Nữ sinh phá thai - Giá đắt của những "cuộc chơi" khờ dại

09:24 10/10/2017

Với khoảng 300.000 nữ giới tuổi từ 12 đến 19 nạo phá thai mỗi năm, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào danh sách 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, sau Trung Quốc, Nga. Con số trên đã phần nào phản ánh lối sống buông thả cũng như nhận thức hạn chế về sức khoẻ sinh sản của một bộ phận không nhỏ nữ học sinh, sinh viên. Không nằm ngoài thực trạng trên, các bác sỹ, y tá làm công tác kế hoạch hoá gia đình tại một số bệnh viện ở Hải Phòng, sau giây phút “đứng hình” là cảm giác nhói lòng trước những bệnh nhân “điếc không sợ súng”.

Chưa làm vợ, đã làm… mẹ!

Không khí ngày khai giảng của năm học mới 2017-2018 chưa kịp lắng xuống thì các bác sỹ, y tá của Khoa kế hoạch hoá gia đình - Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã phải tiếp đón một bệnh nhân nhí. Nữ y tá của ca trực hôm đó đến giờ vẫn chưa quên được gương mặt non choẹt, ngây ngô của một cô bé đến từ một thị trấn nhỏ của vùng quê Thuỷ Nguyên. Hai bàn tay nhỏ lóng ngóng đan vào nhau luôn để vòng phía trước bụng như muốn giấu đi cái thai đang ngày càng to hơn, mất cân đối với thân hình gầy gò, bé nhỏ.

Người mẹ làm các thủ tục thay cho con từ khai thông tin về nhân thân đến nghe tư vấn, ký giám hộ. Tới lúc này các y, bác sỹ mới giật mình vì bệnh nhân sinh năm 2001, thiếu vài tháng nữa mới tròn 16 tuổi. “Đứng hình” nữa là sau khi siêu âm, bác sỹ chuyên môn thông báo, cái thai đã ở giai đoạn từ 20-21 tuần tuổi, nghĩa là được hơn 5 tháng.

Khi được cán bộ tư vấn về việc có nên giữ thai hay không? Những tai biến thường gặp khi phá thai và hậu quả lâu dài sau này, người mẹ rũ người xuống rồi than thở: “Vợ chồng em mải làm ăn, cứ nghĩ con đi học, nào ngờ. Thôi thì con dại cái mang, biết làm sao bây giờ?” Còn người bố thì dường như quá xấu hổ nên chỉ thập thò ngoài cửa sắt, thi thoảng lại ngó nhìn xem vợ, con thế nào.

Đáng buồn hơn, sau lúc kêu đau khi bác sỹ giải quyết hậu quả, được dìu khỏi bàn phẫu thuật để nghỉ ngơi, cô bé lại mượn điện thoại của bố, lướt web như chưa hề có chuyện gì xảy ra?!

Trái ngược với người mẹ trên, trong khi chờ nhân viên y tế thống kê số vụ phá thai từ đầu năm 2017 đến nay, phóng viên được tận mặt chứng kiến, một người phụ nữ ăn mặc rất “teen”, quần sóoc ngắn, áo dây vào làm thủ tục phá thai cho… cả hai mẹ con. Trong hồ sơ còn lưu lại, mẹ 39 tuổi, đã ly hôn; con 19 tuổi, đang học tại một trường THPT ở nội thành.

Vị bác sỹ ca trực ngày hôm đó, ngao ngán: “Mẹ ăn mặc, sống buông thả như thế này thì sao dạy dỗ được con. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”.

Nhãn tiền những trả giá

Theo thống kê của Khoa kế hoạch hoá gia đình - Bệnh viện phụ sản Hải Phòng thì từ đầu năm 2017 đến nay, khoa tiếp nhận 15 ca phá thai dưới 20 tuổi, chưa kết hôn, trong đó có 6 ca dưới 18 tuổi. Trước đó, năm 2016 chỉ có 5 ca, nhưng năm 2015 thì lại có tới 65 ca.

Lý giải về sự biến động trên, bác sỹ Trưởng khoa Lê Công Kiền cho biết: Sau năm 2015, trên địa bàn thành phố có thêm nhiều bệnh viện công, cũng như các phòng khám tư đi vào hoạt động nên số ca phá thai tại bệnh viện giảm đi. Thường những ca vào khoa là những ca khó, thai to từ 13 đến hơn 20 tuần hoặc sau khi giải quyết ở các nơi khác nhưng gặp biến chứng như sót rau, băng huyết…Về tâm lý thì đây cũng là chuyện bất đắc dĩ nên bản thân các nữ sinh, sinh viên cũng như cha mẹ cũng muốn đến những nơi kín đáo hơn, thay vì vào bệnh viện do ngại gặp người quen. Song cũng có trường hợp ngoại lệ, có những sinh viên một năm vào viện đến hai, ba lần, dường như “trơ lỳ” với việc nạo, hút thai.

Bác sỹ Phan Thị Thanh Lan - Phó Trưởng Khoa khám yêu cầu thì lo ngại: Hầu như đêm trực nào các bác sỹ cũng phải xử lý các trường hợp băng huyết do bệnh nhân uống thuốc phá thai.

Cũng theo bác sỹ Kiền, tai biến gần của việc phá thai có thể là nguy cơ nhiễm trùng, băng huyết, thủng tử cung.Về lâu dài có thể dẫn đến vô sinh hoặc chửa ngoài dạ con. Hiện tại, Khoa hiếm muộn của bệnh viện cũng đang điều trị cho không ít bệnh nhân mà nguyên nhân sâu xa đó là phá thai khi còn trẻ, chưa kết hôn và nay phải đối mặt với nguy cơ khó có cơ hội được…làm mẹ, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Từ thực tế tiếp xúc, tư vấn cho bệnh nhân, các bác sỹ cũng thẳng thắn chỉ rõ: Gia đình là yếu tố tiên quyết trong các trường hợp phá thai, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên. Bố mẹ cần phải quan tâm, sát sao, là chỗ dựa, là nơi tâm sự, sẻ chia của con cái khi bước vào giai đoạn nhạy cảm này.

Phần lớn các ca bệnh nhân nhí là do cha mẹ ly hôn hoặc mải mê làm ăn, con nói đi học thêm, học nhóm nhưng rốt cục lại sa vào những chuyện yêu đương ô mai, học trò và để lại hậu quả khôn lường. Bởi vậy, cực chẳng đã, nếu trường hợp mang thai to ở tuổi 17,18 thì các y, bác sỹ tư vấn giữ lại, bảo lưu kết quả học tập rồi để đẻ, ông bà nội ngoại nuôi. Nhưng đối với trường hợp từ 12 đến 16 tuổi thì đành tư vấn phá thai vì các cháu còn quá trẻ, vụng dại, chưa hiểu thế nào là kỹ năng làm mẹ?

Bên cạnh gia đình là vai trò quan trọng của nhà trường cũng như các tổ chức đoàn thể xã hội như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ trong việc trang bị, cung cấp những kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho các nữ học sinh, sinh viên. Về vấn đề này, các bác sỹ cũng khuyến cáo không nên né tránh, tuyên truyền nửa vời mà phải để các cháu, các em hiểu đúng, hiểu đầy đủ để tự bảo vệ chính mình.

Đâu đó còn có quan niệm rằng, giáo dục về tâm sinh lý, tình dục ở lứa tuổi ngồi ghế nhà trường là “vẽ đường cho hươu chạy”. Song, nhói lòng khi buộc phải đối mặt với quá nhiều những trường hợp dở khóc, dở cười, thậm chí những ca bệnh “điếc không sợ súng”, thì các chuyên gia cũng phải thốt lên rằng: Vẽ để các cháu, các em đi đúng đường, còn hơn lệch lạc về lối sống, về nhận thức để dẫn đến việc báo động về thực trạng phá thai như hiện nay!

Kim Oanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông