Phát triển kinh tế tư nhân- nhìn từ thực tiễn Hải Phòng (tiếp)

10:36 25/10/2017

Như Nghị quyết 10-NQ/TW(NQ10) đã phân tích: “Vẫn còn một số vấn đề về phát triển kinh tế tư nhân cần tiếp tục được cụ thể hoá, làm rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn. Thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn nhiều bất cập...”.

Một vụ kinh doanh thực phẩm bẩn bị cơ quan chức năng phát hiện

Kỳ 2- Thực trạng còn bất cập

Cần phải thấy rằng, các dạng hình kinh tế ngoài nhà nước có mối quan hệ hữu cơ, mà trong đó kinh tế tư nhân có vai trò hạt nhân, là tiền đề hình thành lên các dạng hình kinh tế khác. Theo chia sẻ của ông Khổng Đức Mô – Chủ một cơ sở sản xuất giày da truyền thống trên đường Trần Nguyên Hãn (Lê Chân-Hải Phòng), thì hiện tại sản xuất giày tư nhân ở Hải Phòng hoạt động theo chuỗi. Nghĩa là quy trình sản xuất phân bố cho mỗi hộ thực hiện một công đoạn khác nhau, cho đến khi sản phẩm hoàn thiện Nhưng bản thân mỗi cơ sở lại có thể độc lập đăng ký thương hiệu riêng, chủ động tiêu thụ, điều này hết sức có lợi vì tiết kiệm nguồn lực đầu tư, có quy chuẩn về kỹ thuật, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, so với đầu tư khép kín sản xuất trong một hộ. Nhìn về mặt sở hữu tư liệu sản xuất, bản chất đây là mô hình kinh tế HTX, nhưng lại hoạt động đa dạng hình trong mỗi thời điểm khác nhau, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước khác nhau. Nếu chính sách không phù hợp, rất có thể sẽ gây hạn chế cho mô hình phát triển này.

Ở góc độ khác, đánh giá về những hạn chế của kinh tế tư nhân, NQ10 cũng chỉ ra nhiều bất cập, đó là quy mô sản xuất nhỏ; trình độ công nghệ, quản lý, năng lực cạnh tranh cơ bản yếu; còn không ít biểu hiện vi phạm pháp luật… Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh – Chủ một doanh nghiệp sản xuất xe đạp của Hải Phòng cho biết. Cách đây khoảng hai chục năm, Hải Phòng từng nổi lên là địa phương đi trước cả nước về phục hồi nghề sản xuất xe đạp tư nhân, tỷ lệ nội địa hóa đạt tới 90%, trong nhiều năm đã đánh bật xe nhập ngoại ra khỏi thị trường. Phưng pháp đầu tư theo chuỗi các hộ sản xuất cũng tương tự như ngành giầy kể trên, thiết kế ban đầu khá suôn sẻ, yếu tố kỹ thuật được chú trọng. Tuy nhiên chỉ ổn định được thời gian ngắn, do lợi nhuận nên một số nhà sản xuất trong chuỗi bắt đầu bỏ qua khâu kỹ thuật, bớt xén hoặc thay thế bằng nguyên liệu phi tiêu chuẩn, dẫn đến chất lượng xe giảm sút, mất thị trường và kết cấu chuỗi cũng vì thế mà tan vỡ. Đây quả là bài học đắt giá trong việc liên minh tự phát của các nhà sản xuất tư nhân, bởi tính chất làm ăn chụp giật, thiếu trách nhiệm.

Mô hình kinh doanh tự phát đang khá phổ biến trong dạng hình kinh tế tư nhân

Đối với các chính sách pháp luật, một phần vì năng lực tài chính giai đoạn khởi nghiệp yếu, trình độ quản lý hạn chế, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, trong khi mục tiêu và tham vọng lại lớn, nên một bộ phận không nhỏ các cơ sở kinh tế tư nhân vô tình vi phạm, nhất là các điều kiện về an toàn lao động, về môi trường, về chế độ lao động và việc làm… Tuy nhiên cũng không ít doanh nghiệp ngay từ lúc sinh ra đã hình thành ý thức vi phạm, phổ biến trên lĩnh vực mua bán hóa đơn, chứng từ giả; sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; lập dự án một đằng hoạt động một nẻo để chiếm dụng đất đai… mà thời gian qua Hải Phòng cũng như cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc lớn. Tồn tại trên có lẽ chính là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về thống kê số lượng doanh nghiệp ở Hải Phòng, giữa lũy kế đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế, phản ánh bất cập trong công tác hậu kiểm.

Chưa hết, kể cả khi kinh tế tư nhân phát triển thành quy mô lớn, cũng “không ngần ngại” vi phạm để trục lợi, mà trường hợp Cty T.S (Hải Phòng) từng có tên trong danh sách những doanh nghiệp lớn nhất nước, đã phải “xóa sổ” vì vi phạm, khiến cho các lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp (hầu hết cùng một gia đình) phải vướng vào vòng lao lý. Mặt khác, báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, thời gian qua thành phố Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xác định hành vi và xử lý đối với nhiều dự án chậm tiến độ thực hiện dự án, sử dụng không đúng mục đích. Trong đó, đã ban hành quyết định thu hồi đất đối với 12 dự án với diện tích 243,6ha; xem xét thu hồi 19 dự án diện tích 105,98 ha; đang tổng hợp hồ sơ xử lý vi phạm đối với 27 dự án diện tích 118,32 ha... Đây là hệ quả kéo dài thành quá trình của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp.

Ngược lại, vê chính sách vĩ mô, NQ10 cũng nêu rõ: “Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác…”. Nhìn nhận điều này, theo bà Đào Thị Kim Ngân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng, đơn cử như việc hỗ trợ doanh nghiệp, hiện có khá nhiều chính sách khác nhau nhưng việc triển khai rất hạn chế, chẳng hạn như việc tiếp cận nguồn vốn, việc bố trí mặt bằng sản xuất. Riêng mặt bằng sản xuất, các chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… là chính sách chung áp dụng cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng chưa  có chính sách riêng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn nữa trên thực tế, do quy mô sản xuất nhỏ, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc không đủ khả năng thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp. Chính vì vậy, trong số các thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng, tỷ lệ được giải quyết về mặt bằng sản xuất chỉ đạt khoảng 25%.

          Trong khuôn lượng một bài viết, khó có thể phản ánh hết những bất cập liên quan đến thực trạng hoạt động của kinh tế tư nhân, cho thấy việc Trung ương ban hành NQ10 là một chủ trương lớn có tính thời điểm cao. Nhưng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, những động thái tiếp trong hoạch định vĩ mô cần phải dựa trên các căn cứ thực tiễn sâu sắc, mới có thể đạt được hiệu quả.

                      Hoàng Minh    (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông