Phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong Giáo dục

    20:29 09/12/2020

    Tại Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào sáng 9-12 tại Hà Nội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, mục tiêu của ngành giáo dục là phấn đấu để Việt Nam sẽ trở thành một trong các quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD-ĐT.

    Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì hội thảo

    Hội thảo do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn, lãnh đạo các trường ĐH trên cả nước, các Sở GD-ĐT các địa phương.

    Tại hội thảo, các ý kiến trao đổi của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và các tập đoàn công nghệ, một số cơ sở giáo dục và đào tạo đều có chung nhận định: Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục và đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đã xác định vai trò của chuyển đổi số là rất quan trọng trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc chuyển đổi số của ngành Giáo dục cũng sẽ góp phần thực hiện thành công “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

    Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, thực hiện tốt chuyển đổi số ngành GD-ĐT sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới.

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, ngành Giáo dục có nhiệm vụ quan trọng là đào tạo những công dân có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, trở thành những công dân toàn cầu. Sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan và các tập đoàn công nghệ tại hội thảo là cam kết quan trọng của các bên trong việc thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. “Chúng ta làm tốt nhiệm vụ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng GD-ĐT mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT coi là đột phá trong những năm tới đây”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

    Không phải đến bây giờ việc chuyển đổi số mới được nhắc tới mà đã được thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, giáo viên, học sinh thích ứng tốt với dạy và học trực tuyến. Đến nay, Bộ GD-ĐT đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý của ngành giáo dục (53.000 trường học mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất...), hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn, lương...); cùng với các thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học, tài chính, báo cáo chuyên sâu về dạy-học ngoại ngữ…

    Bộ GD-ĐT đã hợp tác với Đề án Tri thức Việt số hóa xây dựng và phát triển kho học hiệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) gồm: phát triển được gần 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông, đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, trên 7.500 luận án tiến sĩ. Đây là những tài liệu giảng dạy, học tập quan trọng để trên cơ sở đó, các nhà trường, giáo viên và học sinh có thể khai thác, sử dụng hiệu quả trong quá trình giảng dạy và học tập.

    Lãnh đạo các Sở GD-ĐT các địa phương tham dự hội thảo

    Bộ trưởng Nhạ chỉ rõ, việc cần làm là tổ chức lại, làm bài bản để hiệu quả cao hơn. "Vừa rồi, ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu mã số định danh tất cả cơ sở giáo dục, học sinh, giáo viên. Đây có thể coi là bước tiến, nhưng cơ sở dữ liệu này vẫn cần được xây dựng trên nền tảng công nghệ chung của quốc gia để tăng hiệu quả", ông nói. Việc xây dựng tài nguyên số, học thuật số cũng cần thực hiện trên nền tảng công nghệ thống nhất để việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là học tập từ xa, học tập suốt đời hiệu quả, mang lại giá trị. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng cần xây dựng đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp. Các trường đại học được yêu cầu rà soát để mở mã ngành chưa có trong truyền thống nhằm phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo ra các kỹ sư chuyên nghiệp. Bộ đã làm với một số đại học Việt Nam và nước ngoài để phát triển đội ngũ này.

    Tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận, thống nhất các nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định sẽ cam kết đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục và đào tạo trong hành trình thực hiện chuyển đổi số.

    Trong khuôn khổ hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ký kết hợp tác với một số tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

    HẢI HẬU tổng hợp

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông