”, một sáng tác của The Eagle.

Sau khi anh kết thúc bài hát, người trưởng đoàn đã đưa anh trở thành một thành viên của Ban nhạc. Và cũng chính cuối năm đó, anh chính thức anh theo đuổi con đường ca hát một cách nghiêm túc khi ký hợp đồng với Đoàn Ca múa.

Đức Hoài cho hay, ngày đầu “hồn nhiên” lắm, hoàn toàn bằng năng khiếu, những gì tự có của mình- NSƯT Đức Hoài mỉm cười khi nhắc lại kỷ niệm xưa.

Thế nhưng ngày ấy, bên cạnh ca hát, anh cũng đã mạnh dạn “tập tẹ” với những sáng tác đầu tay. Ca khúc “Biển yêu” ra đời những ngày đầu năm 1995 là tác phẩm mang tính đánh dấu trong sự nghiệp sáng tác của Đức Hoài sau này.

Anh chia sẻ: Đây là bài hát thể hiện tình yêu của chàng trai đối với cô gái, một tình yêu được ví như biển sóng dạt dào. Và lần đầu tiên anh hát hát ca khúc này tại Đoàn.

Khi tham dự Cuộc thi Giọng hát hay trên sóng phát thanh toàn quốc năm 1997 và Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999, anh cũng chọn ca khúc này để thể hiện.

Thử sức, rèn luyện mình trong ca hát, sáng tác, nhưng đến năm 1999, Đức Hoài mới chính thức theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp khi anh theo học khoa Thanh nhạc của trường Nhạc viện Hà Nội.

Vừa tập trung vào việc học, nâng cao chuyên môn, Đức Hoài vẫn miệt mài với những sáng tác. Từ đó đến nay, anh đã sáng tác được hơn 50 ca khúc. Phần lớn các ca khúc của anh đều dành tình cảm cho biển về cho quê hương Hải Phòng.

Phải kể đến những ca khúc như “Thành phố mọc lên từ sóng”, được anh sáng tác năm 2005, đã giúp anh đoạt Huy chương Bạc trong Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vào thời gian đó.

Tiếp đó là ca khúc “Vươn khơi” do anh sáng tác và thể hiện đã đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009. Rồi các ca khúc: Khúc hát bắt đầu, Ngôi nhà mặt trời, Có một dòng sông qua phố, Nuối tiếc, Biển ngày trở về….

Với những đóng góp cho nghệ thuật, năm 2012, Đức Hoài được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Anh trải lòng: Khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, anh vô cùng hạnh phúc, coi đây là một phần thưởng đáng mơ ước trong cuộc đời ca hát và sáng tác của mình. Đó là nguồn động viên, động lực lớn lao thôi thúc anh cho ra đời nhiều tác phẩm hơn. Và đối với anh kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời sáng tác là anh đã phổ nhạc cho 11 bài thơ của Tiến sĩ Kinh tế Trương Mỹ Nhân.

Sau đó anh đã phối hợp với tác giả để tổ chức 1 đêm nhạc và thơ, giới thiệu 11 ca khúc và tập thơ “Người buồn rót nước pha trà thành thơ” vào tháng 3 vừa qua. Qua đó đêm nhạc đã gây quỹ từ thiện được trên 165 triệu đồng để chia sẻ, giúp đỡ những người phụ nữ bị trầm cảm và trẻ tự kỷ.

Kỷ niệm 25 năm ca hát của mình, NSƯT Đức Hoài vừa tổ chức 1 liveshow với rất nhiều khách mời là các nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có người thầy của anh là NSND Quang Thọ, NSƯT  Khánh Hòa, giảng viên-ca sĩ Phúc Tiệp…

25 năm chưa phải là quá dài đối với một người nghệ sĩ, nhưng với một trái tim tâm huyết với nghề thì khoảng thời gian đó cũng đủ cho NSƯT Đức Hoài nếm trải những đắng cay, mặn ngọt, buồn vui trên con đường nghệ thuật chân chính.

Anh tâm niệm điều hạnh phúc lớn nhất sau 25 năm mà anh có được đó là sự trân trọng, yêu quý của khán giả dành cho mình. Điều mà anh tâm huyết, trăn trở từ khi là một chàng trai trẻ cho đến nay vẫn là được cống hiến, góp sức mình cho nghệ thuật Hải Phòng.

NSƯT Đức Hoài chia sẻ sẽ chuyển sang tập trung cho công tác giảng dạy, đào tạo lớp kế cận sau này…

Xuân Hạ

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích