Ông Biden hối thúc Quốc hội Mỹ chóng thông qua gói hỗ trợ mới

15:14 02/12/2020

Ông Joe Biden đã thúc giục các nghị sỹ Mỹ thông qua gói viện trợ kinh tế vốn đã bị đình trệ trong nhiều tháng qua để giải quyết những nhu cầu cấp bách của nền kinh tế trong nước.

Ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, ngày 1/12 đã thúc giục các nghị sỹ Mỹ thông qua gói viện trợ kinh tế vốn đã bị đình trệ trong nhiều tháng qua để giải quyết những nhu cầu cấp bách của nền kinh tế trong nước.

Một nhóm nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cùng ngày 1/12 đã công bố dự luật cứu trợ trị giá 908 tỷ USD nhằm phá vỡ thế bế tắc kéo dài giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong việc đưa ra gói hỗ trợ khẩn cấp mới cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, giá trị của gói hỗ trợ trên thấp hơn nhiều so với các kế hoạch trước đó, dù vẫn bao gồm các khoản trợ cấp thất nghiệp mở rộng, các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ cho các chính quyền địa phương đang gặp khó khăn.

Ông Biden cho biết bất kỳ gói cứu trợ nào được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 20/1 sẽ “chỉ là một sự khởi đầu."

Thành phần của danh sách quan chức kinh tế mà ông Biden đưa ra, bao gồm cả ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Tài chính là cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Janet Yellen, cho thấy ông Biden muốn có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Tất cả các cố vấn đều bày tỏ sự ủng hộ đối với các biện pháp kích thích của chính phủ nhằm tối đa hóa thị trường việc làm, giảm bất bình đẳng kinh tế, giúp đỡ phụ nữ và các nhóm thiểu số - nhóm vốn dễ bị tổn thương hơn do tình trạng suy thoái của nền kinh tế.

Vào thời kỳ đỉnh điểm của mùa Hè, khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang đã chuyển khoảng 12 tỷ USD mỗi tuần vào các tài khoản cá nhân.

Những khoản tiền đó đã góp phần hỗ trợ chi tiêu, tiết kiệm và thúc đẩy các doanh nghiệp thuê nhân công trở lại, song sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Điều này làm dấy lên những lời kêu gọi về việc Chính phủ Mỹ cần mở rộng hơn nữa các biện pháp an sinh cùng với việc triển khai tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

Bên cạnh đó, nước Mỹ đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới. Tính riêng trong tháng 11/2020, nước này đã ghi nhận hơn 4 triệu ca mắc COVID-19 mới và hơn 35.000 ca tử vong.

Đại dịch COVID-19 có khả năng tiếp tục gián đoạn hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Mỹ. Một báo cáo mới đây của Fed cho thấy sản lượng của ngành chế tạo Mỹ vẫn thấp hơn khoảng 5% so với trước đại dịch COVID-19./.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông