15:23 12/05/2020 Dịch COVID-19 kéo theo những hệ luỵ khôn lường về kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Các DN vừa và nhỏ tại Hải Phòng cũng không nằm ngoài vòng xoáy trên, vậy đâu là giải pháp để các doanh nhân phát huy bản lĩnh, trí tuệ, từ đó hồi sinh doanh nghiệp trong tình hình mới. Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân Tiến-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng, Tổng Giám đốc Học viện đào tạo Doanh nhân HPM xung quanh vấn đề trên.
Ông Bùi Xuân Tiến-Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hải Phòng, Tổng Giám đốc Học viện đào tạo Doanh nhân
PV: Ông có thể cho biết những tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tại Hải Phòng?
Ông Bùi Xuân Tiến: Nền kinh tế và xã hội Việt Nam bước sang giai đoạn “bình thường mới”, là một điều vô cùng vui mừng với các DN, đặc biệt là những DN trong các lĩnh vực dịch vụ, khách sạn nhà hàng, du lịch, giáo dục… Hiện, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhưng sức ỳ của thị trường vẫn còn rất lớn vì việc chi tiêu của người tiêu dùng còn dè dặt.
Đối với các DN sản xuất hàng xuất khẩu hoặc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì sẽ còn chịu tác động lâu dài, vì tình hình dịch COVID còn diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, dẫn tới thị trường toàn cầu suy giảm nghiêm trọng.
Đi kèm theo đó là các DN trong lĩnh vực logistic và vận tải cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề và lâu dài.
Đánh giá tổng quát thì tôi thấy các DN nhỏ và vừa trong tất cả các lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn cho dù dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, DN vừa và nhỏ phải chịu áp lực lớn nhất là gì, thưa ông?
Ông Bùi Xuân Tiến: Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất của các DN lúc này đó chính là thị trường. Bởi, có thị trường, có khách hàng, có đầu ra thì DN mới có doanh thu. Bên cạnh đó, trong khi nguồn doanh thu của DN mất đi đột ngột hoặc suy giảm nghiêm trọng, nhưng các chi phí cố định khác vẫn phải chi trả thì khó khăn thực sự của các DN lúc này chính là dòng tiền. Dòng tiền chính là dòng máu trong DN, tiền chi thì vẫn chảy ra, nhưng hàng không bán được, công nợ không thu được dẫn tới dòng máu trong DN ngày một cạn kiệt.
Một chương trình giúp DN thêm kỹ năng vượt khó
PV: Với vai trò là Tổng Giám đốc Học viện đào tạo doanh nhân HPM, đồng thời ông cũng là một chuyên gia tư vấn quản trị cho DN, ông có giải pháp nào để tư vấn giúp DN trong quản trị điều hành và chiến lược phát triển kinh doanh?
Ông Bùi Xuân Tiến: Tôi cho rằng, lúc này các DN phải thực hiện một cuộc tái cấu trúc đồng bộ trên các lĩnh vực từ chiến lược, tài chính, nhân sự, hệ thống quản lý, văn hóa DN…Thời gian qua, Hội Doanh nhân trẻ và Học viện đã phối hợp thực hiện các chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho DN.
Đơn cử như về chiến lược kinh doanh, các DN cần phải có một tư duy kinh doanh thật năng động, chọn thêm các phân khúc thị trường và sản phẩm. Tôi lấy ví dụ, có rất nhiều DN ngành may khi thị trường châu Âu và Mỹ khó khăn họ đã chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn. Rồi các DN cần phải thay đổi các kênh marketing bán hàng, chuyển từ offline sang bán hàng online…. DN đã bán hàng online thì sẽ phải tính phương án bán trên nhiều kênh online hơn, sẽ giúp các DN mở rộng thị trường, mà không phải giới hạn trong bất cứ phạm vi địa lý nào.
Về tài chính, bài toán sống còn lúc này là dòng tiền, vì vậy phải làm tất cả những gì thu được tiền về, và giảm thiểu tiền phải chi ra, như việc tăng chiết khấu giảm giá để bán hàng, ưu tiên cho các khách hàng trả tiền ngay, bán rẻ để thu tiền về. Tích cực hơn trong việc thu hồi công nợ, đồng thời DN cần có cả một kế hoạch giãn nợ chủ động với các nhà cung cấp; cắt giảm chi phí ở tất cả các bộ phận từ văn phòng tới sản xuất…
Đối với công tác nhân sự, đây là cơ hội để các DN có thể thanh lọc lại hệ thống nhân sự, chọn những nhân sự phù hợp hơn, năng lực hơn cho hệ thống của mình.Đồng thời, lãnh đạo các DN cần phải tổ chức các cuộc họp cùng người lao động chia sẻ những khó khăn, đoàn kết đồng lòng vượt qua khó khăn.
Trong tình hình mới, chương trình Cafe kết nối Doanh nhân sẽ được tiếp tục thực hiện để các DN trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh
Về hệ thống quản lý các DN cần hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế, hướng dẫn công việc, biểu mẫu. Thay vì quản lý theo kiểu phát sinh công việc tới đâu giải quyết tới đó, xử lý công việc kiểu tùy hứng, thì nay DN cần chú trọng tới việc hoạch định hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả, dần tiến tới bài bản, chuyên nghiệp.
Cuối cùng là vấn đề số hóa doanh nghiệp, các DN đang kinh doanh trong thời đại 4.0, vì vậy việc số hóa DN là điều bắt buộc phải làm. Hoạt động số hóa doanh nghiệp không phải chỉ là chuyện đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa, mà hiện nay Học viện đào tạo doanh nhân của chúng tôi đã sử dụng các ứng dụng quản trị 4.0 để chuyển giao giúp các DN số hóa, xây dựng DN 4.0. Việc số hóa DN giúp các Giám đốc có thể sở hữu toàn bộ hệ thống thông tin, dữ liệu, cách thức, kinh nghiệm làm việc mà không phải hoàn toàn phụ thuộc vào nhân sự. Thậm chí nếu phải cắt giảm 50% nhân sự văn phòng vì khó khăn thì nhờ việc số hóa DN hiệu quả vẫn được đảm bảo.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Kim Oanh thực hiện
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão