Phòng ngừa biến động ngoại tệ phân hóa thị trường nội địa

17:12 25/07/2022

Bước sang năm 2022, tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới phải đối mặt với vô vàn thách thức, khi phải gánh chịu hậu quả của đại dịch Covid-19. Đặc biệt từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và dẫn tới chiến tranh, diễn biến thị trường càng thêm xấu, trong đó phân khúc ngoại tệ đang mang lại tác động đa chiều, ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu của các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam.
USD gia tăng sức ép lên hoạt động thanh khoản quốc tế (ảnh minh họa)

          Ảnh hưởng của đồng USD

          Theo đánh giá của các nhà phân tích, đồng USD đang trải qua đợt tăng giá mạnh mạnh mẽ nhất trong nhiều chục năm qua. Điều đáng nói, từ lâu USD đã được lựa chọn là phương tiện thanh toán linh hoạt nhất của thế giới, nên trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, biến động đồng USD đã làm thay đổi toàn diện diễn biến thị trường. Chẳng hạn, USD tăng giá đã khiến những ngoại tệ thuộc các nền kinh tế mạnh khác lao dốc, như Euro (Liên minh châu Âu) Yên (Nhật) hay Nhân dân tệ (Trung Quốc)…

          Tại thị trường trong nước, trong thời gian dài hệ thống các ngân hàng chủ đạo đã cố gắng giữ mức khá ổn định tỷ giá giữa nội tệ và ngoại tệ, để đảm bảo tính cân bằng trong các hoạt động thanh khoản. Tuy nhiên, những nỗ lực này cũng bắt đầu bị rạn nứt, khi hàng loạt các ngân hàng liên tục điều chỉnh tỷ giá.

          Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 23.214 VND/USD; tỷ giá bình quân của các ngân hàng thương mại mua vào 23.250 VND và bán ra 23.560 VND/USD. Còn tại thị trường tự do, giá mua vào là 24.400 VND và bán ra 24.440 VND/USD.

          Trong khi đó, nhiều ngoại tệ khác đang giảm mạnh so với USD, đơn cử như EURO của chấu Âu đã cơ bản ở mức ngang bằng với đồng tiền của nước Mỹ khi được mua vào chỉ với 23.245 VND và bán ra 24.546 VND/Eur. Trong khi Bảng Anh cũng xuống chỉ còn 27.300 VND mua và và 28.464 VND/GBP.

          Có nhiều nguyên nhân được đưa ra cho đợt biến động lần này, nhưng nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất có lẽ chính là những chính sách xung đột của các nền kinh tế lớn, trong bối cảnh tác động dịch bệnh, lạm phát, đối đầu thương mại và những hệ lụy liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraine.

          Vấn đề quan trọng là, việc đồng USD tăng giá đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, vì hầu hết việc thanh toán hiện chủ yếu vẫn dùng USD. Nên khi VND mất giá với USD thì đương nhiên giá trị hàng hóa nhà xuất khẩu sẽ bị sụt giảm.

          Ngược lại, nhờ các ngoại tệ khác giảm giá nên một số hoạt động nhập khẩu sẽ có lợi khi việc thanh toán được chuyển sang nội tệ từ nước nhập (trừ Mỹ). Điều này có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước, nhưng sẽ khiến thị trường có nguy cơ phân hóa hoặc phải cơ cấu lại, do thay đổi đáng kể giữa hai chiều xuất nhập hàng hóa.

Biến động ngoại tệ sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất nhập khẩu của Hải Phòng?

          Cần chủ động phòng ngừa

          Ở diễn biến khác, trong lúc ảnh hưởng của việc tăng giá đô la Mỹ còn khó dự báo, thì đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) cũng đang tạo ra sức ép lớn, khi song hành tăng cùng USD. Nhìn lại năm thời gian qua, với vị thế là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, mỗi lần Trung Quốc điều chỉnh CNY là ngay lập tức cả thị trường hàng hóa Việt Nam và thế giới đều bị xáo trộn.

          Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn vào nền kinh tế nước bạn từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ, chưa kể Việt Nam là nước nhập siêu từ Trung Quốc với giá trị hàng hóa hàng chục tỷ USD mỗi năm, nếu phương tiện thanh toán được tính bằng USD hoặc CNY thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn.

          Đối với Hải Phòng, tính 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng đạt  13,54 tỷ USD, tăng 15,33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ trọng của các doanh nghiệp FDI chiếm áp đảo. Điều này cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Hải Phòng phụ thuộc rất lớn vào đầu tư nước ngoài, bên cạnh thuận lợi cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi chính sách tiền tệ quốc tế biến động.

          Tại thời điểm này, biến động thị trường tiền tệ còn “nóng hổi” nên có lẽ chưa kịp tạo ra sự khác biệt. Mặt khác, theo một giám đốc doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu, về cơ bản các ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Hải Phòng chưa chịu tác động nhiều, bởi hầu hết thuộc về các hợp đồng cũ.

          Nhưng vấn đề ở chỗ, trước mắt các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hải Phòng chiếm tỷ lệ gia công rất lớn, nguồn nguyên vật liệu đầu vào phụ thuộc nhập khẩu, nên có thể tự cân đối. Nhưng thời gian đang tiến dần về cuối năm, rất có thể nỗi lo cho Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung sẽ xuất hiện từ quý 4, thời điểm đáo hạn của các hợp đồng kinh tế và công nợ đối ngoại.

          Kinh nghiệm của những năm trước đã thể hiện rõ, bên cạnh việc thanh khoản của hoạt động xuất nhập khẩu của hệ thống thương mại chính ngạch, khiến vòng chu chuyển tiền tệ “xoay” mạnh, thì thị trường ngoại tệ tự do (chợ đen) cũng luôn sôi động.

          Thực tế thời gian qua cho thấy, dù Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách kiểm soát, nhưng hiện ngoại tệ “chợ đen” vẫn giữ vai trò chi phối lớn, gắn liền với thương mại ngoài luồng như xuất nhập khẩu tiểu ngạch, buôn bán hàng lậu, hàng cấm…

          Trước kia thị trường tiền tệ cuối năm thường nóng do ảnh hưởng từ các giao dịch của thị trường, thì gần đây ảnh hưởng từ các chính sách vĩ mô tăng lên rất nhiều, mà diễn biến của ngoại tệ kể trên đã phản ánh rõ. Đây chính là nét mới mang của quá trình hội nhập quốc tế, đòi hỏi cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải quan tâm, để có phản ứng tích cực với biến động tiền tệ.

          Có ý kiến cho rằng, vấn đề đặt ra là thời gian tới, các doanh nghiệp phải chủ động đàm phán trong hợp đồng mới, chọn phương tiên thanh toán bằng nội tệ của nước nhập khẩu (chẳng hạn châu Âu là EURO, Nhật Bản là đồng Yên), sẽ hạn chế được sự lệ thuộc vào USD.

          Nhưng vì giữ vai trò là đầu mối xuất nhập khẩu lớn của khu vực phía Bắc, dù nhiều hay ít thì Hải Phòng cũng phải chịu tác động trực tiếp, nhất là các hoạt động tiểu ngạch, việc thanh khoản phải lệ thuộc nhiều vào nguồn ngoại tệ ngoài luồng. Đây sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn khó dự báo đối với thị trường.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông