Phạm Ngà-Thơ và Trường ca

09:57 09/08/2019

“Thơ và Trường ca” là một tuyển tập chắt chiu những gì quý báu nhất của nhà thơ-nhà giáo Phạm Ngà cả một thời tuổi trẻ cho đến nay. Đọc “Thơ và Trường ca”, người đọc dường như hiểu được một đời thơ Phạm Ngà - một người say thơ, sống hết mình cùng thơ, vì thơ, mê mải đi tìm cái chân giá trị của thơ, tạo được một bút pháp phong cách riêng cho mình.

Nhà thơ Phạm Ngà sinh năm 1944 tại Hà Nội. Từ ngày còn ngồi trên ghế trường phổ thông, là sinh viên Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội rồi những năm đầu ra nhận công tác, Phạm Ngà đã có những bài thơ đầu tay: Nghe tiếng ve kêu; Quê em; Lửa Hải Phòng… in trên Văn nghệ Quân đội, Cứu quốc; Thống Nhất… gây được ấn tượng trong bạn đọc.

Sau này ông không chỉ là một nhà giáo-nhà thơ mà còn là Giám đốc, Tổng Biên tập của một Nhà xuất bản. Dù ở vị trí nào ông cũng là người sống hết mình vì thơ.

“Thơ và Trường ca” của Phạm Ngà bao gồm nhiều tác phẩm thơ và trường ca của tác giả đã được xuất bản trước đó. Trong phần thơ, người đọc được thưởng thức những câu thơ, tứ thơ giàu sức sáng tạo, nhiều suy cảm của các tập “Hoa nắng” (1981), “Lời ru con của người yêu cũ” (1991); “Trầm tư” (1995); “Mảnh vỡ” (2001); “Đêm trở giấc” (2018).Trong phần trường ca, có 2 tác phẩm được tác giả Phạm Ngà giới thiệu tới bạn đọc là “Đi dọc thời mình” và “Độc thoại mưa”.

Đọc tập thơ “Hoa nắng”, ta cảm nhận được tình cảm nồng nàn, thẳm sâu mà lãng mạn của tác giả đối với mảnh đất, con người quê hương.

Yêu đến thế khi đọc những câu thơ “Nhà tôi ở quay về phương mặt trời/Biển quanh năm gối đầu trong giấc ngủ/Tiếng sóng như đập cửa/Trời thì cao và đất thẳm sâu/Nên tình yêu đầu/Là ngàn năm sóng vỗ…” (Lời của sóng).

Người đọc thực sự ấn tượng với sắc thăm thẳm của “Màu hoa gạo trên đảo Đình Vũ” được miêu tả trong thơ Phạm Ngà: “Chợt ngẩng nhìn: đường đột màu hoa/Bông hoa gạo đỏ trong ảo giác/Giữa hiếm hoi một vùng khô khát/Những chùm hoa thăm thẳm đến nao lòng…”.

Tập thơ “Lời ru con của người yêu cũ” của tác giả Phạm Ngà, người đọc như được sống trong một miền hoài niệm, đầy yêu đương, nhớ nhung, luyến tiếc: “ Dừng chân bất chợt lắng nghe/Tiếng ru mới mẻ gọi về xa xôi/Điệu ru quen thuộc bao đời/Mà xao xuyến, mà bồi hồi tiếng ru/Một thời thân thiết dạo xưa/Người con gái ấy bây giờ ru đây/Tròng trành tiếng gió tiếng mây/Nửa ru bé ngủ, nửa lay gọi lòng…”(“Lời ru con của người yêu cũ”).

Hay những câu thơ trong “Biển không em”: Con sóng nào ném anh lên đây/Như vỏ ốc hà trụi trơ bờ cát/Anh thảng thốt một cái gì đánh mất/Như suốt đời tìm kiếm điều chi/Biển chưa vào hè, em đã ra đi/Lúc biển vãn người, em lại chưa tới/Anh là lượn sóng không thôi mệt mỏi/Giữa mênh mông rán sức rượt xô bờ…

Ở tập “Trầm tư”, “Mảnh vỡ”, “Đêm trở giấc” tác giả Phạm Ngà như đang bộc bạch lòng mình với bao chiêm nghiệm, suy tư, có chút đớn đau, xót xa trước cuộc đời. Tác giả Vũ Quốc Văn từng cảm nhận: Phạm Ngà là người thủy chung với thơ ca truyền thống, nhưng không vì thế mà anh thỏa mãn, bằng lòng với cái đã có. Anh luôn đau đáu trăn trở tìm đường, mở lối để bứt phá, và không ngừng tự đổi mới thơ mình. Đổi mới thơ nhưng quyết không làm lạ thơ, anh vẫn giữ được phong cách dung dị mà sâu sắc, đằm thắm trên từng thi phẩm. Đọc những tập thơ của ông ta thấy rất rõ điều đó.

Khi đọc Trường ca “Độc thoại mưa” tác giả Vũ Quốc Văn lại khẳng định: đây là một minh chứng cho sự ứng xử mềm mại uyển chuyển nhưng rất sáng tạo của Phạm Ngà trước mê lộ trường phái, trào lưu và cả sự lạm phát, bội thực thơ ca của thời hiện tại. Những gì đang dung chứa, ký thác, gửi gắm bằng cả cái tâm lẫn cái tình của tác giả trong trường ca này là rất đáng trân trọng. Độc thoại mưa, có lẽ là một tác phẩm tiêu biểu của thơ Phạm Ngà về tầm vóc phổ quát, vốn cảm thức và cảm xúc sung mãn cùng bản ngã của tác giả. Và có lẽ đây cũng là điều may mắn của duyên kiếp và một cơ may phát tiết không dễ gì bắt gặp trong đời của người cầm bút.

Bên cạnh đó, trường ca “Đi dọc thời mình” cũng là một tác phẩm ấn tượng. Ở mỗi tác phẩm, nhà thơ nói điều tưởng như chẳng mới mẻ gì, nhưng anh vẫn cứ nói như là một điều tự răn, tự ngẫm sau những năm tháng trải nghiệm cuộc đời. Từ những thực tế trải nghiệm cuộc sống, ông như đã thấu tỏ muôn nỗi thăng trầm, buồn vui, được mất của thân phận người. Phải chăng là thế nên qua thời gian, Phạm Ngà mới có cơ hội gửi vào từng con chữ, từng dòng thơ những gì ấp ủ, tinh lọc, căn cốt tâm đắc nhất của anh hiến dâng cho bạn đọc.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông