Góp phần chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em

    11:22 06/05/2019

    Sau hơn 2 tháng thành lập và đi vào hoạt động, được sự quan tâm tạo điều kiện của Sở Y tế thành phố, Phòng tư vấn và tiêm phòng vắc xin BV Trẻ em Hải Phòng đã thu hút đông đảo trẻ em đến khám bệnh, tư vấn và tiêm các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm. Do tuân thủ quy trình bảo quản vắc xin nghiêm ngặt, chất lượng vắc xin đảm bảo, trẻ em đến tiêm chủng được khám sức khỏe và tư vấn tận tình nên không để xảy ra tình trạng trẻ bị phản ứng sau tiêm chủng.

    Trước khi vắc xin tiêm chủng được phát minh, đã có rất nhiều trẻ em bị tử vong bởi các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao, viêm màng não, viêm não Nhật Bản… Từ khi khoa học tìm ra được vắc xin, các tác nhân gây bệnh ở trẻ dù không mất hẳn đi nhưng trẻ lại được bảo vệ tốt hơn và tránh được nhiều bệnh tật tấn công hơn.

    Do đó, tiêm chủng là biện pháp chủ động tốt nhất phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả. Chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia với trẻ dưới 6 tuổi đã được thực hiện có hiệu quả, giảm thiểu các bệnh lây nhiễm ở trẻ em, tuy nhiên độ bao phủ của tất cả vắc xin có trong chương trình chưa hết. Nhiều mặt bệnh cũng chưa được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mà phải thông qua tiêm dịch vụ.

    BsCKII Phạm Văn Dương, Phó Giám đốc BV Trẻ em Hải Phòng, cho biết: “Trung tâm tư vấn tiêm phòng vắc xin đặt tại BV Trẻ em Hải Phòng có lợi thế khác biệt so với các điểm tiêm khác, bởi tại đây tất cả các bác sĩ, điều dưỡng đều có kiến thức chuyên sâu về trẻ em để có thể khám, tư vấn và thực hiện các mũi tiêm cho trẻ một cách an toàn, hiệu quả.

    BV đã đưa ra mục tiêu nhằm hoàn thiện và đồng bộ tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tại bệnh viện, không chỉ nêu cao tầm quan trọng của điều trị bệnh mà còn đẩy mạnh công tác dự phòng trong bệnh viện…”

    Trung tâm tư vấn và tiêm chủng còn có nhiệm vụ cung cấp các mũi vắc xin còn thiếu cho những trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện mà không có các chống chỉ định, các trẻ có nguy cơ cao (tiền sử dị ứng, đẻ non, trẻ có kèm các bệnh mạn tính và dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch tiên phát…), giúp hạn chế tối đa trường hợp lây nhiễm trong bệnh viện, cũng như trong cộng đồng do trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm cần thiết theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra phòng tiêm chủng nhận tiêm cho các trẻ bên ngoài bệnh viện theo lịch tiêm vắc xin.

    Qua khảo sát tại BV Trẻ em, cho thấy hầu hết phụ huynh đưa trẻ đến tiêm chủng tại Phòng tư vấn và tiêm chủng vắc xin tại BV đều yên tâm tin tưởng vào chất lượng vắc xin và thái độ phục vụ của nhân viên y tế nơi đây.

    Chị Vũ Thị Huyền, ở thôn Lương Quán, xã Nam Sơn, huyện An Dương, vừa đưa con trai Mai Đức Minh, 2,5 tháng tuổi, đến tiêm chủng tại Phòng tư vấn và tiêm chủng vắc xin BV Trẻ em cho biết: “Tôi rất yên tâm vì trước khi tiêm chủng, con tôi được các bác sĩ khám bệnh với tinh thần trách nhiệm và tận tâm. Sau khi tiêm, con tôi được theo dõi các phản ứng sau tiêm, khi về được tôi con được tư vấn nhiều kiến thức bổ ích về lịch tiêm chủng và thời gian vàng để đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, cũng như những kiến thức để chăm sóc và nuôi con khỏe mạnh…”.

    Đối với chị Phạm Thu Anh, ở phường Đồng Hòa, quận Kiến An, đưa con nhỏ Phạm Thanh Chúc, 1 tháng tuổi, đến tiêm chủng tại BV Trẻ em, cảm thấy yên tâm và rất hài lòng về phong cách phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế bởi con được khám sàng lọc sức khỏe trước khi tiêm, đồng thời được theo dõi chặt chẽ sau tiêm nên không xảy ra phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe…

    Triển khai hoạt động từ tháng 2-2019, Phòng tư vấn tiêm chủng vắc xin đã tổ chức tiêm chủng cho trẻ theo đúng lứa tuổi quy định và đáp ứng theo nhu cầu của gia đình. Trẻ đến tiêm chủng được đón tiếp, đưa vào phòng chờ trước tiêm, sau đó trẻ được khám sức khỏe tổng quát về phổi, tim mạch và các bệnh lý khác… nhằm phát hiện trường hợp bất thường cần lưu ý để quyết định cho trẻ tiêm chủng hay không tiêm chủng vắc xin.

    Một số trường hợp chống chỉ định và tạn hoãn tiêm chủng vắc xin như: Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở; trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan....); trẻ suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc xin sống…

    Bác sĩ BV Trẻ em Hải Phòng chăm sóc sức khỏe cho trẻ sau tiêm chủng (Ảnh Hồng Hải)

    Với đội ngũ và điều dưỡng được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng mở rộng tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (đã có chứng nhận đào tạo về tiêm chủng an toàn), cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng thuộc Khoa khám bệnh yêu cầu tham gia phục vụ khám sàng lọc và theo dõi bệnh nhân sau tiêm chủng, nên hầu hết trẻ đến tiêm chủng tại Phòng tư vấn và tiêm chủng vắc xin của bệnh viện để bảo đảm an toàn.

    Sau khi tiêm chủng, nhân viên y tế ghi đầy đủ các thông tin vào phiếu hoặc sổ tiêm chủng và trả lại cho cha mẹ trẻ, người được tiêm chủng và hẹn lần tiêm chủng sau; đồng thời nhắc cha mẹ trẻ, người được tiêm chủng giữ phiếu/sổ tiêm chủng cẩn thận và luôn mang theo khi tới cơ sở y tế hoặc bệnh viện; ghi ngày tiêm chủng đối với từng loại vắc xin đã tiêm chủng cho đối tượng vào sổ tiêm chủng của cơ sở y tế.

    Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ tránh các bệnh truyền nhiễm, Trung tâm tư vấn và tiêm phòng vắc xin BV Trẻ em Hải Phòng chủ động duy trì, đảm bảo nguồn vắc xin, cũng như quy trình bảo quản vắc xin chặt chẽ, bám sát quy trình tiêm, khám sàng lọc trước tiêm và tư vấn cho các bậc cha mẹ lịch tiêm theo từng độ tuổi, tránh bỏ lỡ thời gian vàng của trẻ để chủ động tiêm phòng phòng các bệnh truyền nhiễm.

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông