Các nước ASEAN sẽ tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kết nối giao thông để xây dựng một ASEAN thông suốt, thịnh vượng
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, trải qua hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, với dân số trên 640 triệu người (chiếm 8,5% dân số thế giới), quy mô kinh tế năm 2018 đạt gần 3.000 tỷ USD, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, thứ 6 trên thế giới.
Sau 5 năm triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Cộng đồng ASEAN tiếp tục gắn kết chặt chẽ, khẳng định vai trò trung tâm trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, có quan hệ chặt chẽ với nhiều đối tác quan trọng hàng đầu của khu vực và toàn cầu.
Trong những năm qua, hợp tác giao thông vận tải giữa các nước ASEAN đã không ngừng được quan tâm phát triển nhằm hỗ trợ tăng cường kết nối giữa các quốc gia thành viên, góp phần hướng tới một “ASEAN thông suốt.”
Phó Thủ tướng cho biết, nhiều năm qua, Việt Nam đã coi phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn đồng bộ, hiện đại là một trong 3 khâu đột phá chiến lược cùng với hoàn thiện thể chế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách huy động, ưu tiên nguồn lực trong nước và quốc tế để tập trung đầu tư phát triển về đường bộ cao tốc, đường thủy, hàng không và bước đầu tạo ra bộ mặt mới cho giao thông vận tải, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.
“Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, kết nối hài hòa các phương thức, góp phần làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam,” Phó Thủ tướng đánh giá.
Để đạt mục tiêu tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải các nước ASEAN tiếp tục đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, biện pháp trong khuôn khổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường bộ cũng như thúc đẩy triển khai các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết, tiến tới một Cộng đồng Kinh tế ASEAN “không rào cản, không biên giới.”
Ngoài ra, các nước ASEAN cần đẩy mạnh kết nối với thế giới thông qua các thỏa thuận hợp tác với các đối tác như triển khai Hiệp định về dịch vụ hàng không ASEAN-Trung Quốc; đàm phán, ký kết Hiệp định hàng không ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-New Zealand, ASEAN -Hoa Kỳ…
Là một thành viên tích cực trong ASEAN, Phó Thủ tướng tin tưởng trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực, hợp tác chặt chẽ và tích cực với các quốc gia thành viên trong việc triển khai các cam kết, thỏa thuận để ASEAN khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực, cùng với các đối tác duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ trên không, trên bộ, trên biển vì một ASEAN thịnh vượng.
Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận các vấn đề chính như hoàn thành các thủ tục để ký kết các văn kiện đa phương cấp Chính phủ nhằm tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác; nghe báo cáo về tình hình triển khai tổng thể các chương trình, dự án thuộc khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược giao thông vận tải Kuala Lumpur 2016-2025 (Kế hoạch Chiến lược phát triển giao thông vận tải ASEAN) trong các lĩnh vực vận tải hàng không, vận tải hàng hải, vận tải mặt đất, tạo thuận lợi vận tải.
Hội nghị cũng thông qua các dự án/kế hoạch/chương trình hành động trong khuôn khổ hợp tác giao thông vận tải ASEAN trong năm 2020. Các đại biểu cũng sẽ trao đổi, thúc đẩy hợp tác giao thông vận tải với các nước đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác (EU, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN).../.
Việt Hùng (Vietnam+)