Phát triển công nghiệp phụ trợ: Kỳ 2 - Tìm hướng đi thích hợp

08:18 17/10/2017

Như đã đề cập ở kỳ trước, công nghiệp phụ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để phục vụ cho một sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo cách định nghĩa này thì sản phẩm phụ trợ có phạm vi rất rộng, bởi trong sản xuất thì bản thân các sản phẩm phụ trợ khi trở thành hàng hóa cũng đòi hỏi hoàn chỉnh và cần sự bổ sung của các sản phẩm phụ trợ khác. Ví dụ để có được sản phẩm cơ khí như khung xe máy phải cần nguyên liệu phụ trợ là thép, que hàn, sơn…

Thực tế cho thấy, Hải Phòng với vị thế là thành phố công nghiệp có truyền thống phát triển khá lâu so với các địa phương khác trong cả nước. Thời điểm hiện tại, dù chưa nhiều những thương hiệu sản phẩm đủ sức cung ứng ở tiêu chuẩn cao, nhưng sản phẩm phụ trợ “made in Hải Phòng” cũng chiếm thị phần không nhỏ. Cách đây hơn 10 năm, theo đánh giá chuyên môn, Hải Phòng là địa phương sản xuất nhiều nhất xe đạp nội địa so với cả nước lúc đó. Đáng chú ý, trong thành phần xe đạp hoàn chỉnh, trừ hệ thống chuyển động (moay – ơ, xích, líp) và phanh phải nhập khẩu, toàn bộ phụ tùng còn lại đều được sản xuất tại chỗ, cho thấy nếu có “đất diễn” thì công nghiệp phụ trợ Hải Phòng hoàn toàn có thể phát triển.

Mặc dù vậy, cũng là công nghiệp phụ trợ, nhưng sản phẩm đôi khi chỉ là hình thức thương mại trá hình. Chẳng hạn cũng ở Hải Phòng, nhiều cơ sở in ấn nhập khẩu nguyên cuộn phôi thiếp cưới đã được in đầy đủ các chi tiết trang trí, khi có khách đặt hàng, nhà “sản xuất” chỉ việc in thêm phần thông tin vào là hoàn thiện. Hoặc băng dính là một sản phẩm phụ trợ được dùng nhiều trong công nghiệp nhẹ, các cơ sở trong nước nhập khẩu cả cây băng dính có khổ rộng hàng mét nguyên phẩm từ Trung Quốc, Đài Loan… và nhà “sản xuất” Việt chỉ việc cưa mỏng từng kích thước theo yêu cầu đơn hàng. Còn trong sản xuất xe máy, một số nhà cung cấp đặt hàng từ Trung Quốc toàn bộ phần nhựa và tem nhãn, nhập về Việt Nam “chế” thêm lớp sơn, vậy là thành sản phẩm phụ trợ vỏ yếm xe máy “made in Việt Nam”. Rõ ràng cách làm không phải không hiệu quả, nhưng cơ bản không thể xếp vào “công nghiệp phụ trợ” cần khuyến khích phát triển.

Thực trạng trên cho thấy, vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ với những chính sách ưu tiên không thể đánh đồng với mọi sản phẩm. Mặt khác, cũng cần phải thay đổi nhận thức về sản phẩm Việt, rất thiếu thiết thực nếu chỉ mải mê niềm tự hào “tự phát triển” với những sản phẩm mà trình độ thế giới đã vượt chúng ta hàng trăm năm. Chẳng khác nào so sánh giữa một ông thợ nguội ngồi rũa cả ngày được chiếc đinh vít, với một hệ thống thiết bị tự động xuất xưởng hàng nghìn sản phẩm đinh vít cùng tiêu chuẩn chỉ trong một phút. Nhưng ngược lại, chúng ta cũng khó cạnh tranh thị trường với những sản phẩm cùng loại từ những nước cung cấp cho chúng ta toàn bộ công nghệ, thiết bị và nguyên vật liệu. Về điều này, một chủ cơ sở nhựa ở Hải Phòng chia sẻ, hiện cơ sở đang dùng máy móc nhập của Trung Quốc, hạt nhựa, hóa chất mua từ Trung Quốc, nhân công giữa ta và họ tương đồng, thì sản phẩm của họ chắc chắn cạnh tranh tốt hơn ta vì họ có nền tảng.

Cũng liên quan đến yếu tố cạnh tranh, hiện hầu hết các sản phẩm phụ trợ tự phát triển trong nước đều khó tranh khách với sản phẩm nhập khẩu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thậm chí cả về giá. Đây là một trong những lý do mà các nhà sản xuất nước ngoài phải nhập khẩu linh kiện đi kèm, nhất là trên lĩnh vực công nghệ cao. Có thể thấy, việc đầu tư xây dựng nhà máy xơ sợi  xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) dù với quy mô rất lớn nhưng thất bại ngay từ khi vận hành vì nguyên nhân thị trường tiêu thụ, là một bài học hết sức đắt giá. Thiết nghĩ, để thuyết phục các nhà sản xuất ngoài nước chấp nhận sản phẩm, công nghiệp phụ trợ không thể đợi họ đi vào sản xuất mới tiếp cận bán hàng, mà cần phải đàm phán đặt ngay từ ban đầu. Nhưng đây là vấn đề vĩ mô, gần như nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và hợp tác xã, nguồn lực chính trong công nghiệp phụ trợ.

Trở lại với sự kiện tập đoàn Vin Group khởi công dự án sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng. Được biết, Vinfast đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động, trong đó một lực lượng lớn sẽ làm việc tại các cơ sở sản xuất phụ trợ. Rất có thể, đây chính là cơ hội để công nghiệp phụ trợ Hải Phòng tìm ra một hướng tiếp cận khác, định hình cho một giai đoạn phát triển mới. Trong điều kiện trình độ công nghệ của Việt Nam rất tụt hậu so với thế giới, hướng phát triển chuyển giao công nghệ sẽ giúp cho công nghiệp phụ trợ trong nước theo kịp thời đại. Chắc chắn, đối với bất cứ ngành sản xuất nào cũng vậy, sẽ không thể phát triển nếu chỉ quan tâm đến đầu vào mà không nhìn thấy hướng cho đầu ra của sản phẩm, nghĩa là thị trường mang ý nghĩa quyết định. Nói theo cách mà giáo trình về Marketing đã đề cập, “chỉ bán thứ thị trường cần, không bán thứ mà mình có sẵn”.

 Tuy nhiên, để công nghiệp phụ trợ thực sự phát triển, ở tầm vĩ mô nhà nước cần có động thái cụ thể thiết thực hơn, trước hết là rà soát lĩnh vực cần và có thể phát triển. Tiếp đó phải có các chính sách mang tính tiêu chuẩn về công nghệ, thiết bị, nguồn nhân lực, nguồn khai thác nguyên phụ liệu và cuối cùng phải là nguồn tài chính. Bởi lẽ, kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, công nghiệp phụ trợ thường được đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm lĩnh, trong khi ở Việt Nam thì nguồn tài chính là một trong những yếu tố cạnh tranh yếu nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hy vọng trong thời gian tới, để cụ thể hóa Nghị quyết TW5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, ngành công nghiệp phụ trợ Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung sẽ tìm được hướng đi thích hợp.

                                 Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông