Người khiến những trang tài liệu “biết nói”

20:23 04/03/2019

“Những trang hồ sơ, tài liệu “biết nói” là một trong những chứng cứ quan trọng để đưa mỗi vụ án ra ánh sáng, bắt những kẻ thủ ác phải cúi đầu nhận tội, đó là điều mà đối với mỗi cán bộ chiến sỹ nữ phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Ninh thấy công việc của mình càng có ý nghĩa quan trọng, cảm thấy thêm yêu và gắn bó với công việc tưởng chừng như “khô cứng và nhàm chán”.

 Vào buổi chiều thứ 7, hội viên phụ nữ Phòng Hồ sơ vẫn miệt mài phân tích tỉ mỉ từng dấu vân tay, thông tin của các đối tượng phạm tội

Đến Đội Tàng thư căn cước can phạm, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh vào một buổi chiều ngày thứ 7, giữa những căn phòng xếp dài các dãy tủ đựng hồ sơ, chất đầy những tài liệu, thông tin về tội phạm, những nữ cán bộ của đơn vị vẫn miệt mài nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ từng dấu vân tay, thông tin của các đối tượng phạm tội được cơ quan CSĐT yêu cầu tra cứu mới thấy công việc của cán bộ hồ sơ không hề đơn giản, từng thao tác phải cần trọng, tỉ mỉ, đòi hỏi mỗi thông tin tra cứu phải cụ thể, chính xác.

Thiếu tá Hà Thị Hiền Phương, Hội trưởng Hội phụ nữ Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trung bình một ngày bình thường, mỗi cán bộ phụ nữ Phòng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết hơn 100 yêu cầu tra cứu.

Vào những đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, tuyển sinh đại học, cao đẳng, nghĩa vụ hay bầu cử, yêu cầu phục vụ quy hoạch chức danh của các đơn vị ngành ngoài, chúng tôi đều huy động 100% chị em làm thêm ngoài giờ hành chính, làm thêm cả thứ 7, chủ nhật, phân chia đầu việc cụ thể, ai làm sáng không xong thì chiều làm, chiều chưa xong thì tối làm, hoặc cứ rỗi lúc nào thì tranh thủ lúc đó, miễn là nhiệm vụ hoàn thành”.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn yêu cầu tra cứu ngày càng tăng cao, việc tra cứu phải trải qua 3 bộ phận từ Đội Hồ sơ Cảnh sát, Đội Hồ sơ An ninh và Tàng thư căn cước can phạm mất nhiều thời gian, bất cập, để đáp ứng nhiệm vụ công tác, Hội phụ nữ Phòng Hồ sơ đã nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo đơn vị thành lập mô hình “tra cứu một cửa”, tiếp nhận và trả lời yêu cầu tra cứu ở cùng 1 bộ phận, qua đó góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tra cứu từ 1 đến 7 ngày còn 1 đến 3 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương đến tra cứu không phải đi lại nhiều lần, đỡ mất nhiều thời gian, công sức.

Tại bộ phận một cửa Phòng Hồ sơ gửi yêu cầu tra cứu, thượng úy Nguyễn Hà Nhì, Đội An ninh nhân dân, Công an huyện Đầm Hà chia sẻ: “Hơn 100 cây số đoạn đường lại khó đi, tôi thường gửi yêu cầu tra cứu theo đường công văn, sau 3 đến 5 ngày Phòng Hồ sơ đã trả lại yêu cầu về tận đơn vị nên việc tra cứu của chúng tôi hết sức đơn giản.

Có những lần yêu cầu tra cứu phục vụ công tác điều tra phá án cần gấp tài liệu, các đồng chí Phòng Hồ sơ tạo điều kiện tra cứu giúp tôi trong ngày trả luôn để không mất thời gian đi lại nhiều lần, mất công mất sức”.

Mô hình tra cứu 1 cửa do Hội phụ nữ Phòng hồ sơ đảm nhận trung bình 1 năm tiếp nhận và xử lý gần 30.000 yêu cầu nghiệp vụ tra cứu, 1 tháng xử lý hơn 1.000 yêu cầu.

Với khối lượng công việc lớn, 12 hội viên phụ nữ trong đơn vị phải căng mình làm việc, có thời điểm 1 ngày mỗi hội viên xử lý hơn 100 yêu cầu, nhiều trường hợp tra cứu gấp phải trả ngay trong ngày nên đơn vị thường huy động hội viên làm cả ngày lẫn tối.

Điển hình như vụ án triệt phá tụ điểm đánh bạc tại thôn Tràng Bạch, xã Hoàng Quế, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vào hồi tháng 3 năm 2016, trong 12 tiếng đồng hồ, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh đã tiếp nhận, phân loại 182 đối tượng có liên quan, xác định mức độ vi phạm của từng đối tượng, đồng thời tiến hành tra cứu 182 đối tượng, qua đó phát hiện 56 đối tượng có tiền án, tiền sự, kịp thời cung cấp thông tin để Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Quyết định tạm giữ, khởi tố 102 đối tượng về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

Để hồ sơ, tài liệu trở nên hữu ích, hằng năm, hội viên phụ nữ Phòng Hồ sơ không chỉ lập mới mà còn tiếp nhận, nhập thông tin, tài liệu phản ánh về diễn biến hồ sơ, đối tượng và người phạm tội.

Thông qua đó thống kê, quản lý được tổng số các yêu cầu tra cứu nghiệp vụ, từ đó, phân tích, đánh giá tình hình tội phạm, cùng phối hợp với các đơn vị chuyên môn khác kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo Công an tỉnh những biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Bên cạnh việc quản lý, sử dụng những trang hồ sơ giấy, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, Hội phụ nữ Phòng Hồ sơ đã đề xuất đơn vị ứng dụng nhiều phần mềm hiện đại phục vụ công tác tra cứu như hệ thống quản lý thông tin vụ việc, đối tượng; hệ thống nhận dạng vân tay tự động VAFIS đã nhập, lưu trữ được hàng chục nghìn chỉ bản vân tay đối tượng có tiền án, tiền sự, phục vụ yêu cầu truy tìm tung tích nạn nhân, xác minh thông tin lai lịch nạn nhân và đối tượng phạm tội...

Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan CSĐT yêu cầu tra cứu gấp để kịp thời truy bắt tội phạm, việc ứng dụng khoa học kĩ thuật hiện đại để tra cứu đã giúp rà soát, sàng lọc đối tượng nghi vấn nhanh chóng, chính xác, góp phần giải mã thành công nhiều chuyên án.

Vụ án thảm sát 4 bà cháu xảy ra tại phường Phương Nam, TP Uông Bí, là một vụ án nghiêm trọng, phức tạp xảy ra hồi tháng 9-2016. Ngay sau khi sự việc được người dân phát hiện, Cơ quan công an đã nhanh chóng khám nghiệm hiện trường, thu thập nhiều dấu vết vật chứng, sàng lọc hơn 300 đối tượng có khả năng nghi vấn để xác minh, điều tra.

Sau khi được cơ quan điều tra cung cấp thông tin ban đầu, Phòng Hồ sơ đã tiến hành tra cứu, phân tích các dấu vết tại hiện trường, bằng hệ thống nhận dạng vân tay tự động VAFIS đã phát hiện dấu vân tay tại hiện trường trùng khớp với đối tượng tên Doãn Trung Dũng, 45 tuổi, trú tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí. Đây là cơ sở để cơ quan CSĐT tiến hành xác định hung thủ gây án, truy bắt thành công Doãn Trung Dũng khi y đang trên đường lẩn trốn tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Trần Thị Nhung, Đội trưởng Đội Hồ sơ Nghiệp vụ An ninh nói: “Ngoài công tác nghiệp vụ hồ sơ, phụ nữ chúng tôi làm cả phần việc theo dõi, quản lý kỹ thuật, quản lý phần mềm tra cứu làm sao đảm bảo thời gian tra cứu luôn thông suốt. Vì vậy, việc trực trong đơn vị cũng được cán bộ thực hiện nghiêm túc”.

Bên cạnh những nỗ lực không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, với tâm niệm “cho đi là nhận lại”, hội viên phụ nữ Phòng Hồ sơ luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Năm 2018, hội viên phụ nữ đơn vị đã phát động chương trình “mỗi cán bộ chiến sỹ ủng hộ 1 ngày lương” để làm quỹ từ thiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh; tổ chức chương trình Tết thiếu nhi mùng 1-6; thăm, tặng quà cho cán bộ chiến sỹ trong đơn vị có hoàn cảnh khó khăn nhằm động viên cán bộ trong đơn vị tiếp tục phấn đấu, khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống và yên tâm công tác.

Với chị em hội viên phụ nữ Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh, dù thời gian nhiều eo hẹp, công việc nhiều bộn bề, vất vả nhưng các chị vẫn âm thầm, lặng lẽ đằng sau mỗi chuyên án, góp phần làm nên những chiến công vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, thực sự là “địa chỉ tin cậy” để các đơn vị nghiệp vụ Công an toàn tỉnh và nhân dân gửi gắm niềm tin, xứng đáng với danh hiệu “phụ nữ phòng hồ sơ tận tụy, khoa học, giỏi việc nước, đảm việc nhà, vì nhân dân phục vụ”.

HẢI YẾN

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích