09:00 09/06/2020 Ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Theo thống kê, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương trên thế giới gây thiệt hại 2,5 tỷ USD mỗi năm và gây hại cho ít nhất 267 loài động vật khác nhau, cũng như gây thất thoát tài nguyên. Việt Nam là một quốc gia có biển và các vùng biển trên cả nước, trong đó có Hải Phòng đang phải đối mặt với vấn nạn trên, rất cần những giải pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển trước khi quá muộn!
Thu gom rác thải tại vùng biển Hải Phòng
Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày chúng ta thải ra môi trường khoảng 2.500 tấn rác nhựa và đang xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Do đặc tính bền, khó phân hủy, rác thải nhựa ngày càng lan tràn, gây ra thảm hoạ “ô nhiễm trắng”, ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có 113 cửa biển, mỗi năm xả ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn và là nước đứng thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương, trong đó 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền.
Vấn nạn “ô nhiễm trắng” tại các địa điểm du lịch nổi tiếng tăng lên ở mức báo động. Tại Hải Phòng, ở các khu vực biển thuộc Cát Bà mỗi ngày công nhân đều thu gom lượng lớn rác thải trôi nổi khắp mặt vịnh, các bãi tắm. Tiếp đến, tại bãi biển Đồ Sơn, những chai nhựa, túi nilon, rồi kể cả lưới, ngư cụ của người dân cũng trôi nổi trên biển, theo sóng trôi dạt dọc bãi cát vàng, làm mất mỹ quan khu du lịch. Chính sự thiếu ý thức của con người đã biến những địa điểm du lịch tuyệt đẹp trở thành “điểm đen” về môi trường sống.
Theo nghiên cứu, các sản phẩm nhựa, trong đó phần lớn là túi ni lông làm từ chất liệu polyme, phải mất hàng trăm năm mới có thể phân huỷ hết. Các chuyên gia môi trường cũng cho biết: Rác thải nhựa mà chủ yếu là túi ni lông gây tác hại ngay từ khâu sản xuất, bởi phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ, khí đốt và các chất phụ gia như chất hoá dẻo, kim loại nặng, phẩm màu, đây cũng là những chất cực kỳ có hại cho sức khoẻ của con người. Từ quá trình sản xuất túi ni lông sẽ tạo ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hạn chế sử dụng túi ni lon khi đóng gói hàng hoá
Thông điệp Ngày Đại dương thế giới 8-6-2020 là “Đổi mới vì một đại dương bền vững” và Ngày Môi trường thế giới 5-6-2020 là “Đa dạng sinh học” nhằm nhấn mạnh sự cấp thiết và hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng mà con người phải đối mặt với thiên nhiên.
Là một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.200 km, nhận thức được vai trò của biển đối với sự phát triển bền vững của đất nước, cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa và mong muốn trở thành quốc gia tiên phong hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương.
Tại Hải Phòng, qua khảo sát, thống kê năm 2013 số lượng túi ni lông khó phân huỷ sử dụng tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại là 431.689 kg; túi thân thiện với môi trường như túi giấy, túi sinh thái…là 21.886kg, chiếm tỷ lệ 5%. Đến năm 2017, mức sử dụng túi ni lông khó phân huỷ là 656.390kg; túi thân thiện môi trường là 96.902kg, chiếm tỷ lệ 15%, như vậy đã tăng 10% sau 4 năm nỗ lực tuyên truyền, vận động. Đến nay, hầu hết các siêu thị lớn, nhà bánh lớn trên địa bàn thành phố đã chuyển sang sử dụng túi thân thiện môi trường như siêu thị Coopmart sử dụng 18.000kg/năm; Intimex 2.000kg/năm; Mediamart 450kg/năm; nhà bánh Đông Phương 3.000kg/năm; Thanh Lịch 1.000kg/năm; Kim Thanh 3.000kg/năm…
Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố thì cuộc chiến với ô nhiễm trắng cũng còn nhiều khó khăn, bởi ý thức tự giác của cả người sử dụng và nhà sản xuất túi ni lông khó phân huỷ còn chưa cao. Được biết, nhận thức được hậu quả khôn lường đối với môi trường và sức khoẻ con người, nhiều quốc gia như Mỹ, Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Anh, Trung Quốc, Nam Phi…đã dùng biện pháp mạnh là đánh thuế nặng đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, nhất là túi ni lon. Song song là buộc người tiêu dùng phải trả tiền khi sử dụng túi ni lông khó phân huỷ, từ đó khuyến khích người dân tái sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng loại thân thiện với môi trường.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, ngành Tài nguyên Môi trường thành phố đã phối hợp với các quận, huyện, đặc biệt là địa phương có biển, tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; cũng như tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại, nâng cao ý thức trong việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.
Đồng thời, thực hiện tốt phong trào “Chung tay hành động giảm thiểu rác thải nhựa” bằng cách thay đổi thói quen sử dụng, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần.
Kim Oanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024