Phòng bệnh răng miệng tuổi học đường

16:35 12/01/2015

 

 

Các em học sinh là lứa tuổi rất hay ăn quà vặt, đặc biệt là các loại bánh kẹo, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường, tinh bột, nếu không được vệ sinh thường xuyên, đúng cách sẽ rất dễ gây bệnh răng miệng…

Theo BS sĩ chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt Bùi Lan Anh, bệnh răng miệng hay gặp nhất ở tuổi học đường là bệnh sâu răng sữa và viêm lợi. Trong đó sâu răng sữa xuất hiện ở trẻ chưa hoặc bắt đầu thay sang răng vĩnh viễn, đây là lứa tuổi bắt đầu vào lớp 1. Tình trạng sâu răng sữa cũng có thể xuất hiện trước khi trẻ đến trường với biểu hiện nhiều răng bị sún.

Nếu không được điều trị tốt, răng sữa bị sâu sẽ lây lan nhanh sang các răng lành khác và là điều kiện thuận lợi làm cho các răng vĩnh viễn mọc sau đó tiếp tục mắc phải căn bệnh này. Song hành cùng với bệnh sâu răng sữa là tình trạng viêm lợi. Khi lợi bị viêm sẽ đỏ và sưng tấy, dễ chảy máu, miệng có mùi hôi. Viêm lợi còn là giai đoạn đầu của quá trình viêm quanh răng, khi bệnh đã nặng thì lợi sẽ không còn bám chắc vào răng nữa mà hình thành các túi lợi, các dây chằng của răng và xương bị vi khuẩn xâm nhập, phá hủy.

Nguyên nhân gây bệnh, theo BS Lan Anh là do trong quá trình ăn uống, các mảng thức ăn dính lại trên các kẽ răng nếu không được làm sạch sẽ lên men và tạo điều kiện cho các vi khuẩn có trong vòm miệng phát triển tấn công răng và lợi. Các em học sinh là lứa tuổi rất hay ăn quà vặt, đặc biệt là các loại bánh kẹo, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường, tinh bột.

Theo đó, muốn trẻ có hàm răng đẹp, theo BS Lan Anh trẻ phải được chăm sóc ngay từ khi mang thai, đó là cần thực hiện chế độ dinh dưỡng thai nhi tốt, đầy đủ chất cần thiết cho sự phát triển hàm răng đẹp, khỏe của trẻ sau này như canxi, các loại vitamin có trong thức ăn. Trong thời kỳ trẻ thay răng sữa sang răng vĩnh viễn cũng cần bổ sung các chất cần thiết đó cho trẻ.

BS Lan Anh lưu ý, quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh về răng miệng là phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Việc làm đó phải giải quyết trong từng bữa ăn, rồi sau khi ăn xong, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, đánh răng hàng ngày với kem đánh răng có chứa fluoride và sử dụng bàn chải mềm. Không được phép sử dụng tăm để xỉa răng vì tăm sẽ dễ gây tổn thương nướu, sưng nướu đau răng thứ phát không kiểm soát.

Ngoài ra, cũng theo BS Lan Anh, có thể dùng nước súc miệng sẽ giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng hoặc việc khám răng định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện sớm những bất ổn vì lợi được xem là tín hiệu báo trước những vấn đề về sức khỏe. Cùng với đó thực hiện chế độ ăn uống cũng giúp răng khỏe hơn với việc bổ sung vitamin C và B12 và hạn chế ăn những thức ăn quá ngọt và nước giải khát có ga như Coca, Pepsi... Phụ nữ mang thai hoặc trẻ em nên chọn ăn những thức ăn mềm, nấu nhừ, dễ tiêu hóa và ít phải nhai để không gây tổn thương răng lợi.

TRẦN VĂN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích