Phòng chống cháy nổ mùa mưa bão: không thể lơ là, mất cảnh giác

09:23 08/09/2017

Mưa, đặc biệt là mưa bão với lượng nước lớn, dài ngày, độ ẩm cao, nên không ai nghĩ những lúc như thế này lại có hỏa hoạn. Tuy nhiên, mùa mưa bão lại có những yếu tố gây cháy nổ mà ta không thể lường như sét đánh, bão gió...

Nguyên nhân phát sinh

Thời gian qua đã có rất nhiều vụ cháy, nổ xảy ra vào mùa mưa bão, gây hậu quả thiệt hại lớn về tài sản. Một trong những tác nhân gây nên cháy nổ chính là sét.

 Điển hình vào khoảng 16h  ngày 26-6-1997, trong cơn mưa giông, sét đánh vào ống xả hơi thông gió H5 của hệ thống kho xăng, dầu K131 làm cháy, nổ lớn và nhanh chóng lan sang các cửa hang còn lại. Nhận được tin báo, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hải Phòng nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp với các lực lượng chữa cháy đồng thời áp dụng một số biện pháp ngăn chặn không để dầu tràn ra sông Kinh Thầy, cháy lan sang khu vực dân cư, công trình lân cận.

Các lực lượng cũng khẩn trương di dân xung quanh khu vực kho K131 để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân và môi trường. Sau 2 ngay căng mình chiến đấu với “giặc lửa”, đến ngày 28-6-1997, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã ngăn không cháy lan rộng, tình hình an ninh trật tự trong khu vực được giữ vững. Vụ cháy đã gây thiệt hại 10 tỷ đồng, 1 công nhân vận hành đường ống chết, 2 công nhân khác bị bỏng 24%.

Hay như khoảng 10h ngày 21-5-2012, tại khu núi Trượt, làng Pháp Cổ, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, sét đánh bất ngờ vào các hốc mìn phá đá tại mỏ Trại Sơn B, trên núi Trượt, khiến mìn đồng loạt phát nổ. Vụ việc đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm 9 công nhân bị đá vùi và tử vong tại chỗ.

Nguyên nhân nữa chính là chập điện. Chỉ cần bỏ chút thời gian khi đi trên đường, ai cũng dễ dàng bắt gặp hệ thống đường dây được đấu nối chằng chịt. Nhiều cây cột điện, thậm chí là cây xanh phải oằn mình cõng hàng mớ dây các loại từ điện lưới, cáp truyền hình, Internet, điện thoại… Điều này không chỉ gây mất mỹ quan mà mưa bão, gió giật hoặc cây cối đổ gẫy sẽ dẫn đến chập điện gây cháy. Tình trạng trên còn tồn tại ngay cả các chợ và xưởng sản xuất.

Đáng nói, ý thức của người dân trong việc sử dụng điện an toàn còn chủ quan, lơ là. Nhiều khu vực, nhất là nông thôn, vùng sâu vùng xa, cột điện được tận dụng bằng cây cối hoặc lợi dụng địa hình, vật dụng để câu móc điện; cáp dẫn, dây dẫn điện sử dụng loại kém chất lượng nên rất nguy hiểm, dễ gây chập cháy.

Mưa bão gây cháy được chứng minh rõ nhất vào 11h30 ngày 3-8-2013. Cơn bão số 5 mang theo mưa to gió lớn đổ bộ vào đất liền, “bà hỏa” vẫn ghé thăm hai kho hàng số 695 - 697 đường Trường Chinh, quận Kiến An trong 2 tiếng đồng hồ. Đặc biệt, vụ cháy xảy ra ngay sát cây xăng Quán Trữ, làm không ít người lo sợ. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố đã phải phá cửa cuốn, dỡ mái nhà và đục các góc tường hai kho hàng để khống chế đám cháy. Các biện pháp bảo vệ cây xăng và những hộ dân xung quanh cũng được ưu tiên triển khai.

Đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ

Trước tình trạng trên, để đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ mùa mưa bão, Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố tăng cường các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến với người dân, nhất là ở khu dân cư có nguy cơ cháy cao và các hộ dân vừa sinh hoạt vừa kết hợp kinh doanh.

Trong đó, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố tăng cường cùng các cấp chính quyền, ban, ngành, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, xử lý tình huống, kiểm tra, khắc phục sự cố, bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành...

Đối với các khu dân cư, hộ gia đình, chủ yếu là từng người dân phải nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn. Cảnh sát PCCC thành phố khuyến cáo cần phải tự trang bị một số phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay; quản lý nguồn điện chặt chẽ, nhất là việc câu mắc điện, sử dụng các thiết bị điện, lựa chọn các thiết bị truyền tải điện phù hợp; đề phòng quá tải chập cháy, rò rỉ điện bằng cách sử dụng cầu dao điện có thiết bị bảo vệ tự đóng ngắt...

Việc sử dụng bình gas cho nấu nướng trong nhà cần chú ý đóng ngắt sau khi sử dụng. Nếu sử dụng bếp dầu, đèn dầu phải đảm bảo an toàn đề phòng dầu chảy loang gây cháy hoặc sử dụng bếp củi, bếp than đề phòng gió thổi tàn lửa bay đến vật liệu dễ cháy gây cháy nhà. Những chỗ thờ cúng cũng hết sức chú ý nguồn điện, nguồn nhiệt…

Khi người dân có ý thức PCCC thì việc chăm lo, quan tâm các điền kiện bảo đảm an toàn cháy nổ cho gia đình mình sẽ được nâng nên, các nguy cơ về cháy nổ do chập điện cũng được hạn chế. Song song với việc chữa cháy cần phải nhanh chóng gọi cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy bằng số điện thoại 114. Điều lưu ý là phải hết sức thận trọng, không nên dùng nước để chữa cháy khi thấy hiện tượng chập điện gây cháy.

Cảnh sát PCCC thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện tốt công tác PCCC tại chỗ. Đối với các cơ sở sản xuất, thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở doanh nghiệp tuân thủ quy định an toàn về điện. Ngoài ra, đã phối hợp với ngành điện lực thành phố đề nghị nâng cấp, cải tạo các đường dây điện tại những khu vực có nguy cơ cháy cao về điện để hạn chế tối đa các vụ cháy có thể xảy ra do cháy chập điện trong mùa mưa bão.

Các cơ sở tồn chứa xăng dầu và các công trình đặc biệt có yêu cầu lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét, phải thực hiện việc kiểm tra kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét. Việc lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét phải đảm bảo theo các quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam và các quy định khác của pháp luật. Cần gia cố, chằng buộc chắc chắn các cửa, công trình tránh sụp đổ khi có giông, gió mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC trước mùa mưa bão, đối với các kho hóa chất khi tiếp xúc với nước gây phản ứng tự cháy cần phải có biện pháp tránh ngập nước hoặc nước mưa rơi vào gây cháy. 

Minh Phương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích