Phủ Thượng Đoạn: Công trình nghệ thuật đặc sắc

23:34 19/01/2018

Nằm trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng, Phủ Thượng Đoạn (Phường Đông Hải 1, quận Hải An) nổi tiếng như một trung tâm của xứ Đông (Hải Dương - Hải Phòng) trong việc tôn thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam. Được xây dựng vào thế kỷ thứ 16, với chất liệu cột, kèo bằng gỗ, cùng hệ thống kiến trúc được trạm khắc hoa văn tinh xảo, năm 1992, Phủ Thượng Đoạn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia, trở thành một trong “Tứ linh từ” thiêng liêng của huyện cổ An Dương.

Phủ Thượng Đoạn là một trong “tứ linh từ” thiêng liêng của huyện cổ An Dương xưa

Tương truyền, cả 3 lần hạ giới của Công chúa Liễu Hạnh là cả ba lần Đức Thánh Mẫu cứu giúp người nghèo, giúp dân khai hoang lập đất, làm ăn sinh sống. Đặc biệt, trong một lần Đức Thánh Mẫu du thuyền thăm xứ biển Đông đến vùng biển Hải Phòng, thấy nơi đây có một cồn cát cảnh đẹp mê hồn, giữa chốn mây trời bao la, bèn dừng chân lên thưởng ngoạn. Tại đây, người khai ân cứu giúp dân lành, dạy dân biết làm ăn sinh sống và được nhân dân vô cùng kính trọng, mến mộ. Nơi mà Đức Thánh Mẫu đặt chân đến chính là vùng đất Đông Hải ngày nay. Để tưởng nhớ công ơn của người, dân làng Đông Hải xưa cùng nhau lập nên ngôi đền để sớm tối thờ phụng. Ngôi đền được dựng trên một khu đất cao, thoáng đãng, trông về hướng Tây Nam, ngày nay có tên Phủ Thượng Đoạn.

Theo sử sách ghi lại, Phủ Thượng Đoạn là một công trình kiến trúc bề thế với bố cục theo lối “tiền nhất – hậu đinh”. Từ ngoài vào là cổng tam quan, có đắp nổi đôi nghê trên 2 cột trụ biểu, sau tam quan là sân dẫn tới tòa bái đường, cung giữa và hậu cung; tạo thành một hệ thống nhất mang đậm giá trị nghệ thuật. Phủ Thượng Đoạn được xếp vào danh sách các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc bởi toàn bộ công trình kiến trúc của phủ được nâng đỡ bởi hệ thống cột gỗ lim tròn. Bộ vì kèo được kết cấu theo kiểu trụ chòng đấu sen, nâng bồng bộ mái ngói vẩy rồng và mái đao cong vút góp phần làm cho công trình kiến trúc của phủ thêm thanh thoát, nhẹ nhàng. Trên bộ mái phủ có trang trí đắp nổi các con vật linh thường được thờ tại các công trình kiến trúc đình, đền, miếu, phủ,…; trên dải bờ nóc đắp nổi đề tài “lưỡng long triều nhật”.

Vào những ngày mồng một, ngày rằm hay lễ Tết, người dân thập phương lại về đây dâng hương và chiêm bái để cảm ơn công lao của Đức Thánh Mẫu

Không những vậy, dưới bàn tay tài hoa, điêu luyện của các nghệ nhân xưa, bên trong tòa bái đường hiện ra vô cùng lộng lẫy với các mảng chạm khắc: chạm thủng, chạm nổi, chạm bong kênh về các đề tài như hổ phù, rồng, phượng, tứ quý, tứ linh,… thể hiện sự hài hòa âm dương, mong muốn sự phát triển thịnh vượng. Trong gian cung giữa có treo bức đại tự sơn son thếp vàng, trong chạm nổi chữ Hán “tối linh từ” nhằm khẳng định sự linh thiêng của di tích thờ mẫu. Chính sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật hội họa và điêu khắc mang tính ước lệ và tượng trưng cao đã tạo nên nét hoành tráng và đồ sộ cho công trình kiến trúc cổ.

Trong Phủ Thượng Đoạn, các đồ thờ tự, tế khí được bài trí có hệ thống và được sơn son thếp vàng, chạm khắc rồng, phượng, hoa, lá,… góp phần tô điểm thêm cho sự uy nghi, lộng lẫy nơi cửa Mẫu. Trong số hàng chục đồ tờ tự ở đây, có đến gần 30 hiện vật có niên đại từ 100 năm trở lên được xếp vào hàng cổ vật có giá trị lớn như bát hương, bài vì, đài quả, bia đá. Đặc biệt, ngày nay, Phủ vẫn còn lưu giữ được 23 bản sắc phong có niên đại 1846 -1924 phong cho Liễu hạnh công chúa Thượng đẳng thần.

Ông Đỗ Văn Thuấn – Chủ tịch UBND phường Đông Hải 1 cho biết: “Trong tâm thức của người dân địa phương, Mẫu Liễu Hạnh cùng với Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thần và Chử Đồng Tử là những bậc thánh thần đạo cao, đức trọng, có công lao to lớn với nước, với dân, mãi mãi trường tồn trong đời sống tinh thần cũng như tâm linh của dân tộc. Hàng năm, theo truyền thống, cứ vào tháng 3 âm lịch, người dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn, dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh – hiện thân của người mẹ Việt Nam. Lễ hội được diễn ra trong suốt tháng với nhiều hoạt động tế lễ, diễn xướng chầu văn, Liên hoan văn nghệ, kinh phật…”.

Không chỉ là nơi thờ tự Mẫu Liễu Hạnh, Phủ Thượng Đoạn còn là nơi che giấu cán bộ kháng chiến trong kháng chiến chống Pháp; nơi cất giữ vũ khí, đạn dược phục vụ chiến đấu góp phần đánh bại âm mưu chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ; nơi lánh nạn an toàn của dân làng Thượng Đoạn khi nước triều cường lên, lũ tràn về cuốn trôi nhà cửa.

Ngày nay, trải qua những thăm trầm của lịch sử, sau nhiều lần trùng tu, Phủ Thượng Đoạn trở thành điểm đến dâng hương và chiêm bái của người dân trong và ngoài thành phố.

Phạm Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông