Phấn đấu 100% trẻ em bị bệnh tim được phát hiện, phẫu thuật kịp thời

    09:58 18/10/2018

    Trong 5 năm (từ 2013- 2018), trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 171 trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật miễn phí một phần và 100% kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau. PV Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quý Hưng- Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng về những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc triển khai trong thời gian tới.

    PV: Ông có thể thông tin nhanh về tình hình trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh tại Hải Phòng từ năm 2013 đến năm 2018?

    Ông Đỗ Quý Hưng: Qua khảo sát của cơ quan chức năng, tổng số trẻ mắc bệnh tim từ năm 2013 đến 2015 trên địa bàn thành phố có khoảng 200 lượt bệnh nhi/năm. Những năm gần đây, nhờ được khám, tư vấn sàng lọc, tỉ lệ trẻ bị bệnh tim bẩm sinh giảm nhiều còn khoảng 100 lượt bệnh nhi/năm. Trong 5 năm (từ 2013- 2018), trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 171 trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật miễn phí một phần và 100% kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau.

    Số trẻ này sẽ được chỉ định phẫu thuật tại: Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện tim Hà Nội, Bệnh viện Vinmec. Ngoài ra, hàng năm TP. Hải Phòng cũng ký kết các chương trình ngoại giao để đưa trẻ đi phẫu thuật tại nước ngoài, cụ thể là Hàn Quốc. 

    Ông Đỗ Quý Hưng- Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng trả lời PV Báo ANHP 

    PV: Với trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh phải đủ những điều kiện nào mới được tiếp cận chương trình phẫu thuật của Quỹ, mức hỗ trợ cụ thể như thế nào?

    Ông Đỗ Quý Hưng: Hiện có 2 nhóm đối tượng được Quỹ hỗ trợ kinh phí mẫu thuật tim với chính sách hỗ trợ cụ thể như: Nhóm đối tượng 1 trẻ em có thẻ BHYT (thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật). Đối tượng này được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, phẫu thuật theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm y tế, ngân sách thành phố thanh toán phần chi phí phẫu thuật còn lại mà Quỹ Bảo hiểm y tế không thanh toán; và Quỹ hỗ trợ thêm (tiền ăn không quá 50.000đ/trẻ/ngày, trong thời gian không quá 15 ngày; hỗ trợ đi, về theo giá phương tiện công cộng).

    Nhóm đối tượng 2, là trẻ không thuộc đối tượng 1, đã có chỉ định phẫu thuật, có thẻ bảo hiểm y tế, gia đình có hoàn cảnh khó khăn (cha/mẹ bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp mất sức lao động 61% trở lên; gia đình có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo, gia đình gặp phải tai nạn, rủi ro, thiên tai…). Đối tượng này được quỹ hỗ trợ 50% kinh phí phẫu thuật tim sau khi trừ phần Bảo hiểm y tế đã thanh toán và tiền ăn, tiền đi lại (tiền ăn 50.000đ/trẻ em/ngày, trong thời gian không quá 10 ngày, 50% tiền đi, về theo giá phương tiện công cộng hiện hành) từ nguồn xã hội hóa chênh lệch mà Quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán, phần còn lại gia đình trẻ em tự đóng góp. đồng thời quỹ hỗ trợ thêm.

    Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, đại đa số trẻ em thuộc nhóm đối tượng 2 đều được Quỹ vận động các tổ chức, các nhà tài trợ hỗ trợ 100% kinh phí phẫu thuật tim, gia đình không phải đóng góp kinh phí. Đến nay, các bệnh nhi tim được chỉ định phẫu thuật thường dưới 5 tuổi do Quỹ đã giải quyết gần như triệt để số bệnh nhi tim bẩm sinh tồn đọng, không được phẫu thuật do thiếu kinh phí. Hiện nay Quỹ vẫn tiếp tục vận động để hỗ trợ cho các trường hợp bệnh nhi tim phát sinh.

    PV: Hiện tại sức khỏe của các trẻ được phẫu thuật ra sao?

    Ông Đỗ Quý Hưng: Đại đa số các bệnh nhi sau khi phẫu thuật đều phục hồi sức khỏe tốt. Nhiều trẻ đã tham gia học tập, sinh hoạt và vận động bình thường như bao trẻ em khác. Các bệnh nhi sơ sinh sơ sinh, nhỏ tuổi đều ăn uống, tăng cân đều và có sức khỏe ổn định.  

    PV:  Trong quá trình triển khai chương trình khám, phẫu thuật tim Quỹ có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

    Ông Đỗ Quý Hưng: Cùng với những thuận lợi trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là chương trình phẫu thuật tim cho trẻ em trên địa bàn thành phố thì hiện nay khi triển khai chương trình cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, do chưa thiết lập được cộng tác viên tại xã, phường nên công tác hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Quỹ thường phải phối hợp với phòng LĐ-TB&XH các quận (huyện) để triển khai. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ tại địa phương rất mỏng, thiếu, nên vẫn chưa thể tiếp cận hết các đối tượng bị bệnh tim bẩm sinh.

    Nhiều bệnh nhi tim bẩm sinh nặng phải chuyển lên Hà Nội phẫu thuật, việc đi lại, trông coi đối với những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn là rất tốn kém, vất vả. Một số gia đình nghèo, khó khăn chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của con em mình do phải mưu sinh cuộc sống. Đôi khi có thái độ không hợp tác, gây khó khăn cho công tác hỗ trợ các đối tượng.  

    PV: Xin cảm ơn ông vì những thông tin chia sẻ trên!

    TRUNG KIÊN thực hiện

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông