Phương thức, thủ đoạn trong tạo dựng, tán phát tin giả, sai sự thật

    13:52 06/03/2024

    Thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, sai sự thật trên không gian mạng diễn ra đáng báo động với diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây nghi ngờ, chia rẽ trong nội bộ, hoang mang trong quần chúng Nhân dân cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự kỷ cương xã hội…Chủ động nhận diện các phương thức, thủ đoạn tạo dựng, tán phát tin giả, sai sự thật trên không gian mạng góp phần quan trọng định hướng dư luận, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân khi tham gia mạng xã hội lắm trò, nhiều chiêu ngày nay.

    Với sự phát triển “chóng mặt” của các ứng dụng khoa học công nghệ như hiện nay, có thể thấy xuất hiện vô vàn các phần mềm cho phép người dùng lập tài khoản cá nhân, đăng, bình luận, livestream hay chia sẻ ảnh, video, bài viết một cách tự do như Facebook, Instagram, Twitter, Zalo, Tiktok, Telegram, Viber…hay các phần mềm nhân tạo như Chat GPT, Midjourney, Podcast,… Trong đó, phần mềm Chat GPT mới được ra mắt chưa lâu nhưng đã xuất hiện dấu hiệu bị lợi dụng để tán phát thông tin xấu độc. Các đối tượng coi đó là những công cụ béo bở triệt để khai thác mọi tính năng để tạo dựng, phát tán tin giả, sai sự thật bởi dễ dàng thao tác, đa tiện ích lại có thể lan truyền rộng rãi trên quy mô lớn.

    Các đối tượng triệt để lợi dụng các phần mềm, ứng dụng trên mạng xã hội để tạo dựng, phát tán tin giả, tin sai sự thật

    Một phương thức khác cũng khá phổ biến thời gian qua và có phần “quy mô” hơn, đó là các đối tượng tạo lập ra nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội hoạt động như một trang báo chí, truyền thông để hình thành các diễn đàn bình luận, qua đó tán phát tin giả, sai sự thật với tần suất dày đặc, thủ đoạn ngày càng tinh vi và có phần chuyên nghiệp hơn, từ đó thu hút đông đảo người dùng “sa bẫy”. Có thể điểm qua một số phương thức tạo lập hội, nhóm trên mạng xã hội để lan truyền thông tin xấu độc như:

    - Đặt tên, hình ảnh trang bìa (ảnh cover) và ảnh đại diện (ảnh avatar) của các hội, nhóm theo các sự kiện chính trị, vấn đề nóng, vụ án phức tạp gây xôn xao dự luận hoặc tên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang nhằm thu hút dư luận, đăng tin “giật tít, câu like”, thậm chí chỉnh sửa thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật dẫn dắt dư luận. Có thể kể đến, từ thời điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng là lúc bắt đầu xuất hiện nhan nhản các hội, nhóm “báo chốt, thông chốt” và đưa ra nhiều thông tin về hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông thu hút rất nhiều thành viên ở nhiều địa phương tham gia, trong đó có không ít luồng thông tin nêu quan điểm, ý kiến tiêu cực, sai sự thật, ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an, tác động xấu đến việc thực thi pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.  

    - Hình thành các hội, nhóm triệt để khai thác các vấn đề nóng, giật gân, nhạy cảm dễ gây chú ý, thu hút sự quan tâm của người dùng. Thời gian qua có thể thấy xuất hiện hàng loạt hội, nhóm, kênh trang được tạo lập dưới danh nghĩa chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ làm văn bằng, chứng chỉ, hoạt động tín ngưỡng, tâm linh hoặc lợi dụng các vụ việc khiếu kiện, tố cáo, nhất là liên quan tới kiện tụng đất đai…đang có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa để trục lợi, lừa đảo; thậm chí lôi kéo người dân tham gia hoạt động mê tín dị đoan, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật;.

    Ngoài ra, để tăng cường thu hút dư luận, các đối tượng cũng công khai tuyên truyền, đăng tải thông tin, hình ảnh, video clip có nội dung khiêu dâm, phản cảm, sai sự thật, không có cơ sở khoa học, trái với thuần phong mỹ tục, kết hợp với bán hàng online những sản phẩm nhạy cảm hoặc đăng tải các trường hợp khó khăn cần được giúp đỡ thông qua số tài khoản và thông tin chưa được kiểm chứng…nhằm thu lợi từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất…gây hoang mang dư luận, thậm chí là lừa đảo, nguy cơ tác động tiêu cực đến giới trẻ, vị thành niên.

    Người dân cần cảnh giác với các chiêu trò lợi dụng mạng xã hội để phát tán tin giả, tin sai sự thật

    Một phương thức khác đang trở nên vô cùng tinh vi, đó là lôi kéo, móc nối với lực lượng nổi cộm ở nước ngoài, đứng ra sử dụng mạng xã hội để phát tán tin giả, sai sự thật nhằm phá hoại nội bộ trong nước, gây nhiễu loạn thông tin, bất bình trong nội bộ và bức xúc trong quần chúng Nhân dân.

    Ngược lại là chiêu trò liên kết với lực lượng trong nước, lấy danh nghĩa của nhiều cá nhân có ảnh hưởng trên mạng (gọi là KOLs) hoạt động truyền thông tiêu cực, ảo tưởng quyền lực trên mạng, tạo dựng, tán phát các tin giả thu hút đông đảo người dùng tin và nghe theo. Đặc biệt, lực lượng trong nước này còn phân chia theo ngành, nghề… như hội văn nghệ sĩ, luật sư, trí thức cực đoan phát tán các thông tin nhạy cảm, quan điểm “đối lập” gây dư luận xấu hoặc lợi dụng hình ảnh của bản thân để trục lợi, ảnh hưởng đến văn hoá, thuần phong mỹ tục…hay theo khu vực như một số hội đồng hương cũng đang hoạt động hết sức phức tạp, có tính tự phát.

    Bên cạnh đó, chiêu trò giả danh cán bộ, lãnh đạo các bộ, ngành địa phương, công an, phóng viên tìm cách thu thập thông tin nội bộ, sử dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt, vu khống, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền địa phương nhằm trục lợi thời gian qua đã được các cơ quan, báo, đài nêu lên nhưng vẫn còn rất nhiều người dùng mạng xã hội tin và nghe theo.

    Có thể thấy, mạng xã hội là con dao hai lưỡi, bên cạnh các tiện ích mang lại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tự trang bị các kiến thức, kỹ năng về nhận diện phương thức, thủ đoạn tạo dựng, phát tán tin giả, tin sai sự thật để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu./.

    Thanh Thanh

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông