09:55 24/08/2019 Về Đồ Sơn những ngày này, trong không khí rạo rực chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu truyền thống 2019, du khách không chỉ được cảm nhận vẻ đẹp khác lạ của vùng bán đảo khi vào thu, mà còn được đắm chìm trong hương thơm dịu ngọt của mùa quả chín dưới chân núi Ngọc (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn).
Từ di tích quốc gia đình Ngọc Xuyên, men theo con đường nhỏ uốn lượn dẫn vào đền Cô Chín, rồi thong dong theo con đường đá rêu phong là đến rặng thị cổ hàng trăm năm tuổi. Một điều vô cùng thú vị khi nhắc đến loài cây di sản Việt Nam này, đó chính là là mỗi cây thị đều được gắn biển, đặt tên riêng như: Thị Bài, Thị Khe, Thị Bà Vải, Thị Gồ... Những tên gọi đó vừa giản dị, gần gũi, vừa gắn liền với những chứng tích về thời kì kháng chiến trường kì của dân tộc.
Theo các cụ bô lão ở đây, rặng thị cổ không biết có tự bao giờ. Cùng thời gian, chúng cứ thế bám vào sườn núi Ngọc mà phát triển cho đến tận ngày nay. Vào thời kỳ kháng chiến, những cây thị cổ này chính là một căm hầm bí mật, để dân làng Đồ Sơn, các chiến sỹ cách mạng ẩn nấp và hoạt động bí mật. Hàng năm, cứ vào khoảng thời gian này, rừng thị cổ gồm 17 cây nằm rải rác trong khuôn viên của 15 gia đình đang sinh sống tại tổ dân phố số 5 và số 6 lại vào mùa quả chín. Mặc dù chỉ có chưa đầy 20 gốc thị nhưng cây nào cây nấy đều sai trĩu quả.
Những quả thị vàng ươm lấp ló sau những tán lá cây xanh mướt, tỏa hương thơm ngào ngạt. Quả thị nhiều đến mức người dân hái không xuể, chúng cứ chín tới độ thì rụng xuống gốc cây, dưới khe nước tạo thành không gian đầy dịu ngọt và tĩnh lặng, bình yên.
Dọc đường lên núi Ngọc, ngoài thị, trên triền núi Ngọc còn rất nhiều bứa và chay. Từ khoảng tháng 6 Âm lịch, người dân địa phương lại rủ nhau lên núi hái bứa, chay. Cây bứa thường mọc cạnh nhau tạo thành một vùng. Khi những quả bứa ngả màu vàng cũng là lúc những chiếc lá rời cành cuốn theo chiều gió, để lại những cành cây khẳng khiu trĩu quả.
Quả bứa khi xanh rất chua, khi chín vị chua nhường bớt cho vị ngọt thanh từ những múi bứa màu vàng nhạt, ngon đến ngỡ ngàng. Giống như thị và bứa, quả chay khi vào mùa cũng chuyển sang màu vàng khá đẹp mắt.
Không cao lớn như thị, cũng chẳng rụng lá vào mùa quả chín như bứa, cây chay quanh năm xanh lá. Những trái chay chín vàng lấp ló trong tán lá um tùm, người nào phải thật tinh mắt mới có thể nhìn thấy. Với người dân Đồ Sơn, quả chay và quả bứa đã trở thành nét riêng, độc đáo trong ẩm thực nơi đây. Chay tươi dùng đánh dấm nước rau muống luộc, nấu riêu cá đồng hay thái mỏng phơi khô để dành dùng quanh năm. Bứa cũng được phơi khô để dành dùng quanh năm để đánh dấm nước rau muống luộc, nấu riêu, kho cá biển.
Không chỉ có thị, chay, bứa, khu vực núi Ngọc còn một đặc sản mà bất kỳ du khách nào đến đây cũng tìm mua, đó là chè xanh núi Ngọc. Chè xanh nơi đây lá dày, khi pha cùng nước suối Rồng thì có vị thơm, ngọt đặc trưng. Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại có phần bận rộn, ồn ã, núi Ngọc trở thành một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn để tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ của đất trời. Đặc biệt, trong dịp lễ hội chọi trâu truyền thống, du khách đến với Đồ Sơn khi trở về nhà đều không quên mang theo mình những quả thị thơm lừng, gói bứa, chay khô hay những túi chè tươi để làm quà.
Hải Ngân
14:29 23/11/2024