Phật giáo Hải Phòng với các cuộc kháng chiến vệ quốc

13:17 19/09/2020

Vừa qua tại chùa Phổ Chiếu, Thành hội Phật giáo phối hợp Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò, đóng góp của Tăng ni, Cư sỹ Phật giáo Hải Phòng (dưới đây xin gọi tắt là Phật giáo) trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”. Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa, ghi nhận những đóng góp to lớn của Phật giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội thảo khoa học tại Chùa Phổ Chiếu (quận Lê Chân - Hải Phòng)

          Theo Tiến sỹ Hoàng Văn Kể - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT TP, hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các chư tôn, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, đại đức, tăng ni, Phật tử cùng nhiều nhà nghiên cứu, học giả, các nhà khoa học, quản lý cũng như các cấp các ngành thành phố tham dự.

Trong đó, 14 báo cáo khoa học và ý kiến tham luận đã làm nổi bật vai trò của Phật giáo Hải Phòng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

          Trải qua hàng nghìn năm lịch sử Phật giáo có tầm ảnh hưởng rất lớn trong đời sống xã hội Việt Nam, bên cạnh đội ngũ các tăng ni, cư sỹ, Phật tử, niềm tin hướng Phật cũng phổ biến.

Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, ở nước ta gần như làng nào cũng có chùa, có làng tới vài ngôi chùa, với tâm Phật, tính Phật, người theo Phật không thể làm điều ác. Chính vì thế, lý tưởng cách mạng hướng tới cuộc sống “độc lập – tự do – hạnh phúc” cho dân tộc đã được Phật giáo hưởng ứng, chùa là nơi nuôi dưỡng cán bộ kháng chiến, nơi nuôi quân, chạy chữa cho thương binh đã trở thành lẽ đương nhiên.

Một số liệu thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có 618 ngôi chùa do Thành hội Phật giáo quản lý. Trong đó có rất nhiều chùa được công nhận di tích lịch sử, tiêu biểu có thể kể như chùa Dư Hàng (Lê Chân), thời thuộc Pháp đây là nơi diễn ra các phong trào yêu nước như để tang nhà hoạt động chính trị Phan Chu Trinh, đòi ân xá danh sỹ cách mạng Phan Bội Châu, cũng là nơi phát động các phong trào khởi nghĩa, đóng góp tiền của cho các cuộc kháng chiến.

Ông Nguyễn Khắc Phòng (Hội Khoa học lịch sử thành phố) cho biết, Phật giáo Hải Phòng tham gia mạnh mẽ với nhiều hoạt động hưởng ứng cách mạng. Điều đó có thể thấy rõ khi Phật giáo trở thành một lực lượng hết sức quan trọng trong Mặt trận Việt Minh, động viên tăng ni, Phật tử, nhất là thanh niên Phật tử tham gia, góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Nhất là sau khi giành được chính quyền, trước âm mưu hoạt động lật đổ của quân Tưởng Giới Thạch và cuộc tái chiếm của quân Pháp, trong phong trào toàn quốc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tinh thần Phật giáo mà nổi bật ở Thủy Nguyên được khởi xướng rất sớm. Theo cuốn Lịch sử Phật giáo luận: “Từ Nam ra Bắc, đủ các giới tham dự cách mạng. Các đoàn thể Tăng già cứu quốc, Phật giáo cứu quốc của Phú bộ Thủy Nguyên thành lập trước nhất vào ngày 30-8-1945”.

Hầm chỉ huy sở của CATP Hải Phòng được lưu giữ tại chùa Phổ Chiếu

Cũng theo tác giả Nguyên Khắc Phòng, giai đoạn “Toàn quốc kháng chiến”, trong tình hình triệt để, khẩn trương di chuyển ra ngoại thành, hầu hết các chùa ở các ngoại thành… đã trở thành những cơ sở đảm nhận nơi ăn chốn ở cho đồng bào, để lại những ấn tượng tốt đẹp. Tiếng chuông chùa, lời tụng kinh đã góp phần làm vơi đi nỗi buồn người dân đô thị và thấy tự hào với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tản cư cũng là kháng chiến”.

Có thể khẳng định, sự đóng góp của hệ thống nhà chùa và tổ chức Phật giáo Hải Phòng đã đóng góp xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Còn theo Tỳ khiêu Thích Bản Giáo, hưởng ứng phong trào cách mạng, thông qua các chương trình hành động của Việt Minh với tinh thần “Đất nước độc lập”, “Người cày có ruộng”. Phật giáo Hải phòng đã tích cực tham gia các tổ chức “Tăng già cứu quốc”, “Đoàn Phật giáo cứu quốc”, “Bộ đội tăng già”, “Hội Phật giáo cứu quốc”…

Đại đa số các ngôi chùa trên địa bàn thành phố đã trở thành cơ sở cách mạng, nơi dự trữ quân lương, nuôi giấu cán bộ. Có những tăng sỹ trở thành “chiến sỹ áo cà sa ra trận”, tiêu biểu như Thượng tọa Thích Nguyên Tiêu chủ trì một số chùa ở huyện An Dương, hoạt động cách mạng bị địch bắt tại chùa Cảnh Ninh và bị xử bắn ngày 23-6-1947, được Nhà nước công nhận liệt sỹ. Hoặc như sự kiện 15 sư tăng thuộc tổ chức “Bộ đội tăng già” Thủy Nguyên nhập ngũ, xứng đáng là hình tượng yêu nước tiêu biểu của Phật giáo Hải Phòng.

Nói về sự đóng góp của Phật giáo cho các cuộc kháng chiến cứu nước, không thể không kể đến chùa Thắng Phúc ở huyện Tiên Lãng, nơi có 5 nhà sư liệt sỹ.

Về điều này, Thượng tọa Thích Quảng Minh - Trụ trì chùa kể lại, thời kỳ chống Pháp, trụ trì chùa Thắng Phúc là sư tổ Thích Tâm Cẩn đã động viên tăng ni, Phật tử nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, với đạo ngộ “Phật pháp bất ly thế gian, nước còn thì đạo còn, nước mất thì đạo mất, phải cứu nước mới giữ được đạo…”. Đông đảo các tăng ni, Phật tử, người trẻ xung phong vào bộ đội, du kích; người già vào hội “Tăng già cứu quốc”, ủng hộ kháng chiến, tích trữ quân lương, nuôi giấu cán bộ.

5 nhà sư là Hoà thượng Thích Thanh Lãng, Hoà thượng Thích Nguyên Uyển, Sư ông Thích Quảng Tại, Sư bác Thích Quảng Hợp và Sư bác Thích Quảng Tuệ đã anh dũng hy sinh, được truy phong liệt sỹ. Tính chung cả huyện Tiên Lãng trong cuộc kháng chiến chống Pháp có tới 12 liệt sỹ là nhà sư, riêng Hòa thượng Thích Nguyên Uyển còn có 3 pháp môn khác là liệt sỹ.

 Một góc di tích lịch sử Chùa Phổ Chiếu (quận Lê Chân)

Ở khu vực nội thành, nhiều ngôi chùa đã trở thành “địa chỉ đỏ” tiêu biểu. Đáng kể như chùa Phổ Chiếu (Lê Chân) từng là nơi Đại tướng Hoàng Văn Thái hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước thời kỳ đầu ông hoạt động cách mạng, đây cũng là cơ sở của Liên hiệp công đoàn Hải Phòng thời kỳ chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Phổ Chiếu là nơi đặt Sở Chỉ huy của CATP Hải Phòng. Ban trụ trì chùa đã tạo điều kiện giúp CATP giữ bí mật, bảo đảm an toàn cho công tác chỉ huy chiến đấu và lập nhiều thành tích, chiến công.

Ngày nay, dấu tích Sở chỉ huy CATP cũng như các cơ quan khác của Hải Phòng vẫn được lưu giữ trân trọng tại khuôn viên chùa, một minh chứng đậm nét ghi lại sự đóng góp to lớn của Phật giáo Hải Phòng vào các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.

Trở lại với Hội thảo khoa học “Vai trò, đóng góp của Tăng ni, Cư sỹ Phật giáo Hải Phòng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.

 Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Văn Kể, nội dung được đề cập tại hội thảo là những tư liệu khoa học về lịch sử vô cùng quý giá phục vụ cho việc nghiên cứu, tra cứu, giáo dục truyền thống, tri ân, động viên không chỉ đối với các thế hệ Tăng ni, Cư sỹ, Giáo hội Phật giáo Hải Phòng mà cả cho các thế hệ cán bộ đảng viên, công dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống quý báu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo theo tinh thần hộ quốc an dân, bền vững và cách mạng.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông