Ông Nguyễn Văn Toản-Chi Cục Trưởng Chi Cục An toàn VSTP: Nêu cao trách nhiệm thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm

18:23 15/05/2020

Nguy cơ sản xuất, quảng cáo, phân phối thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Đây cũng chính là lý do Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm lấy chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 là “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”. Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toản-Chi Cục Trưởng Chi Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) xung quanh vấn đề trên.

 

PV: Ông có thể cho biết vì sao Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm lại lấy chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 là “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Toản: Phải thẳng thắn nhìn nhận, ý thức trách nhiệm, nhận thức của cả người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền về an toàn thực phẩm còn có phần hạn chế. Hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm không an toàn vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Nguy cơ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể còn ở mức cao. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở nhỏ lẻ, trong khu dân cư còn khó khăn. Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc còn nhiều, tỷ lệ tồn dư vẫn còn cao hơn các nước trong khu vực. Trong khi đó, việc kinh doanh quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, đặc biệt trên mạng xã hội có diễn biến phức tạp, khó quản lý…

Để tồn tại các những vấn đề trên, một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chưa cao. Từ những vụ việc vi phạm thì một số tổ chức, cá nhân chạy theo lợi nhuận, cố tình vi phạm làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. 

Tôi cho rằng đây là những lý do để  Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm lại lấy chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 là “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”. 

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hải Phòng kiểm tra một cơ sở sản xuất thực phẩm 

PV: Ông có thể cho độc giả biết chi tiết hơn về chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Toản: Như các bạn đã biết, chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 là “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”. Mục đích của chủ đề trên là tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm cho người quản lý, người tiêu dùng và người kinh doanh thực phẩm, từ đó nêu cao trách nhiệm thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, cụ thể là Luật An toàn VSTP. Và chỉ khi nhà sản xuất, kinh doanh, quảng cáo có trách nhiệm, trung thực với các vấn đề có liên quan đến an toàn thực phẩm thì mới có thể giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, từ đó bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. 

PV: Hải Phòng đã có kế hoạch triển khai  Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Toản: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế, Chi Cục an toàn VSTP đã tập trung truyền thông phòng chống dịch COVID-19, lồng ghép với chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020. Trong đó, chú trọng phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm trong việc lựa chọn, sử dụng, kết hợp với bảo đảm an toàn thực phẩm với dinh dưỡng hợp lý trong thời gian dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ một số loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn, online, kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn mang về nhà. Rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cộng đồng.

Đến thời điểm hiện tại, với các nội dung như: “Bảo đảm an toàn VSTP là xây dựng, củng cố niềm tin, uy tín của sản phẩm Việt Nam”, “Chính quyền các cấp, cơ quan chức năng quyết tâm ngăn chặn thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng”, “Hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ”, “Không được quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ gây hiểu nhầm là thuốc”…đã được Chi cục xây dựng trên gần 130 pano tuyên truyền.

Chúng tôi cũng đã cấp phát hơn 35.000 bộ tài liệu hỏi đáp về an toàn thực phẩm tới 224 xã, phường tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố  với các lĩnh vực như bệnh thương hàn, bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tác hại, nguyên nhân, cách phòng chống ngộ độc rượu… Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng như Bộ đội Biên phòng, Hải Quan và người tiêu dùng.

PV: Chân thành cảm ơn ông!

Kim Oanh thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông