Phóng viên địa bàn

08:04 14/06/2021

Làm báo, đó là cái nghề cao quý mà khi còn dưới mái trường phổ thông tôi đã hằng ao ước. Các bạn đại học của tôi cũng không ít người đã theo đuổi cái nghiệp này, nhiều người giữ các chức danh lãnh đạo của các cơ quan tòa soạn. Khi được hỏi, ai cũng tâm đắc: được làm phóng viên là thích nhất…
Phóng viên An ninh Hải Phòng tác nghiệp tại hiện trường

Thời gian mới về Báo An ninh Hải Phòng, thấy tôi thích đi làm điều tra, phóng sự, Phó Tổng biên tập báo lúc đó là anh Trần Bá Thiều bảo: “Cho ông làm phóng viên tự do”. Có nghĩa là thích viết gì thì viết, miễn là giao nộp về Tòa soạn sản phẩm chất lượng. Đam mê lại đúng sở trường, tôi rất phấn khởi bởi thời điểm đó tôi cũng cho ra “lò” một số tác phẩm.

Nhưng làm báo thời nay đâu có như thời Vũ Trọng Phụng - “ông vua phóng sự Bắc Kỳ”. Tôi nhớ ngoài những chuyến công tác đột xuất, có lần bị lãnh đạo điều đi làm tin, viết chuyên đề “vá” cho phóng viên địa bàn nghỉ ốm hay bận việc nhà. Do không theo dõi sâu lĩnh vực, địa bàn này, không có tích lũy thông tin, tài liệu, thậm chí một số thuật ngữ người ta quen dùng nên những tin bài kiểu này tôi viết rất vụng; chả khác gì “trâu cày đường nhựa”. Mãi sau này tôi mới vỡ ra, đi viết phóng sự, điều tra là một chuyện. Còn phóng viên muốn viết tin bài đạt đến độ chuyên sâu, phải bám chặt, bám chắc địa bàn hoạt động. Thế nên người ta mới có phóng viên thường trú ở tỉnh và các quốc gia.

Sức sống của báo chí chính là những hiện tượng, sự việc, những vấn đề xảy ra hằng ngày ở mỗi địa bàn, lĩnh vực đời sống, qua lăng kính chọn lọc của phóng viên. Để có những tin bài hấp dẫn bạn đọc, phản ánh chân thực, khách quan cuộc sống một cách sinh động nhất, có độ tin cậy cao nhất, địa bàn chính là nơi cung cấp các nguyên liệu thô cho nhà báo làm các công đoạn “chế biến” thành sản phẩm báo chí.

Đến địa bàn, phóng viên được tiếp xúc với muôn hình vạn trạng thực tiễn của cuộc sống; được tiếp xúc không biết cơ man tài liệu mình cần; là những ái - ố - hỷ - nộ, không nhập cuộc thì không thể hình dung nổi. Rồi cùng với nó biết bao buồn vui sướng khổ, gian truân của những lần đi địa bàn thâm nhập thực tế; khi đêm hôm lạnh giá, lúc nắng lửa trưa hè, cơ sở cứ “ới” là phóng viên lên đường. Ở đó chúng tôi hiểu được cách đánh án của trinh sát hình sự, cách điều tra những vụ án mờ, thế nào là tài liệu trinh sát, đâu là tài liệu tố tụng cùng rất nhiều bài học vỡ lòng của nhiều lĩnh vực khác nhau mà người làm báo phải biết.

Một câu hỏi luôn được đặt ra, ấy là làm cách nào để tiếp cận tốt được địa bàn? Kinh nghiệm của tôi, phóng viên luôn phải chủ động chuẩn bị kỹ càng trước cho mình một số gạch đầu dòng khi xuống địa bàn khai thác tài liệu. Đó là những vấn đề cần hỏi, những văn bản có liên quan đến vấn đề đó đề nghị được cung cấp, những quan điểm cần trao đổi...

Một số đồng nghiệp lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm làm báo còn có những cách thức, kỹ năng, những “mẹo vặt” đi tác nghiệp, tỉ mỉ đến mức đó có cả các khâu giao tiếp, cách đặt vấn đề thế nào để người ta hoàn toàn yên tâm khi cung cấp tài liệu cho mình, rồi cách gợi chuyện, bám vào tài liệu sẵn để hỏi thêm. Tóm lại phải biết cách làm công tác dân vận, chớ coi thường ai dù chỉ là một anh bảo vệ, hay một cô văn thư...

Những bài học đó ở An ninh Hải Phòng, chúng tôi tiếp thu rất nhanh. Lăn lộn với địa bàn, chính là trường đào tạo nghề, giúp trưởng thành nhanh nhất. Có thể cũ nhưng luôn mang lại những hiệu quả mới: “Năng đi năng đến, năng mến năng thương”.

Nói không ngoa, quả thực địa bàn “cho” người làm báo nhiều thứ. Có phóng viên An ninh Hải Phòng đã tìm được “một nửa đời mình” ở địa bàn. Có địa bàn “tín” phóng viên đến độ, “chỉ cô ấy chúng tôi mới cung cấp tin”. Lại có địa bàn (công an quận, công an huyện, các đơn vị trinh sát...) vừa bắt đối tượng từ những vụ án quan trọng đã hoan hỉ thông báo phóng viên, ưu tiên số 1 cho An ninh Hải Phòng đưa tin sớm nhất.

Phóng viên Thế Khoa cùng các CBCS trước khi lên đường làm nhiệm vụ

Người viết bài này cũng rất tự hào khi được các đời Trưởng Công an huyện như Đại tá Tạ Xuân Phượng, Đại tá Hoàng Văn Thao phong cho làm “phóng viên An ninh Thủy Nguyên” khi đã nhiều năm “3 cùng” với địa bàn. Phóng viên Trung Kiên được giao tuyên truyền về huyện An Dương, chỉ trong ít bữa đã biết hết tên tuổi, số điện thoại của Bí thư chủ tịch các xã, lãnh đạo chủ chốt của huyện nên địa bàn xảy ra “động tĩnh” gì đều biết hết. Bí quyết của Trung Kiên: luôn coi địa bàn thân thiết như làng xã quê mình. Chuyện vui, chuyện buồn thì chia sẻ.

Đi thực tế nhiều, va chạm với nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực của đời sống khác nhau mới thấy, làm báo, nhất là báo của lực lượng Công an, mọi thông tin trên báo luôn luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt 3 yếu tố: chính trị-nghiệp vụ-pháp luật. Các thông tin, bài viết là cả một cuộc rà soát, kiểm tra, thận trọng tới từng câu chữ.

Hiện nay, thời của mạng xã hội phát triển, nếu chỉ kéo ở mạng xuống, lấy tin qua điện thoại, bài viết sẽ hời hợt, chủ quan, võ đoán, thậm chí dính fake news (tin giả). Bởi vậy, đã là phóng viên địa bàn không cách nào khác là phải đi thực tế. Nhiều phóng viên khi trưởng thành lên làm công tác quản lý bỗng dưng rất… nhớ địa bàn là thế.

Người viết bài này cũng từng rơi vào tâm trạng ấy, nên nhiều lúc cũng xuống các địa bàn, một phần tác nghiệp lấy tài liệu viết tin bài như một phóng viên, phần muốn được gặp gỡ giao lưu nơi cơ sở. Có lẽ ở đó chúng tôi mới gặp thêm một gương mặt mới, biết thêm một vùng đất mới, được học thêm một lời ăn tiếng nói... tạo nên mạch sống cho những trang bản thảo, bồi đắp tâm hồn mình thêm phong phú để thêm yêu nghề, tận tâm tận lực với nghề.

NGỌC PHÚC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông