Phong trào văn hóa quần chúng – Định hình theo xu thế mới

21:29 03/08/2018

Cách đây mấy chục năm, văn nghệ quần chúng cùng với các phong trào văn hóa, thể thao khác (văn-thể) đã tạo ra một mảng tinh thần khá nổi bật trong đời sống cộng đồng. Nhưng đấy là thời kinh tế tập trung, còn giờ đây khi nền kinh tế thị trường đang phát triển, thì xu hướng “văn – thể” dường như cũng vận hành theo cơ chế mới.

                                                                                                                                                                

Thời hoàng kim đã qua

Đã một thời người ta lấy sự rầm rộ của các hoạt động bề nổi này làm thước đo giá trị thành tích của một số tổ chức đoàn hội, vì lúc ấy không ít người cho rằng đoàn hội sinh ra chỉ để làm cái việc gây dựng đời sống tinh thần. Ông Nguyễn Hoàng H. – nguyên là Chủ tịch Công đoàn của doanh nghiệp nhà nước nhớ lại: “Dường như đến hẹn lại lên, mỗi năm vài lần khi của ngành, khi của Liên đoàn thành phố, khi của Thành đoàn… mở hội diễn phong trào, các đội văn nghệ cơ sở lại có dịp tham gia”.

Theo ông H., lúc đó những hoạt động bề nổi không vì thương hiệu, không vì mục đích quảng bá sản phẩm, đơn giản chỉ vì thành tích chung, mà thành tích quan trọng lắm. Kinh phí và thời gian đã có “nhà tài trợ” độc quyền là giám đốc Nhà máy theo cơ chế xin-cho, mọi người thường nói vui: “Bao nhiêu đã có Liên Xô chịu”. Tại cơ sở, các cuộc thi được tổ chức từ xưởng, phân đoàn, chi đoàn… để lựa chọn nhân tố. Nếu áp lực thành tích cao, các cơ sở  lại “mò” đi tìm những người có nghề nhưng đang “ở ẩn”, tạo ra một hợp đồng lao động hoặc giấy tạm trú để biến họ thành người của doanh nghiệp cho đúng như thể lệ. Hội diễn thành công sẽ duy trì đội ngũ, tiếp tục chinh phục đỉnh cao hơn, nếu không sẽ tuỳ cơ ứng biến, cũng có khi giữ hẳn người ta ở lại, biên chế vào một bộ phận linh hoạt nào đó của cơ sở.

Không chỉ văn nghệ, mà các phong trào khác cũng vậy, nào là “Bàn tay vàng” trên lĩnh vực nghề, rồi “Đầu bếp vàng” trên lĩnh vực nội trợ, kể cả bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn hay thể dục nhịp điệu… cũng được tổ chức thành chuỗi hoạt động từ dưới lên trên, có khi hội diễn quần chúng nhưng còn được làm ở cả cấp Trung ương nữa. Cứ như thế, giật được được một giải phong trào là lá cờ và mức tiền thưởng có khi chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng cơ  sở phải chi phí gấp tới vài chục lần, dẫu sao cũng là “của một đồng, công một nén”, cơ chế thời kinh tế tập trung là như thế. Thậm chí ở những nhà máy lớn như nơi ông H. công tác, Văn phòng Công đoàn còn biên chế hẳn một đội văn-nghệ-thể chuyên trách, quy tụ những nhân tố được đào tạo bài bản từ các trường chuyên nghiệp đủ cả ca sỹ, vũ công, nhạc công, biên đạo, vận động viên… cả năm chỉ ăn với tập và phục vụ.

Phải thừa nhận rằng, phong trào văn-nghệ-thể cơ sở đã đóng một vai trò tích cực trong việc tập hợp quần chúng, không chỉ về mặt tinh thần, mà cả tính chuyên môn đôi khi  “thịnh” chẳng kém gì  sân chơi chuyên nghiệp. Hơn ở chỗ, so với biểu diễn chuyên nghiệp, văn-nghệ-thể quần chúng hơn đứt về sự cống hiến, hăng say và cả tinh thần cổ vũ nhiệt thành từ khán giả, đơn giản vì đấy là màu cờ sắc áo. Từ lĩnh vực phi thị trường, phi lợi nhuận, phi nghề nghiệp này, nhiều nhân tố được phát hiện, bồi dưỡng đã nổi tiếng khi thành người của công chúng, để lại những ấn tượng sâu đậm trong sự nghiệp chung. Thế nên, Hải Phòng từng một thời có tới 4 đội bóng đá doanh nghiệp, nhưng làm mưa làm gió trên khắp sân vận động toàn quốc, là minh chứng rõ nét từ thành công của cơ sở.

 Đến ngày đường ai nấy đi?

Cần phải thấy rằng, ở thời kinh tế tập trung, ngoài công việc được “phân phối” theo kế hoạch, còn nhiều yếu tố khác liên quan tới sự “tồn vong” của cơ sở phụ thuộc vào cơ quan quản lý cấp trên. Còn giờ đây, nhất là hệ thống các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường đã thoát ly khỏi hoàn cảnh đó, thì cái “oai” của các cơ quan quản lý cũng không còn đủ áp lực. Có lẽ cũng vì thế mà sân chơi văn-nghệ-thể  quần chúng lâm vào cảnh thoái trào, như tâm sự của một cán bộ quản lý cấp sở: “Xuống xin họ cái báo cáo thống kê còn phải vật vã, nói gì đến triệu tập hội diễn nữa…”.

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông H., thì phong trào văn-nghệ-thể cơ sở không “chết”, vì nó được khơi từ sự lãng mạn có sẵn trong tư chất mỗi người. Chỉ có điều ngày nay công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhà nhà sắm Karaoke, Internet, SmartPhone tự cung tự hưởng, thiết bị âm thanh toàn hàng khủng, các dạng hình CLB văn hóa, thể thao cũng phong phú, thì phong trào truyền thống “mất đất” cũng là lẽ tự nhiên. Mặt khác, ở mỗi đơn vị phong trào thăng trầm tuỳ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu, ngay thời điểm hiện tại vẫn có nhiều doanh nghiệp tự tổ chức các hội thi, hội thao, khác là không nâng cấp bậc theo hệ thống hành chính như ngày trước mà thôi.

Ông H. cho biết thêm, dù nguyên là Chủ tịch Công đoàn nhưng xuất thân ông vốn học biên đạo múa chuyên nghiệp. Về hưu ngứa nghề, lại hay được bạn cũ “rủ rê” nên ông thường tham gia các hoạt động quần chúng, vừa biên đạo, vừa diễn viên, vừa là đạo diễn, đôi khi còn lấn sang cả sân chơi thể thao để làm “ông bầu”. Dần dà, do nhu cầu xã hội phát sinh, giờ ông lập hẳn một đội hình dịch vụ, sắm bộ âm thanh “xịn” cứ có người thuê là “Ok!”. Tất tần tận từ văn hóa, văn nghệ đến thể thao, từ làng xã đến khu phố, liên hoan, hội họp, đám cưới cho đến cả đám ma, ngã giá xong là “A lô” gọi nhau đi phục vụ. Ông khoe: “Có lần tôi đạo diễn cho một liên hoan văn nghệ ở trại cai nghiện, chẳng biết khi các em nghiện ma tuý thì cảm giác phê thế nào, nhưng xem các em biểu diễn thì nhiều người phê thật...”.

Ấn tượng nhất với ông H. là dịp tổ chức chương trình cho một Công ty giày dép của Đài Loan, tích hợp cả thi văn nghệ lẫn giải thể thao. Ông H. hào hứng triết lý: “Văn nghệ phát triển giúp chúng tôi gắn kết với nhau, thiếu văn nghệ thì chưa thể gọi là một doanh nghiệp thành công. Theo tôi thì quản lý là cốt lõi, văn hoá là linh hồn, tri thức hoá quản lý không thể thiếu tri thức hoá lao động, đấy là phương châm linh hoạt của văn hoá doanh nhân”.

Thế mới biết, có thể sự thăng hoa chưa trở lại xứng tầm với không khí ngày trước, nhưng dù trong thời điểm nào thì phong trào văn-nghệ-thể quần chúng cũng vẫn có riêng một giá trị. Hy vọng rằng, cùng với sự phát triển chung của xã hội hiện đại, phong trào này sẽ được định hình theo phong cách mới, để cuộc sống xã hội ta thêm tươi tắn hơn.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông