17:05 06/08/2021 Tỷ lệ người Việt Nam mắc các bệnh về đường tiêu hóa khá cao. Tuy nhiên do tâm lý sợ và ngại đi bệnh viện là nguyên nhân chính khiến diễn biến bệnh trầm trọng thêm. Khám sàng lọc bệnh đường tiêu hóa là việc làm cần thiết giúp bảo vệ sức khỏe và phát hiện sớm nhiều bệnh nguy hiểm.
xử trí kịp thời
Các bệnh về đường tiêu hoá là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, phần lớn là trường hợp bệnh không nguy hiểm. Điều đó khiến người bệnh thường chủ quan, nhập viện điều trị muộn khi bệnh tình diễn biến nặng (khoảng 30 - 50%). Đây là tình trạng đáng báo động về chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân.
Mới đây, người bệnh Lê Văn T, sinh 1966, ở phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) có biểu hiện đỏ da, nóng bừng mặt, chán ăn và mệt mỏi. Đến khám tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, người bệnh được thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái Bình, Trưởng Khoa Khám bệnh thăm khám và tiến hành nội soi tiêu hóa, nội soi đại trực tràng toàn bộ, làm sinh thiết kiểm tra, phát hiện người bệnh có u carcinoid trực tràng đã di căn gan.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái Bình cho biết, Theo số liệu thống kê tại khoa, tỷ lệ người bệnh mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, trong đó có bệnh dạ dày đến bệnh viện điều trị muộn là 30-50%.
Còn theo các bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, mặc dù hiện nay người dân có ý thức hơn trong việc phòng và phát hiện sớm bệnh, tuy nhiên, tỷ lệ người dân tầm soát phát hiện sớm các bệnh về tiêu hoá còn thấp.
Bác sĩ Đặng Chiều Dương, Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa cho biết, theo thống kê, có 10% dân số Việt Nam nhiễm các bệnh về tiêu hóa, nhẹ thì táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng, nặng hơn là viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư... Đáng nói, có đến 70% dân số nước ta mắc và có nguy cơ mắc các bệnh dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Trong đó, bệnh lý phổ biến là viêm dạ dày mạn tính hoặc các biến chứng có thể gặp là loét, chảy máu hoặc thủng dạ dày, hẹp môn vị... Tất cả bệnh nghiêm trọng về đường tiêu hoá đều có thể phòng và điều trị hiệu quả, nhưng phần lớn người bệnh nhập viện trong tình trạng nặng.
Trong số các bệnh về đường tiêu hóa nguy hiểm có ung thư dạ dày - đại tràng. Đây là bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam mà nguyên nhân hàng đầu ở những người có tiền sử viêm loét dạ dày, tá tràng để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Theo thống kê, có hơn 80% số người phát hiện bị ung thư đại tràng khi ở giai đoạn muộn và tỷ lệ tử vong lên tới 70%. Bệnh hay gặp thứ 2 là xuất huyết đường tiêu hóa. Nguyên nhân là do lớp niêm mạc ở đại tràng, dạ dày bị viêm nhiễm nghiêm trọng gây nên căn bệnh viêm loét dạ dày, đại tràng cấp và mạn tính. Tình trạng chảy máu kéo dài dẫn đến ổ loét ăn thủng vào động mạch khiến dạ dày và đại tràng bị tổn thương nghiêm trọng, gây chảy máu ở niêm mạc dạ dày. Không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị mất máu dẫn đến tử vong. Ngoài ra, thủng dạ dày- đại tràng cũng là biến chứng cực kỳ nguy hiểm của bệnh viêm da dày- đại tràng. Khi các vết loét xâm lấn sâu rộng khiến lớp niêm mạc tai dạ dày đại tràng ngày càng mỏng dần. Không điều trị dứt điểm, vết loét ăn mòn tạo thành lỗ thủng tại đại tràng hay trên thành dạ dày. Vết thủng kèm theo xuất huyết, gây mất máu, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị sớm.
Cần tầm soát, phát hiện sớm
Theo các chuyên gia y tế cho biết,do hệ tiêu hóa trải dài, bệnh lý về đường tiêu hóa xuất hiện đa dạng với nhiều biểu hiện khác nhau nên việc chẩn đoán bệnh không đơn giản. Ngoài các triệu chứng lâm sàng của bệnh, các bác sĩ còn cần có sự hỗ trợ đắc lực của xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang, nội soi...
Hiện có nhiều kỹ thuật mới có thể tầm soát phát hiện sớm và điều trị các bệnh về đường tiêu hoá, những tổn thương trong đường tiêu hoá. Trong đó, nội soi siêu âm được đánh giá là “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực nội soi đường tiêu hóa và hiện đang được áp dụng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp và một số Bệnh viện khác trên địa bàn thành phố. Từ các kết quả của nội soi siêu âm, các bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả cao với từng loại bệnh. Kỹ thuật này cũng hỗ trợ đắc lực trong phẫu thuật cắt khối u.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ mắc bệnh về đường tiêu hóa, người bệnh cần đi khám bệnh ở cơ sở y tế càng sớm càng tốt, không nên tự ý điều trị. Việc tầm soát phát hiện sớm các bệnh về đường tiêu hóa rất cần thiết để điều trị kịp thời, tránh bệnh để lâu gây biến chứng.
Để hạn chế mắc bệnh tiêu hoá, người dân cần thực hiện ăn uống lành mạnh. Trước hết để tránh mắc các bệnh liên quan đến vi khuẩn HP cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt, thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi. Để tránh mắc bệnh dạ dày, khi ăn uống cần điều độ, ăn chậm, nhai kỹ, ăn xong không nên nằm ngay, nên ăn nhiều rau, ăn thêm trái cây, uống đủ lượng nước cần thiết. Hằng ngày, nên vận động cơ thể đều đặn, thường xuyên với những phương thức phù hợp điều kiện và sức khoẻ của mình giúp khí huyết luôn được lưu thông, tiêu hoá tốt như các môn thể thao đi bộ, bơi,...
Vũ Duyên
09:09 24/11/2024
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024