Phát triển kinh tế thủy sản – Cần chú trọng xây dựng thương hiệu Hải Phòng

10:16 28/11/2021

Theo các kết quả nghiên cứu, Nguồn lợi thủy sản, nhất là hải sản ở vùng biển Hải Phòng mang đặc điểm chung của nguồn lợi vịnh Bắc Bộ, đây là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao. Thế mạnh này đã làm nên thương hiệu thủy sản Hải Phòng một thời, tuy nhiên những năm gần đây, dù vẫn tiếp tục phát triển trên cả lĩnh vực khai thác và phát triển, nhưng dấu ấn của ngành thủy sản trên bản đồ kinh tế thành phố chưa thực sự đậm nét.

Nuôi thả lồng bè tại vùng biển Cát Bà (huyện Cát Hải)

Lợi thế vùng ven biển

Nằm trong số 28 tỉnh thành của cả nước trải trên chiều dài 3.260km bờ biển, Hải Phòng là một trong những địa phương có ưu thế đặc biệt khi sở hữu vùng thủy trường bao gồm cả 3 nguồn nước ngọt – mặn – lợ, được tạo bởi gần chục dòng sông lớn nhỏ và vùng biển Vịnh Bắc Bộ.

Cụ thể, Hải Phòng có trên 125 km bờ biển, có 7 con sông lớn đổ ra từ đất liền, từ đặc điểm này mà vùng nước lợ Hải Phòng gắn liền với các nguồn thủy sản mà nhiều vùng bờ khác trong cả nước không có.

Cũng chính yếu tố địa hải chất này đã tạo cho Hải Phòng một vùng bãi đẻ, bãi ương nuôi tự nhiên có mật độ phân bố thuộc diện cao nhất của cả vùng duyên hải Bắc Bộ.

Quỹ đất ngập nước ven biển của thành phố tới 24,58 nghìn ha, bao gồm các vùng đất ngập triều cao với hơn 12,4 nghìn hec-ta, đất ngập triều trung là gần 6 nghìn hec-ta và đất ngập triều thấp là gần 6,2 nghìn hec-ta.

Ngoài ra, còn có các bãi cát biển ven đảo, các bãi bồi cát không ngập triều chắn ngoài cửa sông, chưa kể tới 24 nghìn hec-ta mặt nước của những cửa sông, luồng lạch, tùng, áng, vùng, vịnh quanh các đảo.

Thống kê cho thấy, đã xác định được 515 loài thuộc 10 nhóm sinh vật biển lớn nhỏ khác nhau trong vùng biển Hải Phòng. Về cá, nhóm cá đáy có số lượng cao nhất với 234 loài, tiếp theo là nhóm cá rạn san hô 117 loài, cá nổi 86 loài. Ngoài ra còn nhóm giáp xác với 47 loài, nhóm chân đầu 27 loài, nhóm ốc và hai mảnh vỏ có 6 loài và 2 loài sam biển.

Phương tiện khai thác nhỏ còn chiếm tỷ lệ cao

Trữ lượng nguồn lợi hải sản gắn với ngư trường Hải Phòng ước tính trung bình khoảng 750 ngàn tấn, trong đó trữ lượng của cá nổi nhỏ chiếm tới 83,5%. Chưa kể các loại thủy sản thuộc diện lưỡng cư, có thể sinh trưởng ở cả hai vùng nước pha trộn ngọt – lợ hoặc mặn – lợ, những năm qua một số được thuần hóa đưa vào nuôi thả, đóng góp đáng kể vào sản lượng chung.

Đặc biệt khi du lịch phát triển, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, việc khai thác lợi thế được chú trọng nhiều hơn, với các dạng hình nuôi trồng thích ứng. Chẳng hạn việc nuôi cá lồng bè đã phát triển rất nhanh trên hải vực huyện Cát Hải.

Tại các vùng nước ven bờ, hầu hết đã được khoanh vùng cải tạo để nuôi thả thủy sản như ở các quận huyện Thủy Nguyên, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng… thời điểm lớn nhất diện tích nuôi thả lên tới hàng chục nghìn hec-ta.

Do đặc thù địa lý, nếu như các vùng mặt nước biển được khoanh vùng nuôi thả các loại cá, tu hài, ngao, rau câu... thì vùng lợ ven biển lại được tập trung cao cho nuôi cua, tôm thẻ chân trắng, cá nước lợ và ươm nguồn lợi tự nhiên như tôm trà, tôm rảo, rươi, cáy...

Nghề chế biến nước mắm ở Cát Hải

Hướng đi còn nhiều thách thức

Trong quá khứ, Hải Phòng vốn dĩ đã nổi tiếng ở với nghề chế biến thủy sản, gắn liền với nhiều thương hiệu lớn. Các cơ sở dịch vụ nghề cá được xây dựng hiện đại như: Cảng cá Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Ngọc Hải, bến cá Mắt Rồng...

Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh, bước đầu đáp ứng nhu cầu xăng, dầu, nước đá, ngư lưới cụ, thiết bị thông tin hàng hải, phụ tùng máy thủy, sửa chữa tàu thuyền, bến bãi neo đậu... cho hàng chục nghìn tàu/năm.

Thành phố cũng là nơi cung cấp mỗi năm khoảng gần 1 tỷ con giống tôm, cá các loại cho địa phương phía Bắc, đặc biệt là các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cua biển, tôm rảo, tôm càng xanh, cá chim trắng, rô phi đơn tính, cá giò, cá song..

Tuy nhiên những năm gần đây, lợi thế này đang có nguy cơ thui chột, các thương hiệu liên quan không những rất hiếm, mà số còn “sống” cũng lay lắt, không tương xứng với vị thế Hải Phòng. Những hạn chế đã được đề cập khá rõ trong quy hoạch phát triển thủy sản của thành phố.

Đó là cơ cấu sản xuất thủy sản và cơ cấu tàu thuyền khai thác thủy sản chưa hợp lý, nuôi thả tập trung chủ yếu ở nhóm thủy sản truyền thống, tàu thuyền khai thác nhỏ ven bờ chiếm tỷ lệ cao, cơ cấu nghề nghiệp chuyển đổi chậm…

Mặt khác, cũng theo đánh giá tại đề án, xuất phát điểm của ngành thủy sản Hải Phòng thuộc diện thấp, trong khi  công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản. Bên cạnh đó trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất thủy sản còn hạn chế, nghiên cứu khoa học chưa thực sự gắn liền với thực tiễn sản xuất.

Điều quan trọng nữa là, để phục vụ cho các dự án phát triển, vùng đất và vùng nước ven bờ của Hải Phòng những năm qua đã bị thu hẹp, nhừng chỗ cho các khu công nghiệp, khu du lịch quy mô lớn.

Có thể kể như khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp và một số dự án du lịch kết hợp nghỉ dưỡng ở Đồ Sơn,  đảo Vũ Yên… Dẫn đến diện tích nuôi thả của ngành thủy sản thành phố giảm bình quân 0,7%/năm.

Mặc dù vậy, nhưng trên thực tế hiện diện tích nuôi thả, khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố vẫn còn rất lớn. Riêng ngư trường nước mặn cơ bản còn nguyên vẹn, với vùng biển Long Châu – Bạch Long Vỹ là một trong những ngư trường lớn nhất cả nước.

Còn sâu vào trong đất liền, nơi nguồn nước ngọt thuần túy, Hải Phòng cũng là địa phương có kinh nghiệm nuôi thả các loại thủy sản truyền thống. Tổng hợp từ 3 nguồn nước, có thể khẳng định Hải Phòng vẫn có đầy đủ điều kiện trở thành một trung tâm thủy sản lớn, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ cho không riêng thành phố mà cả các vùng lân cận và xuất khẩu.

Nhưng theo cảnh báo từ các nhà nghiên cứu chuyên môn, thì nguồn lợi thủy sản Hải Phòng đang tiềm ẩn nhiều nỗi lo, trong việc bảo tồn, tái tạo, phát triển. Chẳng hạn trên lĩnh vực đánh bắt tự nhiên, đội tàu hoạt động trên vùng vịnh Bắc Bộ tăng bình quân 10%/năm, dù Hải Phòng phát triển khá nhanh về số lượng, nhưng chủ yếu vẫn là loại tàu công suất nhỏ, chỉ phù hợp đánh bắt ven bờ.

Mặt khác phương thức và công cụ đánh bắt mang tính “thượng vàng hạ cám” đã xâm phạm nghiêm trọng đến khả năng tái sinh. Quá trình gia tăng dân số, phát triển lực lượng sản xuất, cùng với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ đã làm tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ hải sản.

Sản lượng lớn, khai thác tận thu, nhưng công nghiệp chế biến lại có chiều hướng đi xuống, chất lượng bị giảm do áp dụng các phương pháp giản đơn như ướp đá, phơi khô, ủ muối... dẫn đến giá trị kinh tế giảm, thì việc tăng cường khai thác bù đắp chi phí lại càng lớn.

Cần phải thấy rằng, thành phố đang trở mình trỗi dậy với nhiều dự án quy mô lớn, nhưng cũng không vì thế mà vị thế tự nhiên bị thay đổi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, bởi lẽ nếu để mất đi thế mạnh này, đồng nghĩa một phân ngành kinh tế bị thui chột.

Trong chiến lược biển Việt Nam, Hải Phòng cũng được xác định là một trong sáu trung tâm nghề cá lớn, gắn với ngư trường trọng điểm vịnh Bắc bộ. Điều này đang đặt ra một bài toán nan giải giữa khai thác và bảo tồn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững mà thành phố đang phấn đấu.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông