Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021- 2025: Huyện Tiên Lãng cần “xây tổ” đón “đại bàng”

19:26 23/02/2022

Trước thực tế nhiều năm nay việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phát triển manh mún, huyện Tiên Lãng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhất là chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch đồng bộ để thu hút các tập đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 Phá thế nhỏ lẻ manh mún

Theo thống kê, hiện toàn huyện Tiên Lãng có 125 cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 13.000 lao động. Tại các xã, thị trấn thời điểm này đều có các doanh nghiệp với các ngành nghề gia công giầy da, may mặc; gia công hàng xuất khẩu, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, so với các địa phương khác, lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Tiên Lãng vẫn chiếm tỷ trọng thấp, quy mô sản xuất nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện khi nguồn lao động trẻ của địa phương khá dồi dào.

Theo quy hoạch, huyện Tiên Lãng sẽ tận dụng lợi thế ven sông để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và dịch vụ biển
Theo quy hoạch, huyện Tiên Lãng sẽ tận dụng lợi thế ven sông để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và dịch vụ biển (trong ảnh là nhà máy đóng tàu Thái Bình Dương đặt tại chân cầu Khuể ven sông Văn Úc)

Đáng nói, ở Tiên Lãng chưa có doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản nên chưa có nhiều đóng góp cho ngân sách huyện.

Đây là căn bệnh cố hữu khi tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp; khả năng cạnh tranh kém, thiếu vốn và khả năng tiếp cận vốn hạn chế, trình độ quản lý chưa cao, lao động trực tiếp chủ yếu được đào tạo nghề ngắn hạn, hoặc truyền nghề...

Bên cạnh đó, công tác quảng bá về tiềm năng, lợi thế và hình ảnh địa phương chưa cao, dẫn đến chưa có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tìm đến đầu tư. Thống kê 5 năm qua, huyện Tiên Lãng thu hút được hơn 70 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đầu tư vào địa bàn.

Sau hàng chục năm kêu gọi đầu tư, đến nay, huyện Tiên Lãng mới có duy nhất 1 Cụm Công nghiệp thị trấn Tiên Lãng quy mô 50 ha thu hút được 8 doanh nghiệp đang hoạt động. Với những hạn chế trên, mỗi năm giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chỉ đạt gần 700 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện.

 “Xây tổ” đón “đại bàng”

Nhằm xây dựng lộ trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện, cũng như khắc phục những bất cập nêu trên, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Tiên Lãng đã đề ra mục tiêu lấp đầy Cụm Công nghiệp Thị trấn Tiên Lãng. Đặc biệt, huyện quyết tâm phấn đấu đưa 100% Khu, Cụm công nghiệp đã được quy hoạch đi vào hoạt động.

Cụ thể, huyện sẽ mở rộng Khu Công nghiệp Thị trấn Tiên Lãng thêm 25 ha về phía xã Quyết Tiến và triển khai tiếp 5 Cụm Công nghiệp: Tiên Cường 1 (Công nghiệp nhẹ), Tiên Cường 2 (Công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ), Tiên Cường 3 (Công nghiệp tổng hợp), Đại Thắng (Công nghiệp nhẹ) và Quang Phục (Công nghiệp cơ khí đóng tàu).

Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, ông Vũ Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết, ngay từ bây giờ huyện Tiên Lãng tập trung xây dựng, triển khai, quản lý quy hoạch; tích cực thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và chú trọng phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế du lịch, thương mại, dịch vụ.

Đặc biệt, huyện quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để kết nối các khu, cụm công nghiệp với hệ thống giao thông đối ngoại; đề xuất thành phố bố trí kinh phí, đồng thời kêu gọi các đối tác phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên quy mô lớn.

Huyện Tiên Lãng tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở để đón làn sóng đầu tư của doanh nghiệp vào h
Huyện Tiên Lãng tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở để đón làn sóng đầu tư của doanh nghiệp vào địa phương (trong ảnh là dự án mở rộng đường 354 đoạn từ cầu Khuể đến cầu Minh Đức) 

Với vị trí địa lý ba mặt giáp sông, huyện Tiên Lãng sẽ tận dụng lợi thế để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ ven sông. Nhất là, khai thác tốt giao thông đường thủy nội địa và các ngành phụ trợ.

Trong đó, huyện tiếp tục duy trì 3 bến thủy nội địa (2 điểm trên sông Thái Bình, 1 điểm trên sông Văn Úc); quy hoạch 2 bến thủy nội địa trên sông Thái Bình; tạo điều kiện cho các ngành kinh tế ven sông Văn Úc và khu vực ven biển như: Sửa chữa, đóng tàu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô các nhà máy đóng tàu, nâng  quy mô năng lực đóng mới và sửa chữa tàu với những doanh nghiệp hiện có.

Xác định giao thông hạ tầng phải đi trước, huyện Tiên Lãng cũng sẽ tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, thành phố, tích cực phối hợp tháo gỡ các vướng mắc để hoàn thành tuyến đường ven biển đi qua địa bàn huyện trong năm 2022 và đường nối từ cầu Lạng Am qua Tiên Lãng đi tỉnh Thái Bình, cầu nối xã Tân Liên với xã Cấp Tiến, đường nối Quốc lộ 5 – Quốc lộ 10; đường nối các khu, cụm công nghiệp từ đường ven biển đến Quốc lộ 10.

Với việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương nghiên cứu xây dựng sân bay quốc tế tại huyện Tiên Lãng cũng như một Tập đoàn nước ngoài hiện đang đề xuất xây dựng Nhà máy Điện khí tại huyện Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng đang triển khai một loạt chính sách, tầm nhìn chiến lược trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là điều kiện cần và đủ để huyện Tiên Lãng “xây tổ” đón “đại bàng” trong thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước .

TRUNG KIÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông