16:58 27/02/2019 Mùa xuân là tết trồng cây, trong những ngày này, nhiều địa phương trên cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng đều ra quân hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về trồng thêm nhiều cây xanh để cải thiện cảnh quan, môi trường. Được biết, Hải Phòng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam đánh giá cao trong hoạt động vinh danh cây di sản Việt Nam. Báo An Ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Đức-Uỷ viên Hội Bảo vệ Môi trường thành phố, người có nhiều năm tâm huyết với công tác vinh danh cây di sản Việt Nam tại Hải Phòng.
Ông Trần Văn Đức đọc Quyết định vinh danh cây di sản Việt Nam
PV: Ông có thể cho độc giả biết những thông tin chính về hoạt động vinh danh cây di sản Việt Nam trên địa bàn thành phố thời gian qua, thưa ông?
Ông Trần Văn Đức: Tính đến thời điểm tháng 2-2019, trên toàn thành phố đã có 138 cây được vinh danh cây di sản Việt Nam tại 14/15 quận, huyện và có 5 dòng họ có cây được vinh danh. Quận Đồ Sơn có nhiều nhất là 51 cây được vinh danh do có rừng cây thị cổ và cây đa; tiếp theo là huyện Vĩnh Bảo với 15 cây. Hải Phòng có 17 loài cây được vinh danh như đa, gạo, si, thị… đặc biệt là cây Mắm Trâu và Muồng Ràng Ràng là giống cây quý hiếm đã được các chuyên gia hàng đầu cả nước nghiên cứu, thẩm định. Thành phố cảng chúng ta cũng có một số cái “độc” như cây gạo tại Đền Mõ-Kiến Thuỵ được xác định có tuổi đời hơn 800 năm; cây đa 13 gốc là cây di sản nhiều gốc nhất cả nước; có rừng cây di sản là thị và đa tía ở Đồ Sơn…
PV: Gắn bó với cây di sản từ nhiều năm nay, ông thấy những “cái được” nào từ hoạt động trên?
Ông Trần Văn Đức: Phần lớn các cây di sản trên địa bàn thành phố gắn với các đình, đền, chùa tại các địa phương nên việc vinh danh cây di sản cũng gắn với lịch sử, giá trị văn hoá, tâm linh của các di tích. Cũng thông qua hoạt động vinh danh cây di sản mà chính quyền, nhân dân địa phương tìm tòi, nghiên cứu, hiểu rõ hơn về lịch sử đình, đền, chùa làng mình. Hầu hết quá trình báo cáo, mời các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu, thẩm định và lễ vinh danh cây di sản đều được thực hiện bằng nguồn xã hội hoá của các con em trong dòng họ và địa phương. Họ chung tay bằng cả cái tâm và niềm tự hào về quê hương mình.
Cuối cùng, với những người làm công tác nghiên cứu khoa học như chúng tôi thì hoạt động vinh danh cây di sản có cái được rất quan trọng đó là lưu giữ, bảo vệ những loài cây có nguồn gen quý hiếm. Đơn cử như cây Mắm Trâu và Muồng Ràng Ràng thì không phải quốc gia nào cũng có.
PV: Ông có thể cho biết những ý tưởng mới trong hoạt động vinh danh cây di sản trong thời gian tới không, thưa ông?
Ông Trần Văn Đức: Sau khi khảo sát, Hội Bảo vệ Môi trường thành phố dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ để trình Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thẩm định, vinh danh từ 4-5 cây. Đặc biệt, Hội Bảo vệ Môi trường Hải Phòng dự định sẽ thành lập các Chi hội cây di sản để Ban quản lý bảo vệ cây di sản các địa phương, dòng họ có thể trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ cây khi có gió bão, sâu bệnh… Nhất là kết nối các điểm tham quan di tích gắn với sự độc đáo của cây di sản để tăng giá trị văn hoá, lịch sử của các tour du lịch trên địa bàn thành phố.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Kim Oanh thực hiện
14:29 23/11/2024