Phát triển KT-XH vùng đồng bằng sông Hồng - Liên kết để hạn chế rủi ro, lãng phí! Kỳ 2: Không thể mạnh ai nấy làm

15:49 29/08/2019

Mặc dù đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển KTXH của cả nước, song vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng cũng phải đối mặt với không ít thách thức ở phía trước, trong đó có cả yếu tố khách quan và nội tại.

Đơn cử, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt kế hoạch đề ra nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2018 (9,5%). Trong đó, thủ đô Hà Nội không đạt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước do tình hình sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn không ổn định, dẫn đến số thu nộp ngân sách thấp hơn dự toán. Con số hụt thu này lên tới 5.858 tỷ đồng.

Tiếp đến, tỉnh Bắc Ninh tăng trưởng âm do nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào khu vực FDI. Do vậy khi xu hướng tiêu thụ sản phẩm điện thoại, linh kiện điện tử trên thị trường thế giới giảm dẫn đến doanh nghiệp FDI cắt giảm hơn 20.000 lao động,  thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sụt giảm. Hệ luỵ kép, các ngành dịch vụ có tính chất thị trường cũng chỉ tăng trưởng một con số, thậm chí có lĩnh vực giảm rõ rệt. 

Bên cạnh đó cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, tuy vùng thu hút nhiều dự án FDI lớn, song 65% số vốn FDI của vùng đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực, ngành nghề tận dụng nhân công giá rẻ như dệt may, da giày, lắp ráp thiết bị, bất động sản… Do vậy, việc tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chưa tạo được động lực phát triển từ trong chính nội tại và tất yếu cũng khó phát triển bền vững.

Tại hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển KTXH vùng đồng bằng sông Hồng Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng đã thừa nhận: Một doanh nghiệp FDI lớn như Samsung mà hắt hơi sổ mũi thì kinh tế địa phương cũng lao đao. 

Điều đó cho thấy sự phụ thuộc không nhỏ của phát triển kinh tế tại một số địa phương vào các doanh nghiệp FDI.

Chưa kể đến, trong bối cảnh Việt Nam đang là địa chỉ mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm tới do những chính sách ưu đãi đầu tư và đặc biệt là nền chính trị ổn định thì các địa phương đều trải thảm đỏ để thu hút đầu tư. 

Tuy nhiên theo ông Cao Tường Huy-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thì không thể mạnh ai nấy làm, như vậy sẽ dẫn đến sự chồng chéo, lãng phí và tiềm ẩn rủi ro cao. Đơn cử, hiện Quảng Ninh đã không chấp thuận các dự án sản xuất xi măng do trong vùng đồng bằng sông Hồng đã cung hơn cầu. Tiếp đến, nếu Hải Phòng, Ninh Bình đã phát triển ngành công nghiệp ô tô thì các địa phương khác có cần thiết đầu tư trong lĩnh vực này. Tương tự đối với phát triển sân gofl, Hải Phòng, Hải Dương đã có thì trong vùng có cần thêm nữa?

Từ những ý kiến của các địa phương trong vùng tại hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển KTXH vùng đồng bằng sông Hồng cho thấy lãnh đạo các tỉnh, thành trăn trở về tính liên kết trong vùng. Thay vì đâu đâu cũng thấy khu, cụm công nghiệp mọc lên tràn lan thì rất cần các dự án trọng điểm, vừa mang tính đột phá vừa đóng vai trò lan toả trong vùng. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong vùng cao là vậy nhưng vẫn thiếu những ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Đinh Văn Điến-Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thẳng thắn cho rằng: Các bộ, ngành cần phải định hướng thế mạnh của mỗi địa phương để từ đó có chính sách thu hút đầu tư hoặc huy động nguồn vốn của toàn xã hội đầu tư. Mặt khác, cơ chế, chính sách phải thúc đẩy phát triển KTXH, còn nếu chặt chẽ để “trói nhau” thì nên xem xét, điều chỉnh. Đơn cử như quy định dự án có quy mô từ 500 triệu đồng trở lên thì phải được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố thông qua. Đối với những dự án có quy mô nhỏ thì thủ tục trên rất mất thời gian, nhất là những công trình mang tính cấp thiết thì chậm trễ là điều khó tránh. Tiếp đến cũng cần phân định rõ đâu là dự án thuộc nhóm đấu giá hay đấu thầu bởi các địa phương cũng đang rất lúng túng ngay cả trong cách hiểu cũng như áp dụng các quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư công.

Với phương châm thẳng thắn, cởi mở, tháo gỡ vướng mắc và đề xuất những giải pháp thúc đẩy phát triển KTXH vùng đồng bằng sông Hồng trong những tháng cuối năm 2019 và năm 2020, lãnh đạo các địa phương cũng lo ngại việc thực thi Luật Quy hoạch 2018 tác động đến hơn 80 dự luật liên quan, hướng giải quyết đối với những dự án chuyển tiếp ra sao?

Ông Nguyễn Tiến Lực-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hiện tỉnh đang triển khai 3 dự án điện rác, tuy nhiên hiện đang tạm dừng do Bộ Công thương thông báo chưa có quy hoạch?!

Không thể phủ nhận đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng kinh tế đầu tàu của cả nước. Để giữ vững vai trò trên, vùng rất cần duy trì đà tăng trưởng gắn với thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả  và sức cạnh tranh của các tỉnh, thành phố trong vùng.

Hy vọng rằng, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng sẽ sớm được tháo gỡ, điều chỉnh để vùng hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KTXH của năm 2019 và trong năm tới, năm bản lề 2020.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông