10:22 24/10/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Có thể nói đây là đòn bẩy hết sức quan trọng nhằm củng cố, phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng.
Kỳ 1: Truyền thống vùng cửa ngõ
Đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân những năm qua, Nghị quyết 10-NQ/TW (NQ10) nêu rõ: “kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Cụ thể, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 đến 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội.
Đối với Hải Phòng, vùng đất sở hữu chiều dài bờ biển trên 125km, có 6 cửa sông lớn với mật độ bình quân 0,7km/km2 đổ ra biển, cấu trúc địa lý đã kiến tạo Hải Phòng thành đầu mối giao thông huyết mạch nối miền Bắc với quốc tế, một môi trường để phát triển hiệu quả kinh tế tư nhân, và thực sự đã để lại những dấu ấn quan trọng.
Ngược dòng lịch sử, chỉ sau thời gián ngắn khi người Pháp thành lập thành phố Hải Phòng ngày 19-7-1988, Hải Phòng đã có hệ thống cảng lớn nhất miền Bắc, là trung tâm tài chính, công nghiệp của cả Đông Dương. Ngoài sự phát triển mạnh mẽ dạng hình tư bản tư nhân của người Pháp, thành quả kinh tế của những người Việt tại Hải Phòng thời kỳ thuộc Pháp cũng rất đáng nể.
Có thể kể một số doanh nhân điển hình như doanh nhân Bạch Thái Bưởi gắn Cty Giang Hải Luân, nổi danh cả nước về công nghiệp đóng tàu và vận tải hàng hải; Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà với hãng sơn Sơn Hà không chỉ đủ sức cạnh tranh với các hãng sơn lớn ở thế giới, mà sự nghiệp của ông cũng gắn liền với công cuộc cách mạng, xứng đáng nằm trong danh sách những nhà tư sản cách mạng tiêu biểu của Việt Nam; Doanh nhân Đoàn Đức Ban thành công vang dội nhờ phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống với thương hiệu Vạn Vân, tiền thân của các sản phẩm nước mắm Cát Hải hiện nay…
Trong giai đoạn mô hình kinh tế tập trung phát triển, một thời gian khá dài kinh tế tư nhân không thực sự được chú trọng. Chính vì vậy, phân nhóm kinh tế này có khái niệm hẹp, chỉ là hình thức kinh tế dựa trên tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất. Nhưng cũng trong thời kỳ này, Hải Phòng được coi là địa phương đi đầu cả nước về sự sáng tạo “khoán mới” trong nông nghiệp.
Mô hình của Hải Phòng đã trở thành minh chứng hữu hiệu khẳng định vai trò kinh tế tư nhân, tạo bứt phá về phát triển nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Có thể nói, với nhiều cách làm mới, Hải Phòng luôn là địa phương tiên phong, như nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng: “Hải Phòng đã đặt những viên gạch đầu tiên cho công cuộc đổi mới của Đảng”.
Sau sự kiện sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, kéo theo sự đổ vỡ của mô hình kinh tế lớn “Hội đồng tương trợ kinh tế” năm 1991. Hệ quả là nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Hải Phòng đứng trước nguy cơ đổ vỡ toàn diện, hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, nhiều ngành dịch vụ bị ngưng trệ, tạo ra cuộc khủng hoảng về nguồn lực và an sinh xã hội.
Bước ra từ cuộc thử thách lớn, kinh tế Hải Phòng đã vận dụng hiệu quả công cuộc đổi mới của Đảng, tìm ra hướng phát triển mới. Nổi bật là những người thợ lành nghề không chịu khoanh tay trước khó khăn, tự mày mò mô hình và phục hồi hiệu quả các ngành sản xuất. Những bước tiến ngoạn mục của Hải Phòng trong các ngành dịch vụ, công nghiệp như vận tải biển, đóng tàu, giày dép, may mặc, cơ khí… là minh chứng rõ nét.
Trở lại với NQ10, theo cách đặt vấn đề mới: “Kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện… bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành…”. Nghĩa là, kinh tế tư nhân không chỉ còn bó hẹp trong “hộ gia đình” nữa, mà đã phát triển trên phạm vi rộng, từ góc nhìn này, có thể thấy thành quả đạt được của kinh tế tư nhân Hải Phòng rất to lớn.
Đơn cử như dịch vụ cảng biển, thành phố có gần 40 doanh nghiệp, sử dụng chiều dài cầu cảng hơn 11km, lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng từ 13 đến 15%. Ngành dịch vụ du lịch, dịch vụ xã hội cũng đóng góp vào bản đồ kinh tế thành phố nhiều sắc màu, với hệ thống hàng chục bệnh viện, hàng trăm trường học dân lập, cùng hơn 20 nghìn doanh nghiệp khác hoạt động theo các mô hình trách nhiệm hữu hạn, cổ phần tư nhân, doanh nghiệp tư nhân…
Nhìn từ góc độ khác, nói đến phát triển kinh tế tư nhân Hải Phòng trong giai đoạn đổi mới, không thể không kể đến cú bứt phá của thu hút đầu tư trong nước mấy năm gần đây. Đó là các dự án khổng lồ do các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư, có thể kể hàng trăm nghìn tỷ đồng của VinGroup cho các dự án khu vui chơi giải trí đảo Vũ Yên, khu nông nghiệp kỹ thuật cao Vineco ở huyện Vĩnh Bảo, khu nhà ở cao cấp ở quận Hồng Bàng, bệnh viện Vinmec ở quận Lê Chân và tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast ở huyện Cát Hải; SunGroup với hàng chục nghìn tỷ đồng cho dự án phát triển du lịch Cát Hả; tập đoàn Mường Thanh với dự án hơn 5 nghìn tỷ đồng phát triển khu du lịch ở Đồ Sơn…
Vấn đề đặt ra là, mặc dù có những bước tiến ngoạn mục, nhưng kinh tế tư nhân ở Hải Phòng chưa thực sự được hệ thống hóa thành một mô hình phát triển đột phá. Thành phố cũng chưa có nhiều sản phẩm tư nhân có sức cạnh tranh cao, tình trạng tự phát, chụp giật trong sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu tính ổn định, tình trạng vi phạm pháp luật theo kiểu “làm liều” cũng không thể hiện được mục tiêu tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên những vấn đề bất cập này cũng không phải của riêng kinh tế tư nhân Hải Phòng, mà đã được NQ10 chỉ rõ.
Hoàng Minh