Nước sạch cho đô thị Hải Phòng: Chuyện bây giờ mới kể

16:40 20/06/2015

 

Quản lý Nhà máy nước Vật Cách
Quản lý Nhà máy nước Vật Cách

Cảng Hải Phòng được chính thức tuyên bố mở cửa ra thương mại nước ngoài ngày 15-9-1875 (ngày phê chuẩn hiệp ước Philastre và hiệp ước thương mại). Tuy nhiên quá trình phát triển đô thị của Hải Phòng vấp phải một loạt khó khăn, trong đó gay gắt nhất là việc giải quyết nước sạch cho sinh hoạt đô thị và “Cảng lớn Bắc Kỳ”. Ghi chép giai đoạn 1885-1886 đã nhấn mạnh: “…mảnh đất không có nước ngọt, phải chuyển nước từ 30km cách đó bằng tàu”.

NGƯỜI PHÁP CẦU VIÊN TỚI TẬN PARIS

 Những năm 80 của thế kỷ XIX, khi cắm đồn binh, cơ sở thuế quan và cai trị, các quan chức triều đình phong kiến nhà Nguyễn và người Pháp đều vấp phải khó khăn lớn nhất về nước sinh hoạt. Tình hình vệ sinh là mối bận tâm lớn nhất của người Âu. Người ta phải dùng nước sông, nước giếng nông nhiễm chua mặn, tanh sắt. Binh lính và lãnh sự Pháp phải dùng nước vũng lầy ven sông hoặc ao tù ô nhiễm nặng đầy mầm bệnh truyền nhiễm sốt rét, kiết lỵ, dịch tả…

Theo Phạm Bá Chi, Ban nghiên cứu lịch sử thành phố, để giải quyết nạn khan hiếm nước sinh hoạt, trong các công trình công cộng thi công ở Hải Phòng năm 1893-1894, một số hệ thống cấp và thoát nươc, thăm dò lòng đất sâu 100m tìm nguồn nước được triển khai. Sau nhiều lần khoan thăm dò nước ngầm không thành công, người ta phải dùng nước sông Lương bắt nguồn từ vùng núi Đông Triều (Quảng Ninh), cách Hải Phòng trên 30km về phía Bắc.

Ngày 8-3-1897, một hợp đồng được ký giữa nhà thầu, kỹ sư Besdat và Malon với Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer để xây dựng nhà máy nước Uông Bí và các đường dẫn cấp nước ở thành phố. Một đường ống dẫn vượt qua 10 con sông (trong đó có 3 sông lớn Bạch Đằng, Giá và Cấm) bằng các ống si-phông. Công việc hoàn thành ngày 23-8-1898 và thành phố có nước máy từ đó (một tài liệu của nhà máy nước nói là xây dựng năm 1906). Máy bơm lọc chạy bằng hơi nước của nồi súp-de đun than mỏ, sau đó dùng than củi, công suất hai máy bơm 500m3/ngày. Công suất nước về Hải Phòng khoảng 1.000m3/ngày, sau đó tăng dần. Số lượng này chỉ đủ cấp cho người Âu, binh lính và thương gia giàu có, dân dùng nước giếng, nước ao, nước sông là chính. Nước sinh hoạt tạm ổn một thời gian hơn chục năm, bàn luận trong giới chức sắc không gay gắt lắm.

Năm 1913 - kết thúc thời kỳ khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp ở Đông Dương - vấn đề nước sinh hoạt lại nổi rộ lên, không chỉ có việc tạo thêm nguồn và dẫn nước mà cả việc bảo vệ nước từ Uông Bí về Hải Phòng. Nước sông Lương ở thượng lưu bị ô nhiễm nặng. Cả chính quyền Đông Dương và Hải Phòng đều tham gia vào các biện pháp bảo vệ, chống phá hoại, chống ô nhiễm. Đặc biệt, khi bước vào khai thác Đông Dương lần thứ hai, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của Hải Phòng trở thành cấp bách hơn bao giờ hết. Lúc này, công xưởng, nhà máy được xây dựng liên tiếp, cảng đón một số lượng tàu lớn cập bến.

Số dân từ 60.000 trước chiến tranh thế giới thứ nhất nay tăng lên 105.000 người. Nước Uông Bí đưa về được 7.500m3/ngày, nếu mỗi người cần dùng 100 lít nước/ngày thì chỉ đủ dùng cho 75.000 dân. Nước cấp cho tàu thuyền cập bến ngày càng nhiều tại Cảng 5 xu/m3, nếu tư nhân chở bán tại biển thì 9 xu/m3. Một chiếc tàu loại trung bình cần 600m3 nước. Quá thiếu nước, có lúc người ta nghĩ đến giếng ngầm nhưng không giải quyết được. Mỗi ngày cần 30.000m3 nước cho các nhu cầu, trong khi Uông Bí chỉ cấp được 7.500m3. Người ta đã phải kêu gọi dùng đủ các nguồn nước, từ nước mưa, nước sông, nước ao nước giếng nông qua lọc đến khơi lại giếng sâu 37m bỏ từ năm 1885 để đỡ cho nguồn nước Uông Bí. Nước lấy ở Bính Động (Thủy Nguyên) cho tàu chở về chỉ đủ giải quyết một phần nào cho nhu cầu tối thiểu cần thiết.

Mọi cố gắng trên không phải là cơ bản. Nước sinh hoạt ở Hải Phòng vẫn thiếu khá trầm trọng. Tirand, chủ bút báo “Conlon Francaise” ở Hải Phòng phải viết bài cho tạp chí “FEau” xuất bản tại Paris vừa là kêu cứu, vừa là xin viện trợ của chính quốc… Nhiều tờ báo, tạp chí ở Đông Dương, ở Bắc Kỳ liên tiếp viết bài báo động về nước ở Hải Phòng. Vì quá cấp thiết, bước vào mùa hè năm 1928, thống sứ Bắc Kỳ gửi công văn lên Toàn quyền Đông Dương nhờ can thiệp với Bộ Thuộc địa  ký sắc lệnh để vay 1.500.000 Frăng giải quyết vấn đề về nước…

HẾT CẢNH LO THIẾU NƯỚC

Khi thực dân Pháp rút đi chỉ để lại một nhà máy nước Uông Bí với công suất 6.000m3/ngày, cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, Hải Phòng đã có nhà máy nước lớn: An Dương, Kiến An (Cầu Nguyệt) và Đồ Sơn với tổng công suất thiết kế lên tới 132.000m3/ngày. Ngoài nguồn cung cấp nước thô Uông Bí 8.000m3/ngày, Hải Phòng còn khai thác, sử dụng nguồn nước Kim Sơn - Vật Cách 60.000m3/ngày, sông Đa Độ 60.000m3/ngày, sông He 50.000m3/ngày, nguồn Quán Vĩnh (sông Cái Tắt)…

Năm 1976-1977, Nhà máy nước Cầu Nguyệt được xây dựng giai đoạn I với công suất 20.000 m3/ngày; năm 1979-1980, triển khai giai đoạn II nâng công suất lên 60.000 m3/ngày. Năm 1986, UBND thành phố ra quyết định đổi tên và quy định quyền hạn Công ty Cấp nước Hải Phòng. Năm 1987, Nhà máy nước Vật Cách được khánh thành với công suất 11.000 m3/ngày và cùng thời điểm này, Nhà máy nước Đồ Sơn được cải tạo nâng công suất lên 5.000 m3/ngày. Năm 1993, UBND thành phố Hải Phòng ra Quyết định "về việc thành lập doanh nghiệp Nhà nước và quy chế hoạt động doanh nghiệp của Công ty Cấp nước Hải Phòng".

Hệ thống bể lọc nhà máy nước An Dương
Hệ thống bể lọc nhà máy nước An Dương

Năm 1990-2004, Chính phủ Phần Lan hỗ trợ Công ty Cấp nước Hải Phòng cải thiện điều kiện cấp nước của thành phố qua 4 giai đoạn. Năm 2002, hoàn thành Dự án 1A cải tạo cấp nước nội thành Hải Phòng bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Năm 2007, UBND ra quyết định chuyển Công ty Cấp nước Hải Phòng thành Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Hải Phòng hoạt động kinh doanh sản phẩm công ích.

Được sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương và thành phố, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Phần Lan, Ngân hàng Thế giới (WB) cùng với sự cố gắng vươn lên của tập thể cán bộ, công nhân viên, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Hải Phòng đã mạnh dạn đổi mới đồng bộ công tác quản lý tổ chức, quản lý kinh tế - kỹ thuật, giảm nước thất thoát thấp nhất trong toàn quốc, chất lượng nước không ngừng được nâng cao (Trung tâm Quacert cấp giấy chứng nhận chất lượng nước đạt tiêu chuẩn Việt Nam 5502:2003).

Quản lý theo chất lượng ISO 9001:2000, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được áp dụng như: Hệ thống theo dõi điều hành từ xa mạng lưới cấp nước (Telemetry) quản lý áp lực và lưu lượng trên mạng lưới cấp nước, cũng như điều hành hoạt động của các nhà máy, sử dụng công nghệ GIS, quản lý mạng lưới và khách hàng (CNMS), sử dụng hệ thống thông tin quản lý (MIS)... Dự án 1A được triển khai năm 1999 và hoàn thành vào tháng 10-2002 đã mang đến dịch vụ cấp nước tốt cho 3 quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền… Phạm vi hoạt động của Công ty Cấp nước Hải Phòng đang ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp và nhân dân các quận, huyện… Hải Phòng sẽ không còn những mùa hè “nóng bỏng” lo thiếu nước…

Trần Phương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích