Phát huy nội lực, tinh thần thi đua để hoàn thành mục tiêu

17:27 20/12/2014

 

 

Ông Trần Mạnh Hùng
Ông Trần Mạnh Hùng

Kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, đoàn thể thao Hải Phòng giành được 27 HCV, 29 HCB và 28 HCĐ xếp ở vị trí thứ 6/65 đoàn tham dự và được Bộ VH-TT-DL tặng cờ xuất sắc. Để đạt được vị trí này là sự nỗ lực, tinh thần chiến đấu và cống hiến vì màu cờ, sắc áo của toàn thể cán bộ, HLV, VĐV trong đoàn. Sau lễ bế mạc Đại hội, PV Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm đào tạo VĐV, đơn vị chủ lực của đoàn thể thao Hải Phòng về thành tích, nguyên nhân, hạn chế và định hướng phát triển của thể thao Hải Phòng trong thời gian tới…

P/v: Trước hết xin chúc mừng đoàn thể thao Hải Phòng đã giành được vị trí thứ 5 toàn đoàn tại ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 vừa qua. Ông đánh giá như thế nào về thành tích của thể thao Hải Phòng ?

Ông Trần Mạnh Hùng: Đại hội TDTT toàn quốc là sự kiện thể thao được tổ chức 4 năm một lần, thông qua đó để đánh giá sự phát triển của thể thao thành tích cao của các địa phương, đơn vị cũng như giới thiệu những gương mặt xuất sắc cho đội tuyển quốc gia ở các bộ môn. ĐH lần này diễn ra ở một số địa phương và tỉnh Nam Định tổ chức nhiều môn thi đấu nhất. Tại đại hội lần này, các địa phương, đơn vị đều đầu tư cao, quyết liệt để khẳng định vị thế của mình nên việc giành HCV tại ĐH là rất khốc liệt. Trong khi ĐH trước có 903 bộ huy chương và ĐH lần này chỉ còn 743 bộ, như vậy tổng số huy chương vàng giảm đi 160 và khả năng đoạt huy chương có sự cạnh tranh quyết liệt hơn.

Đoàn thể thao Hải Phòng phấn đấu giành 35 đến 40 HCV. Trước ĐH, chúng tôi được sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố cũng như sự chỉ đạo sát sao của Sở VH-TT-DL. Trung tâm đã có sự chuẩn bị ngay từ khi kết thúc ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010 trên cơ sở phân tích lực lượng, đầu tư trọng điểm, tính toán cho từng bộ môn và quyết định đầu tư tập trung vào những môn thể thao trong hệ thống Olympic như: TDDC, bắn cung, cử tạ, đấu kiếm, boxing, vật, nhảy cầu, đua thuyền… và những môn có thể mạnh như thể dục Aerobic, Võ cùng các môn thể thao xã hội hóa như: Bia, khiêu vũ thể thao, cờ tướng.

Những môn thể thao thuộc hệ thống Olympic được Hải Phòng đầu tư trọng điểm

Để nâng cao chất lượng luyện tập và thi đấu, trung tâm cũng đề xuất với Sở VH-TT-DL, UBND TP tăng cường đầu tư thi đấu các giải trong nước, quốc tế, mời chuyên gia nước ngoài, tổ chức tập huấn nước ngoài cho các bộ môn trọng điểm, giúp các VĐV có điều kiện cọ xát, nâng cao thành tích. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức phát động các phong trào thi đua trong toàn trung tâm để phát huy tinh thần cống hiến của cán bộ, HLV, VĐV tại ĐH lần này. Công tác hậu cần đã theo sát các bộ môn, phục vụ đắc lực hiệu quả trong quá trình tập luyện, đào tạo, thi đấu.

Chính vì vậy, đoàn thể thao Hải Phòng đã phát huy nội lực, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo và đã giành được tổng số 34 HCV, 29 HCB và 28 HCĐ, xếp ở vị trí thứ 5 toàn đoàn các VĐV đã phá 5 kỷ lục Đại hội, 2 kỷ lục Quốc gia. Mặc dù không đạt được số huy chương vàng như mục tiêu đề ra nhưng Hải Phòng vẫn hoàn thành được nhiệm vụ đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng tại ĐH và được nhận cờ xuất sắc của Bộ VH-TT-DL.

P/v: Hải Phòng có khá nhiều đối thủ cạnh tranh, ông đánh giá như thế nào về các đối thủ và khả năng về đích hoàn thành mục tiêu của đoàn thể thao Hải Phòng?

Ông Trần Mạnh Hùng: Ngoài những trung tâm mạnh như Hà Nội, TP. HCM hay Quân đội thì Hải Phòng gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của Thanh Hóa, Đà Nẵng, An Giang, Hải Dương… Chúng ta có lực lượng khá mỏng so với các đối thủ, đơn cử như Hải Phòng có 270 VĐV được ăn ở tập trung để phục vụ thi đấu của 33 môn, nội dung. Nhưng các đối thủ như Thanh Hóa, Đà Nẵng đều có số quân đông gấp đôi và họ còn chuyển nhượng các VĐV chất lượng cao.

Về đầu tư thi đấu quốc tế hay tập huấn hoặc các tuyến trẻ, năng khiếu, họ đều được đầu tư lớn hơn cũng như cơ sở vật chất phục vụ luyện tập tốt hơn… Tuy nhiên, Hải Phòng có lợi thế riêng bởi chúng ta là trung tâm thể thao có truyền thống, các VĐV, HLV đều có tinh thần cống hiến hết mình vì màu cờ, sắc áo. Chính vì vậy, chúng ta đã khắc phục được khó khăn, vươn lên giành được vị trí thứ 5 chung cuộc tại ĐH.

P/v: Ông đánh giá như thế nào về lực lượng VĐV của Hải Phòng tại Đại hội và định hướng phát triển trong thời gian tới?

Ông Trần Mạnh Hùng: Về cơ bản VĐV Hải Phòng đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Tuy nhiên, tại ĐH lần này, các VĐV gạo cội như: Hà Thanh, Hữu Việt, Hồng Thủy, Đào Trọng Kiên… đều giữ được phong độ cao trong khi VĐV trẻ ngày càng trưởng thành và cho thấy tiềm năng phát triển rất tốt, thậm chí giành HCV tại ĐH như ở các môn: đua thuyền, điền kinh, bơi lội, cử tạ, boxing…

Những môn thể thao thuộc hệ thống Olympic được Hải Phòng đầu tư trọng điểm
Những môn thể thao thuộc hệ thống Olympic được Hải Phòng đầu tư trọng điểm

Tôi cho rằng nếu được đầu tư tốt thì các VĐV trẻ hoàn toàn có thể phát triển và thi đấu giành thành tích cao cũng như là những gương mặt chủ lực ở cấp độ đội tuyển cũng như sẽ là lực lượng chủ công ở ĐH tới để đưa Hải Phòng vượt qua thành tích của kỳ ĐH lần này. Ngay sau ĐH, chúng tôi sẽ ngồi lại phân tích, tổng hợp và đánh giá ưu, khuyết điểm của từng bộ môn để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ ĐH tới.

Những môn thể thao thuộc hệ thống Olympic được Hải Phòng đầu tư trọng điểm
Những môn thể thao thuộc hệ thống Olympic được Hải Phòng đầu tư trọng điểm

Theo tôi, để phát triển thể thao Hải Phòng trong thời gian tới cũng như đủ sức mạnh cạnh tranh với những đơn vị, địa phương khác, chúng ta cần tăng số lượng VĐV tập trung đào tạo tối thiểu cũng cần phải có 350 VĐV. Bởi với 270 VĐV như hiện nay trải đều ở 28 môn thể thao thì sẽ rất khó khăn bởi lượng đổi, chất mới đổi. Mục tiêu của thể thao Hải Phòng là đầu tư vào những môn thể thao Olympic nên chúng ta cần nhiều tuyến hơn cũng như số lượng VĐV lớn hơn để tạo nguồn lực, xây dựng lực lượng nâng cao chất lượng luyện tập, thi đấu. Thông qua đó để xác định những môn thể thao cần đầu tư trọng điểm để tổ chức mời chuyên gia, thi đấu cọ xát nâng cao chất lượng chuyên môn, thành tích.

Để phát triển tốt và bền vững như truyền thống của thể thao Hải Phòng cũng như tương xứng với vị thế của thành phố, Hải Phòng cần được đầu tư tốt hơn về con người bằng những biện pháp cụ thể như: nâng cao số lượng VĐV tập trung ở các tuyến, đầu tư cho cơ sở phát hiện những VĐV tiềm năng cũng như đầu tư thi đấu quốc tế, mời chuyên gia để nâng cao chất lượng huấn luyện cho cả HLV và VĐV. Có chính sách hỗ trợ, phát triển cũng như tranh thủ nguồn vốn từ trung ương để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ luyện tập và thi đấu…

Được như vậy, thể thao Hải Phòng hoàn toàn có thể phát huy được nội lực của mình, phát triển xứng tầm với vị thế và truyền thống của thành phố và cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ ở mọi đấu trường, từ trong nước đến quốc tế.

P/v: Xin chân thành cảm ơn ông !

Phan Tuấn thực hiện


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông