Phát triển Hải Phòng trong mối tương quan với các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng: Khẳng định rõ vai trò động lực (Bài 1)

17:44 02/03/2023

Ngày 12-2, tại tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 30 ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững". Đây là sự kiện lớn với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, diễn ra chỉ sau hơn 2 tháng NQ 30 của Bộ Chính trị được ban hành, cho thấy mức độ và ý nghĩa quan trọng, vai trò, vị thế của Vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Hải Phòng được xác định là động lực, là đầu tàu phát triển của cả Vùng.

Bài 1:

                                                                                               Vai trò, vị thế của Hải Phòng

          Trong nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; nghị quyết số 14 ngày 8-2-2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện NQ 30, Hải Phòng được đề cập tới rất nhiều. Điều đó cho thấy rõ vai trò, vị thế của Hải Phòng và đặc biệt đã xác định xu thế liên kết vùng là tất yếu, Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà cho cả vùng và cả nước. Thật đáng mừng, NQ 30 và NQ 14 đều xác định những định hướng phát triển rất rõ ràng cho Hải Phòng và cả Vùng.

                                                                              Rõ vai trò đầu tàu, động lực

          Nghị quyết 30 xác định Hải Phòng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ tiếp tục là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển của cả vùng, tập trung phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh.

      Nghị quyết cũng chỉ rõ thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng  và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Theo đó, sẽ tập trung  đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, quốc tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng  giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính về  thế mạnh và tiềm năng phát triển của Hải Phòng 

           Cụ thể hơn, Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện NQ 30 chỉ rõ nhiều công việc sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đó là nghiên cứu, xây dựng thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách tạo đột phá để tiếp tục phát triển Thủ đô Hà Nội, tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng và phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng. 

          Trong các lĩnh vực cụ thể, Chương trình hành động của Chính phủ cũng chỉ rất rõ. Về công nghiệp, thúc đẩy phát triển các hành lang công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng; vành đai kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. Về nông nghiệp, tập trung đầu tư hoàn thành Trung tâm hậu cần nghề cá lớn tại thành phố Hải Phòng. Về dịch vụ, tập trung phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại khu vực Đông Nam Á, trong đó thành phố Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; Hải Phòng là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại, là cửa ngõ ra biển, kết nối các tuyến hành lang, vành đai kinh tế; xác định Khu du lịch Hạ Long - Cát Bà là một trong những khu du lịch trọng điểm.

          Về đô thị, Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ thành phố Hải Phòng phấn đấu trở thành đô thị loại đặc biệt, xanh, thông minh, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi đô thị, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa. Trong đó, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; chuỗi đô thị tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định gắn với phát triển kinh tế biển; chuỗi đô thị thuộc các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, logistics.

          Về giao thông, Chính phủ xác định phấn đấu đến năm 2030, đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch tuyến đường vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh), tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng); xây dựng lộ trình nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc...và tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long).Về đường thủy nội địa, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

 Các bến cảng nước sâu tại khu vực Lạch Huyện của Hải Phòng tiếp tục được đầu tư xây dựng (ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa)

       Về cảng biển, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các bến mới  tại khu bến cảng Lạch Huyện (bến số: 3, 4, 5, 6, 7, 8) thuộc cảng biển Hải Phòng để khai thác hiệu quả cảng quốc tế Lạch Huyện; hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi.

          Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng viễn thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT)… đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của các địa phương trong vùng, nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh; xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam…

      Trong đó, Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học; Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về biển; xây dựng Trường Đại học Hàng hải là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nhân lực đạt trình độ ngang bằng các nước phát triển trong khu vực để phục vụ phát triển kinh tế biển.

                                                                  Rộng mở dư địa phát triển từ các chương trình, đề án

          Chương trình hành động của Chính phủ chỉ ra rất nhiều chương trình, đề án cụ thể với quy mô lớn, tính khả thi cao, bảo đảm sự phát triển của cả vùng, trong đó có thành phố Hải Phòng.

          Theo đó, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trong vùng ngay trong năm 2023 hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng sớm được hoàn tất.

Đô thị Hải Phòng rộng mở các cơ hội phát triển, ngày càng hiện đại, văn minh

     Hải Phòng cũng được giao nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển thành phố Hải Phòng trở thành Trung tâm logistics quốc tế hiện đại, gắn với cảng biển quốc tế kết nối với các tuyến hành lang, vành đai kinh tế (thực hiện 2023-2025); phát triển khu vực Hải Phòng- Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á và là động lực phát triển của cả vùng (thực hiện 2023-2024); đề án phát triển thành phố Hải Phòng trở thành đô thị loại đặc biệt, xanh, thông minh, đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH- HĐH (thực hiện 2023-2024); đề án xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về biển (thực hiện 2023); xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam (thực hiện 2023-2025)...

          Ngoài ra, trong danh mục 36 các nhiệm vụ, đề án cụ thể trong Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện NQ 30 đều có sự liên quan mật thiết tới Hải Phòng, khẳng định rõ phát triển Hải Phòng trong mối liên quan mật thiết, gắn bó với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả vùng. Từ đó, Hải Phòng và cả vùng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước./.

    (Còn tiếp)

                                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông