02:34 22/02/2016
Ít vận động, ăn uống thả phanh nhiều loại thực phẩm giàu năng lượng… chính là nguyên nhân khiến nhiều người phát hoảng vì tăng cân vù vù sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Không ních nổi váy vì… cỗ bàn suốt Tết Ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết dài, chị Nguyễn Minh An (trú tại Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội) mất cả giờ đồng hồ lựa chọn váy áo. Ướm đến cả nửa tủ quần áo mà chị An vẫn chưa tìm được bộ nào ưng í bởi “xoay ngang hay dọc cũng thấy bụng cả rổ”. Thậm chí, mấy bộ váy dạ mới sắm dịp hạ giá cuối cuối năm vừa qua giờ cũng không ních nổi! Chị An cho hay vốn dĩ chị có khổ người tròn trịa, ăn uống thường phải “giữ mồm, giữ miệng”. Thế nhưng, chỉ sau hơn một tuần “thoải mái” ăn uống, ngủ nghỉ, chị An lên cân không ngờ. Theo lời chị An, vợ chồng chị đều là con út trong gia đình, lại mới cưới nên chẳng bận bịu con cái, cỗ bàn. Suốt mấy ngày nghỉ Tết, hai vợ chồng chỉ đến “ăn trực cỗ bàn” hết bên nội, đến bên ngoại mà không phải mó tay vào bất kỳ việc gì. “Vì cả nhà chiều nên bữa nào cũng sắp mâm toàn món khoái khẩu cả, không từ chối được nên mới thế này”, chị An chia sẻ. Tương tự, anh Hoàng Thanh Long (trú tại Nguyễn An Ninh, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phát hoảng… vì việc ăn uống mấy ngày Tết. Chỉ vào mấy ngón chân sưng vù, đỏ tía, anh Long cho biết: “Mình được cái tốt mời, cứ mời là ăn nhiệt tình. Không chỉ lên cân đâu mà bệnh gout được đà phá đây này. Hai ngày nay phải bóp mồm, bóp miệng rồi, còn dùng cả thuốc trị gout nữa”. Theo phân tích của BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng, sở dĩ, xảy ra tình trạng tăng cân trong dịp Tết là do nhu cầu năng lượng của mọi người giảm hơn do thời gian nghỉ ngơi nhiều, đồng thời hoạt động thể lực, lao động chân tay giảm. Bên cạnh đó, với những người bị thừa cân và béo phì, hàng ngày thường thực hiện chế độ ăn uống hạn chế kiêng khem, tăng cường hoạt động thể lực. Tuy nhiên, trong những ngày Tết, việc ăn uống thường dễ dãi hơn và hoạt động thể lực giảm dễ dàng dẫn tới tăng cân tái phát. Đáng lưu ý bữa ăn trong ngày Tết thường là thức ăn nhiều năng lượng, nhiều chất béo, chất đạm như: Thịt cá, giò xào, bánh, kẹo, bia, rượu hay nước ngọt… lại thiếu các loại rau, củ nên không chỉ khiến mọi người dễ tăng cân mà còn ảnh hưởng không tốt đến người vốn có bệnh gout, huyết áp, tim mạch. Giảm đầu vào, tăng đầu ra Chia sẻ với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trọng Hưng cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát phì sau Tết chủ yếu do khẩu phần ăn và ít hoạt động mà nên. Do vậy, cần thay đổi hai việc này mới mong giảm cân”. Theo đó, trước hết nên “nói lời chia tay” với các loại thực phẩm nhiều năng lượng như: Nước ngọt, nước có ga, bánh, kẹo… Hạn chế tối đa việc sử dụng các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: Thịt mỡ, bơ, pho-mat, nội tạng động vật... Đồng thời, tăng cường dùng các loại, rau, củ, quả vì đây là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ, tốt cho sức khỏe. “Thay đổi cách thức chế biến thức ăn là điều cần thiết giúp bạn giảm cân. Thay thế việc rán, xào bằng cách hấp, luộc để giảm thiểu tối đa lượng chất béo. Và điều không thể thiếu là cần tăng cường vận động”, ông Hưng khuyến cáo. Theo bà Nguyễn Uyển Quỳnh, phụ trách Trung tâm Thể thao Army Fitness – Yoga, bên cạnh chế độ dinh dưỡng để giảm cân an toàn cần có chế độ hoạt động thể thao phù hợp. Bà Quỳnh cho biết, nếu có thể đến các phòng tập hoặc có thiết bị luyện tập thể thao tại nhà, các bạn nên áp dụng các bài tập nhẹ nhàng mà hiệu quả như: Các bài tập xoay bụng, gập bụng, đạp xe, chạy bộ 15-30 phút/ngày. “Hoặc đơn giản hơn cả là vận dụng chính những tầng thang gác trong nhà để luyện tập. Tùy sức khỏe và điều kiện cho phép mỗi người sẽ có lựa chọn cách thức tập thể dục phù hợp và hiệu quả”, bà Quỳnh chia sẻ. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, không nên vội vàng áp dụng các loại thuốc, thực phẩm được quảng cáo giảm cân thần tốc bởi có thể gây hại cho sức khỏe. Trên thực tế, một số biện pháp như: Uống thuốc xổ, ăn kiêng khắc nghiệt... sẽ chỉ làm mất nước, điện giải, kích thích cường giao cảm dẫn đến chán ăn, nôn ói, tiêu chảy để cơ thể giảm cân trong thời gian đầu. Sau khi bù nước thì cân nặng, số đo trở lại bình thường, thậm chí còn tăng lên, vượt xa mốc cũ. Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi người chỉ cần ăn thừa 750 kcal/ngày thì sau 10 ngày đã có thể tăng thêm 1 kg, chưa tính đến việc uống rượu, bia liên tục và thiếu vận động có thể khiến cơ thể tăng lên vài ba kg chỉ sau mấy ngày Tết. Theo các chuyên gia y tế, để lấy lại vóc dáng sau Tết, cần lưu ý ba nguyên tắc cơ bản: Cần quay trở lại chế độ ăn hợp lý, kiểm soát đầu vào chỉ từ 1.400-1.600 Kcal/ngày/người; Hạn chế ăn tinh bột như: Cơm, bánh mỳ, bún phở, bánh kẹo ngọt, các chất béo trong thịt mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ chiên rán; Duy trì tối thiểu 30 phút vận động mỗi ngày bằng môn thể thao phù hợp với điều kiện về sức khỏe, thời gian và tài chính của mỗi người. Theo Vũ Anh/Báo giao thông |
22:29 23/11/2024