11:30 09/11/2019 Vấn đề đặt ra như đã nói ở trên, nếu không chủ động phát triển công nghiệp hỗ trợ, thì các mục tiêu tự chủ cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Hải Phòng sẽ rất khó thực hiện. Đồng nghĩa với thực trạng là chúng ta vẫn loay hoay với việc gia công lắp ráp, tạo giá trị gia tăng thấp không đóng góp nhiều cho ngành kinh tế. Vì vậy, trong chương trình hành động 76-CTr/TU, Thành ủy đã chủ trương “Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.
Nghề đúc cơ khí tại làng nghề Mỹ Đồng (Thủy Nguyên)
Theo khái niệm chung, công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh, là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng…
Những năm gần đây, cụm từ “công nghiệp phụ trợ” hay “công nghiệp hỗ trợ” được nhắc nhiều trong các văn bản liên quan đến phát triển của ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Để nhận diện rõ hơn, có thể dẫn một ví dụ cụ thể về công nghiệp hỗ trợ, chẳng hạn sản phẩm chính là đôi giày hoàn chỉnh với đầy đủ nhãn mác theo đăng ký bản quyền thương hiệu, nhưng các chi tiết nguyên phụ liệu như da, khóa, chỉ, móc, dây, đế, lót, keo dán… có thể được cung cấp từ những nhà sản xuất chuyên ngành khác, thậm chí có thương hiệu khác. Việc sản xuất và cung cấp đó được gọi là ngành công nghiệp hỗ trợ
Về mặt lý thuyết, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hàng chục năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hải Phòng cũng như cả nước chưa đáp ứng được như mong đợi.
Những ngành sản xuất chủ đạo như đóng tàu, điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… vẫn cơ bản phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, khiến chi phí sản xuất cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp. Đơn cử như Hải Phòng, trong một báo cáo về thực trạng liên quan, Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam đã chỉ rõ: “Nhóm ngành lắp ráp, gia công chiếm tỷ trọng cao tới 98% và duy trì trong thời gian quá dài; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp chủ lực còn thấp”.
Gia công xuất khẩu trong ngành dệt may
Cần phải thấy rằng, những năm gần đây Hải Phòng là một trong những địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ mạnh mẽ trong thu hút đầu tư nước ngoài, đây là cơ hội lớn cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Mặc dù vậy, thực tế đến nay có rất ít doanh nghiệp FDI đầu tư thực sự cho công nghiệp hỗ trợ, hoặc nếu có cũng là các sản phẩm nhằm mục đích phục vụ nội ngành hoặc xuất khẩu.
Sự thiếu đồng bộ giữa sản phẩm chính và sản phẩm hỗ trợ đã dẫn tới việc các doanh nghiệp đầu tư những tổ hợp sản xuất rất lớn, nhưng sản phẩm hỗ trợ cũng được nhập khẩu gần như toàn bộ. Theo số liệu thống kê, hiện tỷ lệ nội địa hóa trong các một số nhóm sản phẩm chính sản xuất tại Việt Nam như ôtô chỉ từ 20 đến là 30%; da giày, dệt may khoảng 10%.... nhưng cũng hầu hết do các doanh nghiệp FDI cung cấp.
Đối với Hải Phòng, thời điểm tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam hoạt động tốt, Hải Phòng là nơi tập trung nhiều nhà máy đóng tàu nhất của Vinashin, chiếm tới trên 50% tổng lực đóng tàu của cả nước. Cùng với việc thực hiện những dự án đóng tàu tải trọng lớn, Vinashin cũng triển khai các dự án công nghiệp hỗ trợ.
Chẳng hạn như dự án sản xuất thép Cửu Long Vinashin, với mục tiêu cung cấp các loại thép đặc chủng tạo lên kết cấu khung tàu, cùng với hàng loạt những nhà máy vệ tinh khác với sản phẩm que hàn, dây điện, sơn… đáng tiếc, những dự án hỗ trợ này chưa kịp khẳng định, đã sụp đổ cùng đế chế Vinashin. Và thực tế, những con tàu lớn đã được xuất khẩu, cũng mang theo phần lớn sản phẩm hỗ trợ mà khách hàng chỉ định… nhập khẩu.
Gần đây, Hải Phòng xuất hiện những dự án khổng lồ từ nguồn vốn FDI. Có thể kể những dự án tỷ USD của tập đoàn (Hàn Quốc) tại khu công nghiệp Tràng Duệ; Nhà máy lốp xe Bridgestone của Nhật Bản tại khu công nghiệp Đình Vũ; Nhà máy may Regina Miracle International Việt Nam của nhà đầu tư Hồng Kông tại khu công nghiệp VSIP…
Nhưng việc các nhà máy của LG mang theo những công ty vệ tinh sản xuất hỗ trợ đến “ở cùng” khu công nghiệp Tràng Duệ, hoặc nhập khẩu linh kiện, bởi đây là nhóm sản phẩm công nghệ cao là một nhẽ. Còn lại Bridgestone sử dụng nguồn cao su không phải từ Việt Nam, và Regina Miracle International cũng nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, quả thực rất đáng tiếc. Bởi lẽ Việt Nam vốn dĩ là “cường quốc” sản xuất cao su, còn phụ liệu may mặc vốn dĩ cũng rất “tiểu công nghiệp” như vải, khóa, cúc, chỉ, tem nhãn…
Tại sao lại như vậy? Theo phân tích của các chuyên gia, thì một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng trên đó là sự chênh lệch quá lớn giữa các sản phẩm hỗ trợ Việt Nam và sản phẩm nhập khẩu, về chất lượng, về độ chính xác, về công nghệ sản xuất và cả tính ổn định trong sản xuất lẫn cung ứng.
Mặt khác, những thương hiệu lớn kể trên hoạt động trong quy mô đa quốc gia, việc đầu tư khép kín các nhóm sản phẩm hỗ trợ cũng đã hình thành hệ thống trong chiến lược đầu tư, nên không thể cứ muốn là thay đổi. Nói cách khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm mới mang tính quyết định cho mục tiêu phát triển của công nghiệp hỗ trợ, chứ không phải cứ muốn đầu tư phát triển mà thành công.
Lê Minh Thắng (còn nữa)