Phát triển kinh tế hộ gia đình từ mô hình trồng táo trong nhà lưới

09:52 18/02/2022

Từ một nông hộ còn gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT vào triển khai mô hình trồng táo trong nhà lưới, gia đình anh Bùi Khắc Huy, hội viên Hội Nông dân xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên đã tường bước vươn lên làm giàu, trở thành hộ có kinh tế ổn định, thuộc hàng khá giả của địa phương.
Anh Huy bên vườn táo của gia đình

Vốn là hộ nông dân quanh năm lam lũ gắn bó với đồng ruộng nhưng thu nhập chăng được là bao, cuộc sống gia đình vẫn rơi vào cảnh “thiếu trước, hụt sau”. May mắn thay, đầu năm 2017, anh Huy được một người bạn giới thiệu về mô hình trồng táo đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thế là từ đây anh bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật trồng táo. Được sự tư vấn, hỗ trợ tận tình về mặt kỹ thuật trồng, chăm sóc táo của cán bộ Khuyến nông địa phương, gia đình anh Huy đã mạnh dạn bắt tay vào triển khai mô hình. Ban đầu, anh tận dụng hơn 3 sào đất vườn xung quanh nhà để cải tạo, đầu tư mua 70 gốc giống táo Đào Vàng đem về trồng.

Nhờ bản tính cần cù, chịu khó, tỷ mỉ, ham học, siêng làm, anh Huy nhanh chóng nắm bắt và áp dụng được một cách thuần thục kỹ thuật trồng, cắt tỉa tạo tán cây, chăm sóc vườn táo. Đặc biệt, khác với các hộ dân khác trong xã, gia đình anh Huy đã tiên phong trong việc mạnh dạn đầu tư tiền của vào việc xây dựng hệ thống nhà lưới, máy bơm cho vườn táo khá tốn kém. Chỉ tính riêng khoảng đầu tư khung sắt cho trên 1000m2 vườn đã tiêu tốn của gia đình anh đến 80 triệu đồng, lưới bao xung quanh vườn 10 triệu đồng. Cộng thêm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thêm 10 triệu đồng, tổng cộng là 100 triệu đồng cho năm đầu tiên xây dựng mô hình.

Vườn táo Đào Vàng nhà anh Huy rộng trên 1.000m2

Vì là mô hình mới, chưa có kinh nghiệm trong trồng trọt nên giai đoạn đầu trong quá trình trồng, chăm sóc vườn táo, gia đình anh Huy luôn chú trọng học hỏi, tuân thủ chặt chẽ mọi hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông. Đơn cử như khi cây táo ra hoa anh tiến hành cuốn các vách lưới lên để cây đón gió và côn trùng, giúp hoa thụ phấn. Đến khi cây đậu trái khoảng 60%, trái táo bằng đầu ngón tay thì gia đình anh lại dùng chế phẩm sinh học gồm: tỏi, gừng, ớt ngâm chung phun đuổi côn trùng ra nơi khác rồi thả các vách lưới xuống để giúp cây đậu trái và ngăn ngừa ruồi xâm nhập vào vườn đục trái, gây thất thoát, hao hụt quả.

Ham học hỏi, đúc rút kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, lại mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt mà vườn táo của gia đình anh Huy cho hiệu quả kinh tế vượt trội hơn các hộ gia đình trồng táo khác. Được chăm sóc tốt, chỉ sau hơn 7 tháng trồng, vườn táo của gia đình anh bắt đầu ra hoa, kết trái, cho thu hoạch vụ đầu tiên. Thường thì vào tháng 6 hàng năm, vườn táo bắt đầu ra hoa, kết trái và cho thu hoạch liên tục kéo dài đến tháng 12.

Vui hơn là vườn táo Đào Vàng của gia đình anh Huy trồng ra không những không bị hao hụt do ruồi đục trái mà chất lượng trái táo lại ngon, giòn, ngọt hơn và ngọt ngay từ lúc nhỏ, lại an toàn với sức khỏe người tiêu dùng nên giá bán cũng cao hơn nhiều so với táo trồng đại trà, được nhiều người lựa chọn.

Tính đến nay, trung bình 1 gốc táo 4-5 năm tuổi nhà anh Huy cho thu hoạch 60kg/1 vụ với giá bán trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, gia đình anh thu về 120 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí đi, vườn táo cho thu lãi khoảng 100 triệu đồng/1 vụ. Nhờ vào doanh thu vườn táo mang lại mà gia đình anh Huy đã từng bước vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.

Với hiệu quả mô hình trồng táo nhà anh Huy mang lại, Hội Nông dân xã Gia Đức đã chọn làm điển để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ phong trào phát triển kinh tế trong hội viên nông dân của xã.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông