CATP chủ động triển khai công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

    16:44 02/04/2025

    Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hải Phòng tham gia khắc phục hậu quả sau bão số 3

    Theo đánh giá, thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an, trong năm 2024, tình hình thiên tai xảy ra ở nước ta rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình và tác động rộng khắp đến các vùng, miền trên cả nước. 

    Cụ thể, đã xảy ra 10 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 232 trận mưa lớn gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở, lún sụt đất gây sập đổ nhà làm 514 người chết và mất tích, 2.207 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 87.485 tỷ đồng. Điển hình là bão số 3 (siêu bão Yagi) xuất hiện vào đầu tháng 9/2025 đã gây thiệt hại hết sức nặng nề, làm 345 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 81.700 tỷ đồng (chiếm 93,39% tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai trong năm 2024).

    Trong 7 ngày (từ ngày 6/9/2024 đến 13/9/2024), lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã huy động 26.621 lượt CBCS với trên 5.300 lượt phương tiện, trên 12.089 lượt trang, thiết bị tổ chức chữa cháy 85 vụ, CNCH được 1.236 người, di dời hàng nghìn hộ dân tới nơi an toàn, đồng thời tích cực tham gia khắc phục hậu quả sau bão số 3. Những hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được chính quyền các cấp và quần chúng Nhân dân trên cả nước khen ngợi, đánh giá cao.

    Dự báo năm 2025, nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng và Việt Nam khả năng sẽ phải đối mặt với nắng nóng gay gắt và mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, bão và báo lớn có xu thế xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Để chủ động thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH năm 2025, đồng thời thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Công an, UBND thành phố, Giám đốc CATP yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm một số nội dung.

    Trong đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP chủ trì, phối hợp nghiên cứu, báo cáo Giám đốc CATP thành lập, củng cố mạng lưới các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực. Đặc biệt, phải rà soát bố trí đủ lực lượng, số lượng và loại phương tiện để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, CNCH, phòng chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu đặc điểm công tác PCCC và CNCH đối với từng khu vực, địa bàn, bảo đảm khi có nhiệm vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra hoặc có yêu cầu về phòng chống thiên tai sẽ có lực lượng, phương tiện tiếp cận nhanh nhất để xử lý. Đồng thời Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH rà soát, thống kê các phương tiện phục vụ cho CNCH của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố để báo cáo cấp có thẩm quyền huy động khi cần thiết.

    Cùng với đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tập trung huấn luyện các kỹ năng, đội hình chiến thuật phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như: CNCH do sạt lở đất đá, sập đổ nhà và công trình; do đuối nước trong môi trường lũ lụt; phương tiện giao thông bị tai nạn do tác động của thiên tai gây ra, các tình huống xảy ra cháy trong điều kiện mưa bão. Phải kịp thời hoàn thành chương trình huấn luyện, kỹ năng nghiệp vụ cơ bản cho số chiến sĩ nghĩa vụ để đưa vào thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH; nghiên cứu, đề xuất huấn luyện bổ sung, tăng cường kỹ năng ứng phó thiên tai cho lực lượng Công an cấp xã, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và lực lượng dân phòng. Ngoài ra, cần tăng cường huấn luyện thực hành, nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống có người bị nạn trong môi trường điều kiện phức tạp như bị lũ cuốn, sập đổ nhà, phương tiện bị vùi lấp... do thiên tai gây ra cho 2 tổ Cảnh sát chữa cháy và CNCH đặc biệt tinh nhuệ.

    Công an cấp xã, Đồn Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên nắm tình hình, rà soát những địa điểm, khu vực có những dấu hiệu hoặc nguy cơ có thể xảy ra sự cố, tai nạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tải sản như nhà, công trình, phương tiện giao thông bị sập đổ, vùi lấp, cuốn trôi do lún sụt, sạt lở đất đá, vỡ đê... Qua đó, xây dựng, củng cố, hoàn thiện phương án xử lý tình huống điển hình có thể xảy ra thuộc phạm vi lực lượng CAND chủ trì xử lý, đồng thời đề xuất tổ chức thực tập và có kế hoạch bố trí, huy động lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó. Công an cấp xã chủ động báo cáo UBND cấp xã trang bị bổ sung cho lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở và Công an cấp xã thiết bị dụng cụ phá dỡ, máy cưa, máy cắt để phục vụ công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự ngay tại địa bàn cơ sở.

    Khi có dự báo thiên tai sắp xảy ra tác động đến thành phố, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và các đơn vị chức năng của CATP cần chủ động, thường xuyên nắm tình hình, bám sát các chỉ đạo của UBND thành phố, Bộ Công an, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an để khẩn trương bố trí đưa lực lượng, phương tiện vào thường trực ở mức cao nhất. Đồng thời có kế hoạch bố trí, phân công lực lượng, phương tiện chốt trực để sẵn sàng phối hợp di dời nhân dân, tài sản ở các vị trí, địa bàn được dự báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, ngập lụt, cháy, nổ... đến nơi an toàn. Trong quá trình ứng phó với thiên tai, CATP giao Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên báo cáo, tổng hợp tình hình, kết quả công tác hàng ngày hoặc khi có vụ việc lớn, phức tạp đang xảy ra thuộc trách nhiệm xử lý của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH về Cục Cảnh sát PCCC và CNCH để theo dõi, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo.

    Trí Nguyễn

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông