18:03 15/12/2014
Ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra quyết định thành lập Liên khu 3 trên cơ sở hợp nhất Chiến khu 2 và Chiến khu 3 (sau đó, Liên khu 3 tách ra thành Khu 3 và Khu Tả ngạn, tiếp đó hợp nhất thành Quân khu 3, rồi lại được tách ra thành Quân khu Tả ngạn và Quân khu Hữu ngạn). Đến tháng 7-1976, Quân khu Tả ngạn và Quân khu Hữu ngạn hợp nhất thành Quân khu 3. Và ngày 31-1 -1945 được lấy làm ngày truyền thống của LLVT Quân khu 3… Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, châu thổ sông Hồng là chiến trường nóng bỏng, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Tại đây, nhân dân và LLVT Liên khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực đánh hơn 78.600 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 nghìn tên địch, phá hủy và thu hơn 42.000 súng các loại, hàng trăm ngàn phương tiện chiến tranh. Đây cũng là nơi diễn ra cuộc “Chiến tranh du kích” điển hình của cả nước, làm cho địch phải khiếp vía kinh hoàng. Các địa danh như: Nguyên Xá (Thái Bình), Liên Minh (Nam Định), Hùng Thắng (Hải Phòng), Tam Nông (Hưng Yên)… cùng với “Sấm đường 5”, “Cát Bi rực lửa”, “Đường 10 quật khởi”… trở thành niềm tự hào của dân tộc, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giải phóng hoàn toàn miền Bắc; đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nhưng rồi bất chấp Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và trực tiếp đưa quân vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới với quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt, dã man, tàn bạo nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Trước vận mệnh của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, quân và dân Quân khu 3 lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ và lập bao chiến công hiển hách. Quân và dân quân khu đã đón 20 vạn đồng bào từ miền Nam ra Bắc tập kết; hoàn thành cải cách ruộng đất, tích cực chống giặc đói, giặc dốt, phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng lực lượng vững mạnh… Khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, quân và dân Quân khu 3 tiếp tục thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 duy trì thường xuyên và đổi mới công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, để cán bộ chiến sĩ toàn lực lượng tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”; tăng cường công tác huấn luyện, xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Với truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng”, LLVT Quân khu, các cơ quan đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo hậu cần trong mọi tình huống; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố xây dựng hậu cần quân sự địa phương; kết hợp giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Trong công tác chính sách hậu phương quân đội, LLVT quân khu có nhiều cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực. Những năm qua đã có hàng ngàn lượt CBCS, dân quân tự vệ, đóng góp hàng trăm ngàn ngày công giúp nhân dân thu hoạch mùa màng, làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi, các công trình dân sinh, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. CBCS trong LLVT quân khu đã quyên góp ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho các quỹ xã hội, tặng 982 sổ tiết kiệm trị giá 2,6 tỷ đồng, xây dựng hơn 300 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà “mái ấm công đoàn” cho các đối tượng chính sách, phụng dưỡng 204 bà mẹ Việt Nam anh hùng. 69 năm qua, quân và dân Quân khu 3 đã có những đóng góp to lớn sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam. Trong đó, có 217.161 liệt sỹ, 97.618 thương binh… Với những thành tích xuất sắc đó, LLVT quân khu đã được Đảng, nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Sao Vàng, 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 5 Huân chương Độc lập cùng nhiều phần thưởng khác tặng các tập thể, cá nhân. Hồng Hải |