Phải tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát

12:36 10/04/2020

Sáng 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid – 19.

Tham dự tại điểm cầu Hải Phòng có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Thành; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sau hơn 3 tháng kể từ thời điểm bùng phát, tác động của dịch Covid – 19 đối với nước ta rất nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân. Đồng thời tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động việc làm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô…

Quang cảnh tại điểm cầu Hà Nội

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước quý I chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 đến nay. Các lĩnh vực nông – lâm nghiệp – thủy sản gần như không có tăng trưởng. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm mạnh, chỉ tăng 5,28%. Khu vực dịch vụ chỉ tăng 3,27% do hoạt động du lịch, dịch vụ vận tải hành khách, lưu trú, ăn uống từ tháng 3 đến nay gần như dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn nguyên liệu đầy vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm…

Tại Hải Phòng, thời gian qua, toàn hệ thống chính trị thành phố đã vào cuộc quyết liệt phòng chống dịch Covid – 19 theo phương châm “chống dịch như chống giặc”. Đến thời điểm này, Hải Phòng đã bước đầu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid – 19, tập trung cách ly, không để lây lan. Hiện thành phố chưa có ca nhiễm Covid – 19, được nhân dân thành phố tin tưởng, đánh giá cao.

Mặc dù dịch bệnh đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhưng tình hình kinh tế - xã hội thành phố quý I/2020 vẫn cơ bản duy trì ổn định và phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 14,9%. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 22,77%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,16%; thu nội địa tăng 11,8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước 30.663 tỷ đồng, tăng 2,74%. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid – 19 cũng đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực như: thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm 3,6%, khách du lịch giảm 14,94%, sản lượng hàng hóa qua cảng giảm 5,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 15,3%...

Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại cuộc họp

Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, đến ngày 31-1, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân là 10.199,4 tỷ đồng, đạt 82,5% kế hoạch UBND TP giao. Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, đến ngày 31-3-2020, vốn giao kế hoạch năm 2020 đã giải ngân được 236,764 tỷ đồng, đạt 1,92% kế hoạch vốn. Vốn kéo dài từ năm 2019 sang đã giải ngân 85,294 tỷ đồng, bằng 4,7% vốn kéo dài.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi. Do vậy cả nước cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về cách ly xã hội.

Về tác động tới kinh tế-xã hội, dịch COVID-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Phải biến nguy thành cơ, sau dịch COVID-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu về giải pháp cấp bách trên các lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm ngay việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì sẽ báo cáo, xin ý kiến ngay sau hội nghị này. “Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế-xã hội”.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Thành phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng

Về gói chính sách tiền tệ (300.000 tỷ đồng), tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới, ngành ngân hàng cả nước đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Về chính sách tài khóa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa.

Thủ tướng yêu cầu, phải thay đổi cách làm và triển khai quyết liệt hơn. Đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tinh thần chung là càng khó khăn, chúng ta càng tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh vai trò của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn, Thủ tướng cho biết, trong khi Hải Phòng tăng trưởng gần 15% GDP trong quý I, Hà Nội chỉ tăng trên 3,7% và TPHCM chỉ tăng 1%. Thủ tướng đề nghị các địa phương nỗ lực cùng Chính phủ và cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm. Cần kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu giải ngân, nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…

Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Về bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh khó khăn này, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và tất cả các địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể, đặc biệt là nạn trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp, làn sóng di cư lao động, người dân trở lại khu vực nông thôn, hành vi đầu cơ nâng giá, đồng thời, có các biện pháp trấn áp các hành vi chống phá của thế lực thù địch, lợi dụng tình hình khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị

Thủ tướng khẳng định, dịch Covid – 19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là hết sức quan trọng và cần thiết. Phải tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát…

PV

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông