Ông Lương Minh Huệ-Chủ tịch Liên minh HTX và Doanh nghiệp: Chính sách mới hạn chế tình trạng "rớt giá", "giải cứu"

15:46 27/08/2018

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhân dịp này, phóng viên Báo An Ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với ông Lương Minh Huệ-Chủ tịch Liên minh HTX và doanh nghiệp Hải Phòng xung quanh nội dung trên.

Chăn nuôi gia cầm là một trong những thế mạnh của Hải Phòng

PV: Chính sách mới từ hai văn bản nói trên tác động như thế nào đến việc thúc đẩy các HTX hoạt động hiệu quả, thưa ông?

Ông Lương Minh Huệ:Trước đây có khá nhiều văn bản trong lĩnh vực này, song còn mang tính chung chung. Những quy định của Nghị định số 98 và Quyết định 461, theo tôi khá chi tiết, cụ thể và có tính khả thi cao để thực hiện mục tiêu xây dựng 15.000 HTX hoạt động hiệu quả trên toàn quốc.

Như các bạn đã biết, không chỉ riêng Hải Phòng mà là tình trạng chung của tất cả các địa phương, đó là số HTX hoạt động hiệu quả rất khiêm tốn mà phần lớn là hoạt động cầm chừng, manh mún, nhỏ lẻ. Cũng chính cách làm ăn đó mà người chăn  nuôi, trồng trọt không biết thị trường cần tiêu thụ những loại hàng hoá gì, số lượng bao nhiêu? Hệ luỵ là nếu mưa nắng thuận hoà thì được mùa nhưng lại rớt giá và toàn xã hội lại phải vào cuộc, hết giải cứu nông sản lại giải cứu thịt lợn…

Tinh thần xuyên suốt của hai văn bản trên là khuyến khích, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị của các HTX, liên hiệp HTX, từ khâu đầu tư chuồng, trại-áp dụng kỹ thuật, công nghệ-phân bón-sản xuất-sơ chế-bảo quản-đóng gói, đến khâu cuối cùng là tiêu thụ.

Nghị định cũng hướng dẫn cả về quy trình, thủ tục liên kết, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nói trên và phân cấp cho chính quyền địa phương, nhiệm vụ của các bộ, ngành trong việc tạo điều kiện để các HTX, liên hiệp các HTX hoạt động hiệu quả.

Lâu nay, nông nghiệp là lĩnh vực sinh lời không cao, các doanh nghiệp không mấy mặn mà, do vậy chính sách mới là cần thiết, tạo hành lang pháp lý, điều kiện để các nhiều đối tượng cùng tham gia.

PV: Được biết, Hải Phòng đặt mục tiêu xây dựng điểm mô hình liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, điều này có khó khăn gì, thưa ông?

Ông Lương Minh Huệ: Theo thống kê tới tháng 6-2018, toàn thành phố có 326 HTX, trong đó số HTX nông nghiệp hoạt động hiêu quả là rất ít và thường gắn với dịch vụ phân bón, điện, nước. Còn lại đa phần là trông chờ vào nhà nước, quy mô nhỏ, lẻ, nguồn nhân lực hạn chế cả về trình độ, số lượng, sự sáng tạo, nền tảng về tài chính, đất đai cũng thiếu, yếu.

Đáng nói nữa là có một số HTX muốn giải thể mà không thực hiện được do vướng mắc về các quy định pháp luật trong các lĩnh vực tài sản không chia của HTX, rồi các món nợ như nợ tổ chức tín dụng, nợ xã viên…Như vậy có thể thấy, với hiện trạng các HTX nông nghiệp như hiện nay là có khó khăn.

Nuôi trồng thuỷ sản tại quận Dương Kinh

PV: Vậy, định hướng, giải pháp của Hải Phòng để xây dựng điểm các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Lương Minh Huệ: Bên cạnh những khó khăn thì nông nghiệp Hải Phòng cũng có những điểm sáng trong sản xuất rau, củ, quả; chăn nuôi lợn, gia cầm, thuỷ sản tại các địa phương như Đồ Sơn, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên, Dương Kinh, Kiến Thuỵ…

Điều quan trọng bây giờ là liên kết được các khâu để tạo nên chuỗi giá trị của sản phẩm, huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng vào cuộc. Ở đó, mỗi thành phần tham gia thực hiện chuyên nghiệp công đoạn được đảm nhiệm sẽ khiến chuỗi giá trị sản phẩm được điều tiết theo đúng quy luật cung-cầu, hạn chế những rủi ra xảy ra.

Nói cụ thể hơn là người nông dân làm tốt việc chăn nuôi, trồng trọt, khâu tiêu thụ sẽ do một hay nhiều HTX, doanh nghiệp khác đảm nhận, từ đó thông tin ngược trở lại để định hướng trong mùa vụ tới đầu tư trồng cây, nuôi con gì, số lượng bao nhiêu, hạn chế được tình trạng nuôi trồng theo phong trào như hiện nay, khiến sản phẩm bị rớt giá hay kêu gọi giải cứu.

Để tạo điều kiện, thúc đẩy, thậm chí là nêu cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà  nước, các cấp chính quyền thì thành phố đã giao Sở NN&PTNT là đơn vị chủ trì xây dựng điểm mô hình liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Cá nhân tôi nghĩ rằng, cùng với hành lang pháp lý của Nghị định 98 và Quyết định 461, sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự vào cuộc của các cấp, ngành, các đối tượng điều chỉnh của chính sách mới thì mô hình liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ sớm trở thành hiện thực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Kim Oanh thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông