Phiên tòa giả định đi vào học đường: Hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả

    14:23 03/11/2017

    Việc xây dựng các phiên tòa hình sự giả định về các chủ đề, như: phòng chống ma túy, bạo lực học đường, xâm hai tình dục trẻ em... được đánh giá là cần thiết, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức pháp luật và cách xử lý tình huống trong cuộc sống của học sinh.

    Phiên tòa giả định tại Trường THPT Ngô Quyền

    Tình huống sát thực

    Hai nam sinh đang xếp hàng tại căng tin nhà trường chờ mua xôi sáng, thì bị một nam sinh từ đâu xông đến lấy trước mà không xếp hàng nên đã “đáp trả”. Lỗi từ cả hai phía, đôi bên hẹn nhau... “ra vườn hoa giải quyết”. Tại điểm hẹn, nhóm thanh niên đã lao vào trận đánh hội đồng khiến một nam sinh bị thương nặng. Vụ việc được cơ quan công an gần đó phát hiện, nạn nhân được đưa đi cấp cứu...

    Đây là tình huống được đưa ra trong phiên tòa giả định về chủ đề “phòng chống bạo lực học đường” do Thành Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân quận Lê Chân, Trường THPT Ngô Quyền phối hợp tổ chức trong chuyên đề điểm tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh ngày 24-10.

    Phiên tòa giả định được thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa với đầy đủ trình tự, thủ tục và thành phần tham gia. Hội đồng xét xử phiên tòa giả định phân tích làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo: Tuy là vụ án đồng phạm có tính chất giản đơn, không có sự bàn bạc trước, tuy nhiên có bị cáo chính, chủ động đánh trước, trực tiếp gây thương tích làm giảm 32% sức khỏe nạn nhân nên trách nhiệm hình sự, dân sự cao hơn.

    Cùng với đó, các yếu tố như bị cáo chưa đủ 16 tuổi khi phạm tội, có nhân thân trong sạch, mới phạm tội lần đầu, cũng như có sự thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải... cũng được phân tích để tìm tình tiết giảm nhẹ. Đáng chú ý là, chỉ từ một nhỏ, nhưng hành vi phạm tội của các bị cáo rất hung hăng, tuy chỉ đánh bằng chân tay nhưng gây thương tích nặng cho nạn nhân, phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 điều 104 BLHS với mức án từ 3 đến 4 năm tù giam.

    Trước đó, phiên tòa giả định phòng chống ma túy học đường cũng được tổ chức tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn. Tình huống “họa từ thuốc lắc” kể về một học sinh bị một đối tượng khác dụ dỗ, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy, dẫn đến hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

    Với sự tham gia của thẩm phán TAND quận Lê Chân Đặng Minh Hạnh chủ tọa phiên tòa, kiểm sát viên Viện KSND quận Lê Chân Nguyễn Thị Hồng Hạnh giữ quyền công tố, các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước với vai trò người bào chữa cùng đông đảo giáo viên và học sinh nhà trường, phiên tào giả định với các tình tiết hồi hộp, gay cấn, sự tranh tụng giữa kiểm sát viên, trợ giúp viên pháp lý, hội thẩm nhân dân thu hút sự quan tâm theo dõi của  hơn 1.300 học sinh tham dự phiên tòa.

    Hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật

     Đồng chí Lã Thanh Tân, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thành phố cho biết, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, như hỗ trợ pháp lý cho học sinh thông qua tổng đài 1088, trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật…, lần đầu tiên Hội đồng, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua các phiên tòa giả định. Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp) đã cử các luật sư, trợ giúp viên pháp lý có kinh nghiệm, am hiểu tâm lý trẻ em thực hiện việc đại diện, bào chữa, bảo vệ tại phiên tòa khi các em vi phạm pháp luật hoặc không may trở thành nạn nhân của tội phạm.

    Theo Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Hồng Thư, nội dung các phiên tòa giả định dựa trên các vụ án có thật xảy ra trên địa bàn thành phố mà trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho người phạm tội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người bị hại. Tái hiện lại quá trình xét xử vụ án, phiên tòa giả định sẽ cung cấp cho người xem về hành vi phạm tội và việc xét xử người phạm tội, truyền đạt thông điệp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đến đông đảo học sinh.

    Thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho rằng, tuy chỉ là phiên tòa giả định nhưng trình tự diễn ra như phiên tòa thật sự, rất cụ thể về các điều luật cũng như tình huống học sinh gặp phải, phù hợp với nhận thức của các em. Phiên tòa giả định mang tính trực quan, không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật, mức án áp dụng mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính “hướng thiện” trong chính sách hình sự đối với những người phạm tội thông qua mức án được tuyên.

    Cô Phạm Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền cho hay, thông qua chương trình này, thầy cô và học trò nhà trường sẽ rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình dạy và học để góp phần xây dựng môi trường học đường ngày càng đi vào nề nếp và đạt kết quả tốt. “Bên cạnh xây dựng kịch bản phiên tòa, nhà trường còn tổ chức thêm hoạt động giao lưu về chuyên đề xây dựng tình bạn đẹp. Theo tôi, cùng với việc cảnh báo về “cái ác”, cần hướng học sinh đến với “cái thiện”, mà trước hết là giúp đỡ chính bạn bè mình, những học sinh từ “tổ ấm” Trường THPT Ngô Quyền có hoàn cảnh khó khăn, để họ ổn định, vươn lên trong cuộc sống...”- cô Mai nhận xét.

    Hoàng Khánh Huyền, học sinh lớp 12A10, Đội trưởng đội tình nguyện Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: “Sau khi xem xong phiên tòa giả định, em thấy mình cần trang bị thêm kiến thức pháp luật, có ý thức tuân thủ pháp luật, đồng thời biết cách giải quyết mâu thuẫn, cũng như ứng xử với những tình huống phát sinh trong cuộc sống. Là một đội trưởng đội tình nguyện, em sẽ cùng hơn 90 tình nguyện viên để lan tỏa những kiến thức được học tới bạn bè và người thân để giữ gìn môi trường học đường trong sáng, an toàn...”.

    HẢI HẬU

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông