Phát triển cảng biển Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2045: Phải rõ tính chất đặc thù

10:15 15/02/2019

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp, cho ý kiến về Đề án phát triển dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ngày 12-2.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổ công tác Đề án và đơn vị tư vấn cần bổ sung, cập nhật thêm số liệu, tình hình thực tế để đưa giải pháp, kế hoạch, dự báo, dự đoán phát triển cho phù hợp; phân tích sâu hơn về hiện trạng một số cảng biển lớn để đưa ra giải pháp áp dụng cho Quảng Ninh, phải rõ tính chất đặc thù, không cạnh tranh mà là hỗ trợ, bổ sung cho các cảng của Hải Phòng.

Đặc biệt, quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của hệ thống cảng hành khách, bởi đây đang là xu hướng phát triển dịch vụ riêng có của Quảng Ninh trong hành trình nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; hạ tầng logictis, nhất là đối với KKT Quảng Yên. Trong giai đoạn trước mắt cần tập trung khắc phục những mặt hạn chế, đề ra những giải pháp để tăng doanh thu, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Đồng hành cùng mục tiêu của Chính phủ, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, Quảng Ninh đang dành sự ưu tiên, tập trung phát triển kinh tế biển, trong đó các dịch vụ cảng biển sẽ dựa trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về điều kiện vị trí địa lý và GTVT; phát triển dịch vụ cảng biển đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, phục vụ có hiệu quả việc phát triển kinh tế cảng biển, thương mại của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua tại các cảng biển Quảng Ninh đạt 80,1 triệu tấn, chiếm 38,3% tổng sản lượng hàng hóa nhóm cảng biển số 1, đây mới chỉ khai thác được khoảng 50% năng lực hiện có. Để phát huy lợi thế, đưa dịch vụ cảng biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp vào tăng trưởng GRDP, Quảng Ninh đã triển khai lập Đề án phát triển dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của các đơn vị tại cuộc họp, lợi thế cảng biển Quảng Ninh chưa được phát huy tối đa bởi: cảng biển còn đơn giản, ứng dụng CNTT trong quản lý và khai thác cảng biển mới chỉ ở mức cơ bản, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, trang sắm thiết bị và phương tiện còn thiếu, chưa có nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, nhất quán, chưa tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư…

Theo Đề án phát triển dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, quan điểm phát triển sẽ gắn kết, phù hợp chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Giai đoạn đến năm 2030 sẽ phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng nhanh, đồng bộ, hiện đại theo chuẩn quốc tế gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp; tập trung nguồn lực đầu tư các bến cảng tại khu vực tiềm năng; ưu tiên hình thành chuỗi dịch vụ cảng biển gắn liền với hoạt động kinh tế, giao lưu thương mại quốc tế, phát triển tối thiểu 15/20 dịch vụ.

Đến năm 2045 định hướng phát triển cảng biển và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác, phát triển 20/20 dịch vụ. Mục tiêu cụ thể: Tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đến 2025 đạt khoảng 14.500 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng trung bình mỗi năm đạt 14,5%, tỷ trọng đóng góp vào GRDP đạt 6-8%; đến năm 2030, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng trung bình mỗi năm đạt 13,2%, tỷ trọng đóng góp vào GRDP đạt 8-10%. Từ 2045, đưa cảng biển Quảng Ninh trở thành ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh.

HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích